Lo mất thị trường bán lẻ qua mạng

Cả 3 tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc gồm Alibaba, Tencent và JD.com đều đã đầu tư và đang dẫn đầu tại Việt Nam khiến cuộc chiến bán hàng qua mạng ngày càng khốc liệt.

Cuộc đổ bộ của các tập đoàn Trung Quốc

Mặc dù không có con số thống kê chính xác thị phần bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) tại VN trong hai năm qua nhưng trước đó, Lazada đã từng biết đến là đơn vị dẫn đầu với thị phần khoảng 30%. Lazada đã chính thức về tay “gã khổng lồ” Alibaba vào giữa năm 2016 khi tập đoàn của tỉ phú Jack Ma chi 1 tỉ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến giữa năm 2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỉ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại chợ bán lẻ online này.

Một sàn TMĐT của VN cũng đang lớn nhanh là Tiki đến cuối năm vừa qua cũng chính thức công bố nhận vốn đầu tư từ Tập đoàn JD.com (Trung Quốc). Cũng trong hai năm qua, sàn Shopee nổi lên với số lượng đơn hàng tăng mạnh. Cổ đông lớn của Shopee là Tencent - một tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và nằm trong top 10 thế giới. Theo thống kê mới nhất của Google thì Lazada, Shopee và Tiki là ba trong bốn trang TMĐT được tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua tại VN.

Các sàn bán lẻ qua mạng dẫn đầu tại VN đều thuộc Trung Quốc. Ảnh: Đ.N.Thạch.

Ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN, nhận định: Khi có sự tham gia mạnh hơn của các tập đoàn nước ngoài, bản thân người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn vì hàng hóa phong phú, có chất lượng, dịch vụ hậu mãi tốt hơn, thị trường TMĐT cũng sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Riêng đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước, đa số đều tập trung vào thị trường ngách với những phân khúc khách hàng nhất định, nên không có gì đáng lo ngại. “TMĐT là một cuộc chơi không biên giới. Trước đây Tập đoàn Ailbaba với các sàn online như AliExpress, Taobao ngay tại Trung Quốc cũng bán hàng rất nhiều cho người Việt nhưng không chịu sự quản lý, không phải đóng thuế cho VN và bản thân người dùng cũng không được chăm sóc tốt. Ngược lại DN trong nước lại phải đóng thuế và chi ra nhiều tiền để chăm sóc khách hàng… Vì vậy khi Alibaba chính thức vào VN qua Lazada thì người dùng được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt hơn, nhà nước có thể thu thuế và xử lý nếu họ làm sai. Cuộc chơi như vậy sẽ trở nên công bằng hơn với các DN trong nước và nếu các DN có chiến lược kinh doanh tốt thì sẽ cạnh tranh được”, ông Lê Hải Bình nói.

Lo ngại mất thị trường

Theo thống kê của Bộ Công thương, doanh số TMĐT bán lẻ của VN năm 2016 ước đạt 5 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỉ USD năm 2013, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2016. VN được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). Theo dự báo, thị trường này sẽ đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020. Hiện tại, tỷ lệ TMĐT của toàn cầu đã chiếm gần 10% tổng doanh thu bán lẻ, tại Trung Quốc là 14 - 15%. Nếu chậm trễ, rất có thể cuộc đua phân chia thị trường chỉ là câu chuyện của các DN ngoại.

Theo thống kê của Bộ Công thương, doanh số TMĐT bán lẻ của VN năm 2016 ước đạt 5 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỉ USD năm 2013, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2016.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, cho rằng không thể lơ là trong việc phát triển thị trường này. Nhìn vào câu chuyện thị trường bán lẻ hiện đại sẽ thấy, các hệ thống siêu thị hiện đại của nước ngoài như Lotte, Aeon, MM Mega Market (Metro), BigC… đang dần chiếm ưu thế. Và câu chuyện này rất có thể lại xảy ra ở lĩnh vực bán lẻ qua mạng. “Chúng ta không nên để nước đến chân mới nhảy. Đợi sau khi nước ngoài chiếm phần lớn thị trường mới lo thì sẽ không kịp. Chính phủ chỉ cần tạo môi trường phát triển công bằng, lành mạnh cũng như kiểm soát các hoạt động, chất lượng hàng hóa trên mạng để người dùng yên tâm để thị trường phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó cũng khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường TMĐT vì đây là xu hướng tất yếu của cả thế giới”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.

Ông Lê Hải Bình nhận định: DN trong nước vẫn có những lợi thế về sân nhà, am hiểu tâm lý người tiêu dùng nên nếu đầu tư bài bản, có sản phẩm chất lượng thì kết quả cuối cùng có thể cũng không thua nước ngoài. Bởi tài chính vốn được xem là lợi thế của các tập đoàn ngoại thì các tập đoàn bán lẻ lớn trong nước như Vingroup, Thế Giới Di Động... cũng không hề thua kém.

Mai Phương
Nguồn Thanh Niên