Truyền hình trả tiền đổi 'nước cờ'

Doanh nghiệp truyền hình trả tiền bắt đầu theo đuổi chiến lược “cộng sinh” để giữ chân khách thay vì giảm giá về đáy như trước.

Từ năm 2018, Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) hợp tác phát sóng gói 4 kênh chuẩn HD của K+ trên hệ thống truyền hình cáp của SCTV. Thỏa thuận này được công bố một tuần trước khi K+ bắt đầu phát sóng Giải UEFA Champions League, UEFA Europa League, những chương trình vốn được xem là "đinh" của Công ty TNHH Truyền Hình Số Vệ Tinh Việt Nam (VSTV).

Cú bắt tay này rõ ràng cho thấy cuộc đối đầu kéo dài suốt nhiều năm nay giữa các đơn vị truyền hình trả tiền đã chuyển hướng. SCTV đã trở thành đối tác với K+ sau nhiều sóng gió trên thị trường.

Trước đó, thị trường truyền hình trả tiền chứng kiến nhiều cuộc đua giảm giá, khuyến mại để thu hút thuê bao. Nay, khi truyền hình OTT và truyền hình di động xuất hiện, các nhà cung cấp dịch vụ phải tìm hướng đi mới để duy trì thuê bao và doanh thu.

Thực tế, số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho thấy, tổng doanh thu thuê bao của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 khoảng 7.500 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 12.000 tỷ đồng của năm 2016.

Nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền bắt tay nhau để khai thác hạ tầng, nội dung. Ảnh minh họa.

Do đó, bắt tay nhau để có thể cùng phát sóng “bộ sưu tập” bản quyền các chương trình truyền hình hấp dẫn là một "nước cờ" mà các nhà cung cấp lớn phải tính đến. Ít nhất 5 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác là VTVcab (Truyền hình Cáp Việt Nam), MyTV (VNPT), NextTV (Viettel), OneTV (FPT) và HCATV (Truyền hình cáp Hà Nội) đã hợp tác với K+ trong bán gói kênh với cùng một mức giá thuê bao từ 125.000 đến 150.000 đồng mỗi tháng.

Trên thị trường, ba đại gia SCTV – VTVcab và K+ đang thống lĩnh không chỉ về doanh thu hay thuê bao mà còn vượt trội về nội dung sản xuất. Trong khi SCTV sở hữu số lượng thuê bao khoảng 4,5 triệu, doanh thu năm 2017 đạt khoảng 3.420 tỷ đồng thì K+ lại có trong tay loạt “hàng độc” về nội dung như độc quyền nhiều giải thể thao, phim truyện và chương trình giải trí. VTVCab thì cân bằng hơn khi sở hữu đồng thời cả hai thế mạnh nói trên.

“Việc hợp tác về gói kênh trên của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền giúp các bên tham gia thị trường đều hưởng lợi. Các nhà đài sẽ hạn chế được tình trạng rời thuê bao, chuyển sang đối thủ khác do không có những chương trình độc quyền mà họ yêu thích”, lãnh đạo MyTV cho hay.

Không chỉ giữ chân được thuê bao, vị này cho biết, nhà đài sẽ phát triển thêm được khách hàng nhờ sự hợp tác này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có thêm được phần doanh thu nhờ “ăn chia” tỷ lệ với đối tác. “Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh việc gia tăng thuê bao ngày càng chậm lại”, vị này nói.

Tổng doanh thu thuê bao của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 khoảng 7.500 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 12.000 tỷ đồng của năm 2016.

Còn ở góc độ người tiêu dùng, ông cho rằng sẽ thêm sự lựa chọn và có thêm nhiều nội dung hấp dẫn với mức giá hợp lý hơn.

Bản thân K+, với sự hợp tác trên, theo một đại diện của công ty này, họ cũng được hưởng lợi bởi có thể phát triển thêm lượng thuê bao gián tiếp lớn mà không cần phải đầu tư hạ tầng. “Các thuê bao gián tiếp từ các đối tác sẽ đồng thời là thuê bao của K+ nên chúng tôi sẽ vừa có lượng thuê bao lớn, vừa có thêm nguồn doanh thu từ việc hợp tác đó”, đại diện đơn vị này cho biết.

Dưới góc độ thị trường, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, bằng việc bắt tay giữa các nhà đài khác, giá cung cấp dịch vụ, giá thuê bao sẽ ổn định và xác lập mặt bằng mới, chấm dứt được cuộc đua giảm giá cùng nhau chết chìm. Theo ông, với sự hợp tác này, thị trường truyền hình trả tiền đã dần “đình chiến” một cuộc chiến tiêu cực, mở ra một cuộc cạnh tranh tích cực hơn và hình thành một cuộc “cộng sinh” cùng nhau phát triển.

“Các nhà đài sẽ tập trung vào cuộc cạnh tranh về chất lượng nội dung, cùng cạnh tranh lành mạnh cung cấp các chương trình hấp dẫn cho khách để giữ và phát triển thuê bao”, ông nhận định.

Nguyễn Hà
Nguồn VnExpress