Startup Việt: Mặt phải của tấm thảm thêu

Niềm hy vọng về những khởi đầu trẻ trung đầy sinh khí của nền kinh tế khiến cho phong trào khởi nghiệp rộ lên trong những năm gần đây. Thế nhưng, đi tới cuối con đường không thể chỉ bằng nhiệt huyết.

Niềm hy vọng mới

Không quá ngạc nhiên khi phong trào khởi nghiệp được gửi gắm nhiều kỳ vọng đến vậy. Dù năm 2017, nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm trở lại đây nhưng nội lực vẫn yếu và thiếu. Doanh nghiệp là máu thịt và là sức mạnh của nền kinh tế, doanh nghiệp tốt sẽ tạo ra một nền kinh tế tốt, nên hy vọng đặt vào phong trào khởi nghiệp như một lẽ tất yếu với nhiều chính sách hỗ trợ từ cả cấp chính phủ.

Theo xu thế và kinh nghiệm của thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, bởi nếu cứ làm như cũ Việt Nam sẽ khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đương nhiên, phong trào khởi nghiệp đã có những kết quả nhất định. Theo VCCI, tính tới thời điểm này, Việt Nam có khoảng 1.800 startup. Đặt tương quan với quy mô dân số, mật độ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam nhiều hơn cả Trung Quốc (khoảng 2.300 doanh nghiệp), Ấn Độ (khoảng 7.500 doanh nghiệp) và Indonesia (khoảng 2.100 doanh nghiệp).

Tại Ngày hội Khởi nghiệp 2017, 5 thương vụ startup đình đám với tổng vốn đầu tư lên đến 40 triệu USD là Momo, F88, Got It! Vntrip.vn, Toong. Cuối năm 2017, Foody được Tập đoàn SEA của Singapore mua lại hơn 82% cổ phần với giá trị hơn 64 triệu USD. Tiki đã nhận được khoản đầu tư từ ba nhà đầu tư mà một trong số đó là 44 triệu USD từ JD.com, hãng thương mại điện tử thứ hai Trung Quốc.

Ảnh minh họa: ảnh: Tiki.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thành tích trên chỉ là mặt phải của tấm thảm thêu. Những đường chỉ rối rắm ẩn giấu ở mặt sau và nếu không nhìn thẳng để điều chỉnh đúng hướng, phong trào khởi nghiệp có thể chỉ dừng lại ở một hiện tượng nhất thời nhưng tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Thứ nhất, khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Nhận định Việt Nam đang rơi vào tình trạng nhiễu khởi nghiệp không vấp phải sự phản đối nào bởi đó là thực tế cần phải đối mặt. Cần lưu ý thêm rằng, tính trong tháng 1.2018, mỗi ngày có 420 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Giải pháp để khởi nghiệp không chỉ là phong trào rõ ràng phải được bàn thảo nghiêm túc.

Thứ hai, chủ yếu ghi nhận doanh nghiệp thành công trong khởi nghiệp trong khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi những doanh nghiệp này chuẩn bị vươn vai thì doanh nghiệp ngoại lập tức tràn vào để mua cổ phần, thâu tóm. Một kịch bản buộc phải tính tới là người Việt dọn thị trường và chào đón nước ngoài vào thâu tóm, điều không thể tránh khỏi trong một thế giới phẳng.

Đi tìm lời giải

Một điều rất lạ đang xảy ra xung quanh câu chuyện khởi nghiệp là người khen nhiều, người cảnh báo nhiều không kém nhưng dường như rất ít tiếng nói độc lập, nhìn nhận vấn đề một cách căn cơ, bài bản, đặt trên tương quan với lợi ích chung của nền kinh tế. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi trao đổi với NCĐT, cho rằng: “Chúng ta tự nghĩ ra những danh từ mới, dựa trên đó để phát động cả một phong trào hao người tốn của, nhưng lại không xác định được khái niệm như một công cụ để nhận thức về nó, từ đó, tìm ra được cách tiếp cận đúng đắn”.

Một cách hiểu được nhiều người chấp nhận trên thế giới là khởi nghiệp phải có tính đột phá, phải tạo ra một thực thể kinh doanh chưa từng có trên thị trường hoặc một sản phẩm có giá trị vượt trội. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng xác định hỗ trợ doanh nghiệp có những đặc điểm như vậy. Thế nhưng, những thực thể kinh doanh đó chỉ có thể được nảy sinh và phát triển trên một nền tảng công nghệ, quản lý ở mức tương đối cao. Còn nếu chỉ dừng lại ở việc so bó đũa, chọn cột cờ, khó có thể kỳ vọng những thành tựu hay sự lan tỏa tốt tới nền kinh tế.

Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg về startup tại TP.HCM, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn đang dần hình thành nhưng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn sơ khai. Do thiếu định hướng nên các startup hoạt động rải rác ở nhiều lĩnh vực, trong đó công nghệ thông tin và nông nghiệp thu hút nhiều nhất.

Tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%. Vấn đề là ở Việt Nam, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời thì đưa họ vào đâu trong nền kinh tế? Hiện tại, những điều kiện để đảm bảo cho doanh nghiệp thành công lâu dài không phải luôn sẵn có, như chiến lược tiếp thị, thương hiệu, các mô hình kinh doanh tốt, tiếp cận vốn và tín dụng, sự tham gia của nhà đầu tư... Một khi doanh nghiệp khởi nghiệp có nền tảng tốt cùng với các yếu tố như chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh tốt, các mô hình khởi nghiệp có thể phát triển.

Hầu hết doanh nghiệp startup có tuổi đời khoảng 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư đa phần dưới 10 triệu USD, hoạt động gọi vốn còn nhỏ lẻ so với startup trong khu vực. Trong khi đó, một số quỹ đầu tư phản ánh đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư nên gặp nhiều rào cản để bỏ vốn vào startup Việt, dẫn đến tình trạng startup Việt ra nước ngoài để lập công ty.

Hầu hết doanh nghiệp startup có tuổi đời khoảng 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư đa phần dưới 10 triệu USD.

Nhóm đối tượng dễ được giải ngân hơn theo đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp chính là các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc hỗ trợ gián tiếp mà không đi kèm những cam kết cụ thể rất dễ dẫn đến việc ngân sách bỏ ra là có thật, còn hiệu quả thu lại chỉ dừng lại ở tính chất... truyền thông.

Đối với Việt Nam, một gợi ý mới được đưa ra là đặt hàng... khởi nghiệp. Nghĩa là, chúng ta cần chỉ rõ vướng mắc và mục tiêu của từng khu vực kinh tế, làm căn cứ để dẫn lối hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo quan điểm này, chưa nên mơ những giấc mơ xa khi chúng ta chưa làm được cái ốc vít cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, còn nông sản vẫn phải khóc ròng chờ giải cứu.

Ông Lê Cao Đoàn bổ sung: “Việc đầu tiên cần làm là tạo ra môi trường để có thể khởi nghiệp thành công, đó là một nền kinh tế thị trường thực sự. Chính ở đó, doanh nghiệp mới bị đặt trước thử thách khắc nghiệt, buộc phải đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ thì mới có thể tồn tại. Đó mới là môi trường để khởi nghiệp. Còn nếu đi đâu cũng bị o ép, phải dùng mánh lới để vượt qua khó khăn thì khởi nghiệp sẽ chỉ là... một câu chuyện bốc đồng”.

Hoàng Hạnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư