Vinapharm: Ì ạch sau 1 năm cổ phần hóa

Tiềm lực tài chính được "hậu thuẫn" từ nhiều ngân hàng lớn, sở hữu nhiều khu đất vàng, tuy nhiên, "sức khỏe" của Vinapharm (DVN) vẫn chưa cho thấy nhiều cải thiện sau hơn 1 năm cổ phần hóa.

Thành lập tháng 4/1971 trên cơ sở sát nhập Cục Phân phối dược phẩm, Cục Dược liệu và Cục Quản lý sản xuất trực thuộc Bộ Y tế, Tổng công ty Dược Việt Nam - Vinapharm (DVN) là tổng công ty nhà nước duy nhất hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm với hoạt động chính là nghiên cứu, phát triển, sản xuất, kinh doanh, dược phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế.

Tiềm lực lớn

Vinapharm có 2 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 82% vốn điều lệ, trong đó Bộ Y Tế sở hữu 65% vốn còn nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Việt Phương sở hữu 17% vốn điều lệ công ty. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ thoái 35% vốn tại Vinapharm trong năm 2017 và bán nốt 30% còn lại vào năm 2018.

Ngoài tổng công ty mẹ và 3 đơn vị trực thuộc là các trung tâm nghiên cứu, dịch vụ, văn phòng đại diện, hoạt động kinh doanh của DVN còn thông qua 4 công ty con bao gồm Dược phẩm TW Codupha, CPC 1, TW 3 và Codupha Lào.

Hiệu quả hoạt động của Vinapharm vẫn chưa cho thấy nhiều cải thiện sau hơn 1 năm cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, Công ty cũng góp vốn vào 8 công ty liên kết và 14 khoản đầu tư tài chính dài hạn với tổng giá trị 1.393 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong đó cũng là các tên tuổi đầu ngành, năng lực sản xuất - tài chính mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp như OPC, Imexpharm, Mekophar, Vidipha, TW 3, TW 25, TW 2…

Ngoài ra, Vinapharm còn sở hữu nhiều lô đất tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích trên 11.000m2. Trong đó đáng chú ý là lô đất số 95 Láng Hạ, Hà Nội có diện tích gần 3.280m2, lô đất số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội có diện tích 2.670m2, lô đất số 12 Ngô Tất Tố, Đống Đa, Hà Nội và lô đất số 178 Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây đều là các lô đất công ty được thuê đất sử dụng trả tiền hàng năm.

Bên cạnh đó, Vinapharm còn có lô đất số 138B Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội rộng hơn 1.168m2 đang chờ bàn giao về Bộ Y Tế.

Nhưng ì ạch

Mặc dù là “ông lớn” trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam cả về quy mô và vị thế, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DVN lại khá thấp so với quy mô tài sản, nguồn vốn khi doanh thu liên tục sụt giảm, lợi nhuận hầu như không tăng trưởng.

Hiện, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2017 chưa được công bố, nhưng theo BCTC quý III/2017 (cho kỳ kế toán bắt đầu từ 8/12/2016 – thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần - 5/2017), doanh thu của DVN lũy kế đến 30/9/2017 dù đạt 4.957 tỷ đồng, bằng 81,4% thực hiện năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 189 tỷ đồng, tương đương 28,5% do không có doanh thu tài chính và doanh thu khác đột biến được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, phần dành cho cổ đông công ty mẹ là 170 tỷ đồng. Với kết quả này, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROS) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt chỉ đạt 2,74% và 5,1% sau 9 tháng.

Bên cạnh đó, theo bản công bố thông tin tháng 5/2016, Bản cáo bạch tháng 5/2017 và các báo cáo tài chính (BCTC) của DVN, nếu như năm 2013, doanh thu hợp nhất đạt 8.040 tỷ đồng, thì năm 2016, doanh thu chỉ còn 6.036 tỷ đồng, giảm 24,9% so với 2013 và giảm 17,1% so với 2015. Biên lợi nhuận gộp hàng năm cũng chỉ dao động trên 9%, khá thấp so với các doanh nghiệp trong ngành.

Trong năm 2016, mặc dù lợi nhuận sau thuế đạt 662 tỷ đồng, tăng 89% so với 2015 bất chấp doanh thu giảm, nhưng nguyên nhân lại đến từ thu nhập khác tăng mạnh, đạt 200,3 tỷ đồng, gấp 12,5 lần năm 2015 do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính cùng doanh thu tài chính đạt 345 tỷ đồng, tăng 1,5 lần, chủ yếu do tăng các khoản cổ tức nhận được, thay vì hiệu quả kinh doanh chính.

Cũng theo BCTC quý 3/2017, có thể thấy rõ DVN đang vay vốn tại rất nhiều ngân hàng, có thể kể đến một số ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Agribank, ngân hàng Quân đội,... ở nhiều chi nhánh khác nhau, với số tiền lên đến nghìn tỷ đồng.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp