Vinamilk gặp khó ở mảng xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong năm 2017 gặp nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu cải thiện trong quí 1 -2018. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh trong nước lại khả quan, trong đó mảng sữa hữu cơ (organic) lại rất khả quan, hàng không đủ bán.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa diễn ra hôm 31-3, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết xuất khẩu của Vinamilk đã sụt giảm trong năm 2017 và vẫn đang tiếp tục giảm trong quí 1 vừa qua.

Tình hình xuất khẩu chưa rõ như thế nào là lý do khiến Hội đồng quản trị Vinamilk quyết định đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm 2018 ở mức 55.500 tỉ đồng, chỉ tăng 8,5% so với số thực hiện năm 2017. Bên cạnh đó, con số này cũng để tránh gây phản ứng tiêu cực vì tạo ra áp lực quá lớn với cán bộ nhân viên.

“Chúng tôi chưa đủ tự tin về xuất khẩu năm 2018. Nhưng đây cũng chỉ là con số tối thiểu mà hội đồng quản trị đưa ra”, bà Liên trả lời ý kiến của cổ đông về việc dường như chỉ tiêu 2018 ít tham vọng.

Các cổ đông đặt câu hỏi cho lãnh đạo Vinamilk tại đại hội đồng cổ đông. Ảnh: Minh Tâm.

Trước đó, một đại diện khác của Vinamilk từng chia sẻ sâu về câu chuyện hoạt động xuất khẩu gặp khó. Theo đó, trong năm 2017, Vinamilk đã phải tạm ngừng xuất hàng sang Trung Đông, một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống của Vinamilk do bất ổn chính trị. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%/năm ở khu vực này không thể thực hiện đã ảnh hưởng đến kế hoạch gia tăng tỷ lệ của doanh thu nước ngoài trong tổng doanh thu. Tuy nhiên, tổng doanh thu của Vinamilk trong năm 2017 không bị ảnh hưởng nhờ thị trường nội địa tăng trưởng tốt.

Trở lại với đại hội đồng cổ đông thường niên, bà Liên cũng khẳng định, thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng tốt ở tất cả các ngành hàng Vinamilk tham gia, từ sữa bột, sữa nước; các sản phẩm chế biến từ sữa đến nhóm ngoài sữa như nước giải khát, nước trái cây…

Đặc biệt, dòng sản phẩm sữa tươi organic tung ra trong năm 2017 đã được thị trường đón nhận và hiện tại, nguyên liệu sản xuất được không đủ đáp ứng nhu cầu.

Chính vì vậy, trong năm 2018, theo bà Liên, Vinamilk sẽ tập trung phát triển các trang trại bò sữa organic. Trong đó, sẽ mở rộng trang trại đã đạt chứng nhận organic tại Đà Lạt, Lâm Đồng bằng cách nhập bò mang thai từ Úc về nuôi dưỡng; chuyển bò hiện có sang trang trại phía Di Linh; phát triển đàn bò 2.000 con tại trang trại ở Thanh Hóa…

Vinamilk cũng sẽ cố gắng có một trang trại đạt chứng nhận organic tại Cần Thơ.

Vinamilk đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2018 ở mức 10.752 tỉ đồng, tăng 4,6% so với số thực hiện năm 2017.

Riêng ở khu vực miền Trung thì đang tìm kiếm điểm lập trang trại, có thể là trong nước hoặc ra nước ngoài gần biên giới. Hiện tại, Vinamilk đã tìm được một đối tác Nhật Bản đã xây dựng trang trại đạt chứng nhận ở Lào. Vinamilk sẽ mua nguyên liệu sữa tươi của đối tác này đưa về Nghệ An sản xuất (với quãng đường vận chuyển khoảng 6-7 giờ đồng hồ).

“Hai năm tới, nguyên liệu sữa tươi organic sẽ tăng lên, còn hiện nay thì không đủ. Chúng tôi không nghĩ là thị trường lại phát triển nhanh và nhu cầu lớn như vậy”, bà Liên cho biết.

Vinamilk đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 10.752 tỉ đồng, tăng 4,6% so với số thực hiện năm 2017 và chia cổ tức bằng tiền mặt với mức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Đại hội đồng cổ đông Vinamilk cũng đã thông qua việc bầu ông Alain Xavier Cany, người của cổ đông lớn Jardine Cycle & Carriage Limited (JC&C) vào Hội đồng quản trị Vinamilk nhiệm kỳ 2017 - 2021.

JC&C là nhà đầu tư đã bỏ gần gần 9.000 tỉ đồng để mua nguyên lô 48.333.400 cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinamilk vào đợt thoái vốn năm ngoái và cũng đã liên tục bỏ tiền để mua thêm cổ phiếu của Vinamilk trong thời gian qua để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở doanh nghiệp sữa nay, chỉ sau Tập đoàn F&N.

Minh Tâm
Nguồn The Saigon Times