Câu chuyện buồn của PNC

Là một trong số ít đơn vị phát hành sách lớn nhất cả nước nhưng hiện nay, khoản lỗ lớn cùng việc thanh toán các khoản nợ đang hết sức khó khăn với PNC.

Công ty Cổ phần Văn Hóa Phương Nam (PNC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình ý kiến kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C về báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017.

Qua đó, PNC khẳng định trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2017, PNC và các công ty con bị lỗ 66,5 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2017 là 105,8 tỷ đồng. Ngoài ra, ngày 31/12/2017, các khoản nợ ngắn hạn của PNC đã vượt quá tài sản ngắn hạn 180,3 tỷ đồng.

Kết quả kém khả quan

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam sở hữu 100% vốn tại 6 công ty con, gồm sách Phương Nam, Công ty VPP Phương Nam, In Phương Nam, bán lẻ Phương Nam và Công ty Giải trí – Truyền thông Phương Nam.

Ngoài ra, công ty còn có 4 đơn vị liên kết, trong đó có Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (Phương Nam nắm 20% vốn). Đây là đơn vị sở hữu hệ thống rạp chiếu phim CGV, lớn nhất cả nước hiện nay.

Phương Nam là một trong số ít đơn vị phát hành sách lớn nhất cả nước hiện nay với hệ thống hàng chục cửa hàng sách và cà phê sách trên toàn quốc. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh trong năm 2017 không mấy khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2017 và cả năm 2017 mới được công bố, riêng quý 4/2017, hoạt động kinh doanh chính là khả quan khi doanh thu thuần đạt gần 152 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán giảm nên lợi nhuận gộp đạt 30,7 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 2,6 lần cùng kỳ. Đáng chú ý hoạt động liên kết chịu lỗ gần 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 741 triệu đồng, chi phí bán hàng đội lên hơn 54 tỷ đồng cao gấp hơn 6 lần cùng kỳ, chi phí QLDN cũng tăng cao cộng với khoản lỗ khác 24,3 tỷ đồng khiến PNC chịu lỗ 66,7 tỷ đồng cao hơn nhiều so với khoản lỗ 14,3 tỷ đồng cùng kỳ 2016.

Như vậy khoản lỗ lớn trong quý 4 đã khiến lũy kế cả năm 2017 mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ so với cùng kỳ đạt gần 599 tỷ đồng thì gánh nặng chi phí bán hàng cộng với lỗ từ hoạt động khác khiến PNC lỗ ròng hơn 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng.

HOSE cũng vừa có quyết định đưa cổ phiếu PNC vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/2, và duy trì diện bị kiểm soát đặc biệt, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Sẽ qua "cơn bĩ cực" bằng cách nào?

Trong thông báo mới nhất, lãnh đạo PNC chính thức thừa nhận việc thanh toán các khoản nợ đang hết sức khó khăn nên không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Trước khoản lỗ và khoản nợ trên PNC lý giải, tình hình kinh doanh khó khăn trên chủ yếu xuất phát từ việc thực hiện tái cấu trúc, xử lý một số tài sản không phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh thay đổi sau khi có sự thay đổi cổ đông lớn của doanh nghiệp.

“Những yếu tố trên cho thấy PNC khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn và do vậy, khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn là không chắc chắn" - PNC thừa nhận trong văn bản.

Trong báo cáo của HĐQT tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên 2018, ban lãnh đạo công ty cho biết trong năm 2017 công ty đã phát triển hệ thống bán lẻ với 11 nhà sách mới tại trên toàn quốc. Qua đó, nâng tổng số nhà sách của công ty đang hoạt động lên con số 57.

Năm 2018, PNC đặt mục tiêu đạt 800 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế ước đạt 20 tỷ đồng. Để thực hiện được, năm 2018 công ty sẽ tập trung tái cơ cấu hoạt động bán lẻ và tăng vốn để bù đắp lỗ lũy kế, giải quyết nhu cầu vốn kinh doanh.

HĐQT cũng xác định mục tiêu trọng tâm năm 2018 là đảm bảo tài chính, tập trung vào hoạt động cốt lõi, tập trung tái cơ cấu hoạt động bán lẻ và tăng vốn để bù đắp lỗ lũy kế, giải quyết nhu cầu vốn kinh doanh.

Theo phương án trình ĐHCĐ, HĐQT đề xuất tăng vốn từ 110,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần ưu tiên bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. HĐQT trình cổ đông ủy quyền quyết định thời điểm, phương án phát hành và triển khai các công việc liên quan.

Tuy nhiên trong thời gian qua, PNC có vẻ "đuối sức" trước áp lực cạnh tranh của thị trường bán lẻ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng do vấn đề vi phạm bản quyền và sách lậu, lỗ lũy kế tăng mạnh do dự phòng giảm giá hàng tồn kho, xử lý các khoản chi phí dở dang treo lại từ lâu, xử lý nợ khó đòi cũng là những bài toán rất lớn đặt ra cho PNC trong năm 2018 này.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp