Hơn 50 năm gắn bó, Sanofi vẫn tăng tốc

Sanofi vừa quyết định đầu tư thêm 75 triệu USD vào nhà máy thứ ba tại Việt Nam. NCĐT có cuộc trao đổi với ông Chris Viehbacher, Giám đốc Điều hành Sanofi, nhân chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam.

* Vì sao Sanofi quyết định đầu tư trong năm nay?

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào với gần 90 triệu dân nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe rất lớn và đa dạng. Sanofi đã có mặt tại Việt Nam trong hơn 50 năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam bằng dự án đầu tư nhà máy thứ ba, rộng 7,2 ha tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

* Với số vốn đầu tư lên tới 75 triệu USD, quy mô của nhà máy có gì nổi bật?

Nhà máy sản xuất dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân chất lượng cao với công suất ban đầu là 90 triệu hộp/năm. Sản phẩm không chỉ được dùng để phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (ngoài cùng, bên trái) trao giấy chứng nhận đầu tư cho ông Chris Viehbacher.

Tại đây còn xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển duy nhất của Sanofi trong khu vực Đông Nam Á, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng. Các hoạt động của trung tâm này nhằm phục vụ thị trường Việt Nam (tối ưu hóa công thức, phát triển sản phẩm mới, dòng sản phẩm mở rộng) và hỗ trợ sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân cho vùng châu Á - Thái Bình Dương.

* Việt Nam thuộc nhóm các thị trường mới nổi đạt doanh thu 10,1 tỉ euro của Sanofi trong năm 2012. Đánh giá của ông về vị thế của Việt Nam?

Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm của Sanofi tại Việt Nam là 15%/năm. Doanh thu năm 2012 tại Việt Nam đạt xấp xỉ 100 triệu euro và con số này sẽ tiếp tục tăng sau khi nhà máy mới đi vào hoạt động.

Việt Nam đóng vai trò khá quan trọng đối với chiến lược phát triển chung của Sanofi. Đây cũng là lý do chúng tôi quyết định đầu tư nhà máy mới tại đây.

Chính lợi thế chi phí lao động cạnh tranh, nhân lực có trình độ, tri thức, tài năng đóng góp rất lớn cho việc phát triển kinh tế quốc gia trong tương lai. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài như Sanofi.

* Nhận định của ông về những thách thức của môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Một trong những thách thức lớn nhất là dịch vụ chuỗi cung ứng vẫn chưa được hoàn thiện. Sanofi mong muốn mở rộng kinh doanh bằng việc giới thiệu những sản phẩm mới tới tận những vùng xa xôi nhất của Việt Nam. Nhưng điều này không dễ thực hiện vì còn liên quan tới quy trình phân phối sản phẩm cùng chiến lược phát triển chuỗi cung ứng lẫn cơ sở hạ tầng.

Một vấn đề nữa, theo quy định hiện hành, là phải mất nhiều thời gian đăng ký các loại thuốc mới ở Việt Nam. Nhưng tôi tin Chính phủ sẽ đẩy nhanh quy trình này, tạo thêm thuận lợi cho các nhà đầu tư.

* Khả năng bệnh nhân nghèo trong nước tiếp cận các sản phẩm của Sanofi như thế nào, thưa ông?

Sẽ là vô lý nếu Sanofi tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu nhưng bệnh nhân nghèo không thể tiếp cận sản phẩm của chúng tôi. Sanofi đã và đang áp dụng chính sách giá phù hợp cho từng đối tượng khách hàng khác nhau tại các thị trường khác nhau.

Chúng tôi cũng tài trợ nhiều chương trình từ thiện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Gần đây, cuối năm 2012, Sanofi đã tài trợ 2.500 ca xét nghiệm HbA1c miễn phí, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân đái tháo đường đến khám tại các bệnh viện và phòng khám nội tiết trên cả nước.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư