AirAsia liệu có “cất cánh” ở Việt Nam nửa cuối năm nay?

Sau nhiều lần thất bại với các đối tác khác, AirAsia dự kiến đưa liên doanh tại Việt Nam đi vào hoạt động nửa cuối năm nay, nhưng vẫn chưa công bố chi tiết về đội bay mới.

Theo thông tin từ trang ATW, chuyên đưa thông tin về hàng không thế giới, Tập đoàn AirAsia dự kiến thành lập liên doanh tại Việt Nam và Trung Quốc vào cuối năm nay trong bối cảnh các công ty con của hãng ở nước ngoài làm ăn tốt.

Hãng hàng không giá rẻ của Malaysia đã tiến hành các bước chuẩn bị thành lập các liên doanh tại Việt Nam và Trung Quốc, và mong muốn đưa các liên doanh đó bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm nay sau khi nhận được các giấy phép cần thiết, trang ATW cho biết thêm.

CEO của AirAsia Tony Fernandes cho rằng một trong những mục tiêu của hãng là “tiếp tục tăng cường hiện diện và thị phần” tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam sẽ là “mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện sự kết nối trong khu vực ASEAN”.

Tuy vậy, ông Fernandes không tiết lộ chi tiết về đội bay cho hai hãng hàng không mới.

AirAsia cũng cho biết bốn hãng bay thuộc sở hữu của tập đoàn ở các nước Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines cùng chi nhánh tại Ấn Độ đều đồng loạt báo lãi trong quý IV/2017. Liên doanh của tập đoàn này tại Nhật Bản mới khởi động vào tháng 10 năm ngoái.

Đặc biệt, AirAsia Philippines đạt lợi nhuận hoạt ròng 12,8 triệu USD trong năm 2017, dù phải chịu nhiều chi phí và mở rộng công suất thêm 37%. Đơn vị này cũng đang lên kế hoạch thực hiện IPO trong nửa cuối năm 2018.

Công ty AirAsia Berhad – bao gồm các hoạt động chính tại Malaysia và công ty con ở Indonesia và Philippines đạt lợi nhuận ròng 405,6 triệu USD năm 2017, giảm nhẹ 1,8% so với năm trước. Trong khi đó, doanh thu tăng 14% đạt 2,47 tỷ USD.

Tại Việt Nam, AirAsia năm ngoái thông báo sẽ liên kết với ba đối tác Việt là Công ty TNHH Gumin, Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để mở một hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam.

Theo một chuyên gia của Tập đoàn Nomura, liên doanh này sẽ có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng (44 triệu USD). Trong đó, AirAsia sẽ chiếm 30% cổ phần (tỷ lệ tối đa đối với nhà đầu tư ngoại), Gumin sẽ nắm 69,9% và doanh nhân Trần Trọng Kiên sẽ góp 0,1%.

Chuyên gia này cũng nhận định AirAsia sẽ phải chịu lỗ trong 2 năm đầu khi gia nhập thị trường Việt Nam do sự cạnh tranh quyết liệt.

Đây là lần thứ tư trong vòng 10 năm trở lại đây, AirAsia theo đuổi việc thành lập một liên doanh tại Việt Nam.

Hiện tại, AirAsia có hai hãng hàng không đang khai thác thường lệ đến Việt Nam là Thai AirAsia (FD), khai thác đường bay từ Thái Lan, và AirAsia Berhad (AK), khai thác đường bay từ Malaysia.

Anh Minh
Nguồn BizLive