Cuộc tấn công của các hãng công nghệ vào ngành ô tô

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu với tuổi đời hàng trăm năm đang có những bước đi làm thay đổi lịch sử, dưới sức ép mạnh mẽ của các công nghệ mới nổi.

Các công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) và Internet kết nối vạn vật (IoT) không chỉ góp phần định hình lại ngành công nghiệp truyền thống này mà còn khiến những sản phẩm “trong mơ” đến gần hơn với hiện thực.

Có thể nói, khi các đại diện của ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô của Đức như BMW, Daimler và Volkswagen đang tìm cách “thích nghi” với ô tô điện thì những chiếc xe điện Tesla của Mỹ đã lăn bánh trên các con đường ở nước Đức, đặt ra sự thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp được xem là một trong những biểu tượng của quốc gia châu Âu này. Hơn thế nữa, xe tự lái, các dịch vụ di động sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp truyền thống này có thể bị “phá vỡ”.

Cuộc triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ diễn ra hồi tháng Giêng vừa qua ở Detroit, “thủ phủ” của ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã trở thành sàn diễn cho những công nghệ tương lai của ngành ô tô, đặc biệt là công nghệ xe tự lái.

Tại Detroit năm nay, không khó để bắt gặp các sản phẩm mới của công nghệ xe tự lái được hiện diện, từ hệ thống radar điều hướng tự động, cho đến xe buýt không cần người điều khiển. Không chỉ các nhà sản xuất ô tô và giới công nghệ, những công ty khởi nghiệp (startup) mới nổi cũng đang tích cực hiện diện trong mảng xe tự lái của cuộc triển lãm năm nay.

Ảnh: mybusinessfuture.

Cuộc lấn sân của các hãng công nghệ

Quy mô của thị trường xe tự lái dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm tới khi công nghệ dần đạt tới ngưỡng hoàn hảo và đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa. Cũng bởi vậy, đây sẽ tiếp tục là một thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng để các hãng công nghệ cố gắng chen chân vào.

Hiện nay, không chỉ có các hãng xe hơi quan tâm đến xe tự lái, rất nhiều hãng công nghệ trong đó có Samsung, LG, Intel, Google, Apple, Microsoft và thậm chí cả Facebook cũng đang rất quan tâm. Mặc dù vậy, mỗi hãng đều quyết đi tìm một thế mạnh riêng để tấn công vào thị trường này.

Nếu các hãng công nghệ đến từ Mỹ đặt trọng tâm vào hệ thống xe tự lái và phần cứng thì các hãng công nghệ Hàn Quốc lại tìm hướng phát triển hệ sinh thái và các bộ phận phụ trợ cho xe tự lái. Trong đó, Samsung và LG là hai ứng cử viên dẫn đầu.

Theo thông tin từ các diễn đàn công nghệ, Samsung Catalyst, một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Trung tâm Sáng tạo và chiến lược Samsung (SSIC) và liên doanh Softband Venture Korea (chi nhánh SoftBank tại Hàn Quốc) đã cùng nhau đầu tư 73 triệu đô la Mỹ cho công ty Innoviz Technologies, một công ty khởi nghiệp Israel đang nghiên cứu công nghệ LIDAR mới cho xe tự lái.

Không giống các loại radar ứng dụng cách phát hiện vật thể bằng tần số, công nghệ LIDAR mới sử dụng ánh sáng tia laser để đo khoảng cách, tốc độ và tính chất vật lý của vật thể. Đây là công nghệ quan trọng cho phép xe tự lái có thể nhận biết môi trường xung quanh.

Không chỉ có các hãng xe hơi quan tâm đến xe tự lái, rất nhiều hãng công nghệ trong đó có Samsung, LG, Intel, Google, Apple, Microsoft và thậm chí cả Facebook cũng đang rất quan tâm.

Innoviz Technologies được thành lập bởi một kỹ sư quân đội Israel vào tháng 1-2016. Công ty cũng nhận được khoản đầu tư lên tới 82 tỉ đô la từ Delphi Automotive PLC và Magna International. Hai công ty này đang lên kế hoạch thông qua Innoviz Technologies, tung ra các mô hình nền tảng phát triển cho xe tự lái vào năm 2018 này, sau đó tiếp tục sản xuất đại trà cho xe tự lái từ năm 2019.

Vào tháng 9 năm ngoái, Samsung Electronics đã thành lập Quỹ sáng kiến ôtô trị giá 300 triệu đô la và tuyên bố đầu tư 89,69 tỉ đô la cho TTTech, một đơn vị phát triển hệ thống hỗ trợ lái xe cao cấp (ADAS). Không chỉ vậy, hãng điện tử Hàn Quốc thậm chí đã lập một bộ phận kinh doanh mới, chịu trách nhiệm về công nghệ tự lái và ADAS.

Một hãng công nghệ khác của xứ sở kim chi là LG Electronics quyết không chịu thua trước Samsung trong cuộc đua đầy khốc liệt này. LG đang thể hiện rõ tham vọng với mảng kinh doanh bộ phận ứng dụng trên xe tự lái.

Mới đây nhất, trường Đại học Michigan, Mỹ đã công bố danh sách 11 công ty bao gồm LG Electronics, Delphi, DENSO, Ford, General Motors và Honda đang đầu tư cho cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm xe tự lái tại Mcity, một thành phố mô phỏng rộng 130.000 mét vuông nằm trong khuôn viên trường đại học. Trong vòng ba năm tới, các công ty đều cam kết sẽ chi thêm 1 triệu đô la cho chương trình nghiên cứu này.

Các chuyên gia công nghệ tin tưởng rằng, LG sẽ thực hiện hóa thành công chiến lược tiếp cận xe tự lái thông qua trao đổi công nghệ. Việc tham gia vào liên minh Mcity Leadership Circle sẽ giúp LG có thể sớm làm chủ công nghệ xe tự lái sớm hơn các đối thủ khác như Samsung. LG hiện đang lên kế hoạch mua lại một công ty chuyên sản xuất hệ thống chiếu sáng cho ô tô có tên ZKW Group tại Áo. Thương vụ được dự đoán có giá lên tới 896,86 triệu đô la. Tuy nhiên, một quan chức của LG khẳng định chưa thể tiết lộ được bất cứ thông tin nào trong lúc này.

Dẫu biết cuộc đua công nghệ xe tự lái sẽ rất tốn kém và khó nắm được phần thắng khi có quá nhiều hãng xe có kinh nghiệm đi trước. Tuy nhiên, lợi thế của nhiều hãng công nghệ như Samsung hay LG chính là sự rút tỉa kinh nghiệm từ các đối thủ đi trước. Đó là chưa kể, việc định hướng gia nhập thị trường xe tự lái của cả hai đều rất khác so với các hãng công nghệ Mỹ.

Ảnh: Autoevolution.

Mối đe dọa cho ngành công nghiệp lâu đời

Một trong những sự đóng góp quan trọng nhất của công nghệ trí thông minh nhân tạo và Internet kết nối vạn vật là làm cho các mẫu xe ô tô trở nên an toàn hơn thông qua khả năng giao tiếp với nhau (Vehicle-to-Vehicle – V2V) giúp làm giảm tai nạn và tăng khả năng giao tiếp giữa con người với phương tiện.

Thế nhưng, sự phát triển vượt trội của công nghệ đang quay lại đe dọa ngành sản xuất ô tô truyền thống. Theo dự đoán, các mẫu xe điện có thể chiếm 20% thị trường vào năm 2019 trong khi các hãng ô tô lại chậm chân trong lĩnh vực mới này.

Tesla của Elon Musk hẳn là bài học cho các nhà sản xuất ô tô bởi những thành quả mà hãng xe này mang lại trong một thời gian ngắn có thể đe doạ đến bề dày lịch sử hàng trăm năm của nhiều hãng xe trên thế giới.

Nhưng giờ đây người ta không chỉ còn nhắc đến Tesla bởi Google đã thử nghiệm và đang gấp rút thương mại hóa mẫu xe không người lái của riêng mình. Nhà sản xuất chip Qualcomm cũng tuyên bố nhảy vào lĩnh vực ô tô và sản xuất bộ vi xử lý trên các dòng xe điện, xe tự lái giúp các xe hơi có thể kết nối với nhau. Vào tháng 10-2017, Apple đã xác nhận đang phát triển phần mềm cho phép xe ô tô tự lái dựa trên công nghệ học máy (Machine Learning).

Ngoài ra, trong bối cảnh AI là cuộc chơi mang tính cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô thì hàng loạt liên minh mới cũng được hình thành. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ô tô đều đang tìm kiếm sự hợp tác để có thể tận dụng AI và không bị tụt hậu trong ngành công nghiệp này.

Theo dự đoán, các mẫu xe điện có thể chiếm 20% thị trường vào năm 2019 trong khi các hãng ô tô lại chậm chân trong lĩnh vực mới này.

IBM tuyên bố hợp tác với BMW trong một dự án đầu tư trên 1 tỉ đô la để phát triển trí tuệ nhân tạo cho ô tô. Audi cũng sẽ ứng dụng AI để chế tạo xe tự lái vào năm 2020 dựa trên những siêu máy tính mới nhất của NVIDIA. Hay các liên minh mới vừa được tạo ra như GM-Cruise Automation, Uber-Volvo, Ford hợp tác với Baidu... để cạnh tranh trong cuộc chiến xe tự lái.

Khi các phần mềm ứng dụng mới là cuộc chiến mới của ngành công nghiệp ô tô thì các nhà sản xuất ô tô hiểu rằng, xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của Ford, GM, Honda, Daimler, Toyota, Jaguar Land Rover hay Volkswagen nữa. Trước sự tấn công ồ ạt của các công ty công nghệ, các nhà sản xuất ô tô đang bắt đầu thay đổi và năm 2017 làn sóng cách tân chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Sự chuyển dịch lớn trong các nhà sản xuất đã đưa những chiếc xe thông minh đến gần hơn với hiện thực dù các mẫu xe này vẫn chưa thể xuất hiện ở phòng trưng bày ô tô.

Không chỉ bắt tay với các nhà sản xuất công nghệ, các thương hiệu ô tô đã bắt đầu chi nhiều tiền hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để đưa các mẫu xe thông minh đến gần hơn với người tiêu dùng. AI trên xe hơi đang tiến được những bước rất xa và tạo ra những chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại đơn thuần.

Toyota đã chi hơn 1 tỉ đô la (trong năm năm) cho cơ sở nghiên cứu của mình tại Thung lũng Silicon để điều tra về máy tính thị giác, học máy, robot, tương tác giữa con người và máy tính, các hệ thống thông minh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Năm 2017, Toyota đã gọi trí thông minh nhân tạo của mình với cái tên Yui. Với các camera và bộ cảm biến gắn trên xe, Yui “nghiên cứu” hình dáng, cử chỉ, tâm trạng của người lái và định hình cách hành xử với người lái xe hay khách hàng đi xe. Thậm chí, Yui có thể “tước quyền” của tài xế và tự mình kiểm soát nếu phát hiện ra các điều bất thường. Dự kiến, các tính năng này sẽ được ứng dụng trong các mẫu xe của Toyota trước năm 2030.

Nhưng Toyota không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất nhìn nhận các thế mạnh của AI, hàng loạt các tên tuổi khác như Honda, Ford, BMW, Nissan, Volkswagen cũng đang gấp rút chạy đua về nó. Volkswagen đầu tư hơn 40 tỉ đô la trong năm năm tới vào các công nghệ mới với tham vọng đến năm 2025 sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực ô tô điện.Trong đó, hãng này sẽ chú trọng phát triển các dòng xe lai điện, xe điện, xe tự lái, các dịch vụ vận chuyển mới hay công nghệ số hóa. Trong khi đó, hãng xe Mỹ GM cũng khẳng định sẽ giới thiệu dịch vụ chia sẻ xe sử dụng chính những chiếc xe tự lái thương hiệu này vào năm 2019.

Ngọc Ánh
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn