CGV rót thêm 200 triệu USD đầu tư vào Việt Nam

Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) dự kiến đầu tư thêm 200 triệu USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020. Đây là khẳng định của ông Sim Joon Beom, Tổng giám đốc CGV.

Đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển

Tính đến tháng 12/2017, trên cả nước có 144 hệ thống cụm rạp. Ông Sim Joon Beom cho biết, CGV đang vận hành 54 hệ thống cụm rạp với 324 phòng chiếu tại 19 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu USD.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, CGV sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD vào 3 lĩnh vực trọng tâm: xây dựng rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển phim Việt và các tài năng điện ảnh của Việt Nam; đa dạng hóa các thể loại phim. Từ đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025.

“Từ nay đến năm 2020, mỗi năm, CGV sẽ mở thêm 12 - 15 rạp, trong đó có 4 - 5 rạp tại những địa phương có vị trí cách xa các thành phố lớn, nhằm mang đến cơ hội trải nghiệm điện ảnh chất lượng cao cho khán giả trên cả nước. Kinh phí đầu tư bình quân cho 1 hệ thống cụm rạp của CGV khoảng 3 - 5 triệu USD”, ông Sim Joon Beom cho biết.

Sim Joon Beom

Ông Sim Joon Beom, Tổng giám đốc CGV.

Hiện nay, hai mảng hoạt động chính của CGV là phát hành và trình chiếu phim. CGV đang phát triển kế hoạch hợp tác chiến lược để cùng tham gia trực tiếp với các đối tác trong cả 3 hoạt động: sản xuất, phát hành và trình chiếu phim.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch đưa phim Việt xuất ngoại vào hệ thống CGV toàn cầu, ông Sim Joon Beom tiết lộ, trong năm 2018, CGV sẽ tiếp tục hợp tác và thu hút các nhà sản xuất phim Hollywood đến Việt Nam để thực hiện thêm nhiều bộ phim có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, hay phối hợp trực tiếp với họ để sản xuất những bộ phim Việt Nam. Qua đó, góp phần hỗ trợ quảng bá điện ảnh, du lịch và văn hóa Việt Nam với thế giới hiệu quả hơn.

Ba thách thức của điện ảnh Việt

Có thể thấy, trọng tâm đầu tư của CGV vào Việt Nam tập trung chủ lực ở lĩnh vực giải trí, trong đó chủ yếu là điện ảnh. Đề cập tiềm năng của điện ảnh Việt Nam, ông Sim Joon Beom nhấn mạnh, muốn phát triển nền điện ảnh Việt Nam, cần dựa vào 3 yếu tố chính, đó là: phát triển hạ tầng điện ảnh, đầu tư nguồn nhân lực và đa dạng hóa các thể loại phim”.

Trong năm 2017, tổng doanh thu của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, với 45 triệu lượt khán giả tới rạp, tăng mạnh so với năm 2016 (hơn 2.800 tỷ đồng và 38 triệu lượt khán giả).

Thống kê từ trang mạng www.uis.unesco.org cho thấy, số màn hình chiếu phim trung bình trên 1 triệu dân của Việt Nam chỉ là 7 màn hình, trong khi ở Trung Quốc, con số này là 23, Nhật Bản là 26 và Mỹ là 126. Bên cạnh đó, số lần người Việt đến rạp xem phim trung bình chỉ đạt 0,4 lần/năm; trong khi Thái Lan là 1 lần/năm, Malaysia khoảng 2 lần/năm hay Singapore là 4 lần/năm.

Những số liệu trên đã phần nào chứng minh, thị trường điện ảnh Việt Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.

Tuy nhiên, việc nâng cấp hạ tầng điện ảnh tại các vùng, miền còn chưa đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm rạp tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vì e ngại rủi ro thu hồi vốn cao hơn nhiều so với các thành phố lớn.

CGV dự kiến đầu tư thêm 200 triệu USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020.

Trả lời câu hỏi, mục tiêu đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển vào năm 2025, liệu có khả thi, ông Sim Joon Beom phân tích: “Điện ảnh Việt có lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư nhờ nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, cùng với nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng. Tốc độ tăng trưởng của ngành cũng rất khả quan, đạt khoảng 25% mỗi năm trong 5 năm qua. Với đà phát triển này, Việt Nam có thể vươn lên trở thành một trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu trong tương lai không xa”.

Trở lại với CGV, với mục tiêu mở rộng mạng lưới, doanh nghiệp này đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nhà phát triển bất động sản để hóa giải một trong những thách thức lớn nhất về chi phí của việc đầu tư cụm rạp là lựa chọn địa điểm.

Vấn đề còn lại của CGV chỉ là công nghệ để xây dựng mạng lưới - một lĩnh vực mà CGV đã có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” ở thị trường Hàn Quốc và khu vực.

Theo đó, hướng đi của CGV sẽ chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư chứ không tiến hành M&A trong lĩnh vực giải trí, điện ảnh. Lựa chọn này khác hẳn với “mẹ” - Tập đoàn CJ, hiện đang đẩy mạnh M&A trong lĩnh vực đầu tư nhằm chi phối thị trường thực phẩm của Việt Nam.

Bảo Giang
Nguồn Báo Đầu Tư