Amazon sẽ chọn đối tác nào ở Việt Nam?

Một trong những bước đi đầu tiên khi gia nhập thị trường Việt Nam của tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon đó là hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bán hàng và xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuẩn bị như thế nào để đón đầu cơ hội này?

Ngày 14/3 là thời điểm Amazon sẽ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Đây là thị trường thứ 2 của Amazon tại khu vực Đông Nam Á sau thị trường Singapore.

Amazon xoay chiến lược

Trước khi bước chân vào Singapore, giới chuyên gia trong khu vực từng đồn đoán về chiến lược gia nhập thị trường Đông Nam Á của Tập đoàn Amazon có thể sẽ thực hiện một thương vụ mua bán và sát nhập (M&A) như đã từng làm tại Ấn Độ. Tuy nhiên, việc công bố bước đi đầu tiên trong chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam là hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy chiến lược đã có sự thay đổi.

Theo nguồn tin Tech in Asia, việc gia nhập thị trường Việt Nam sẽ không bằng phẳng như ở Mỹ, Nhật, Đức, Anh hay Ấn Độ... nơi mà Amazon đang lấn lướt đối thủ bản địa. Nguồn tin này dẫn chứng, Amazon không thể cứ cắt cử một vài lãnh đạo cấp cao từ Mỹ sang những thị trường như Jakarta rồi tự xây dựng hệ thống logistics giao hàng hỏa tốc trong điều kiện giao thông không tốt tại Việt Nam.

Việt Nam là thị trường thứ 2 của Amazon tại khu vực Đông Nam Á sau thị trường Singapore. Ảnh: S.T.

Chưa thể chắc chắn rằng kết quả hợp tác này như thế nào, song rõ ràng đối tượng mà Amazon lựa chọn để hợp tác là đúng đắn. Có được điều này đó là kết quả hợp tác giữa Amazon và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) trong hoạt động nghiên cứu và phân tích thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ra sao?

Như vậy có thể thấy, mảnh ghép từ Amazon hoàn toàn có thể bù đắp được những “khiếm khuyết” của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia hợp tác trong thị trường thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán hàng, xuất khẩu qua hệ sinh thái của doanh nghiệp này. “Chiến lược của Amazon gồm hai bước: Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới; Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam” – ông Hưng khẳng định.

Mong muốn của Amazon về đối tác Việt sẽ được ông Gijae Seong - Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu tại Singapore chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018).

Rõ ràng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đang cần “tận dụng” cơ hội.

Ngọc Hà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp