Đòn bẩy tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh

Dịp giáp Tết Nguyên đán, ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và hệ thống phân phối được mở rộng đã giúp tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG) trở thành ngành hàng tăng trưởng mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay.

Đời sống kinh tế của người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn, thói quen tiêu dùng có nhiều thay đổi theo hướng mua sắm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Người Việt không còn được mệnh danh là tiết kiệm nhất thế giới nữa, thay vào đó, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều cho các khoản mục lớn như tiêu dùng, du lịch, sửa chữa nhà…

Theo khảo sát của Nielsen, sau khi chi trả cho các khoản chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho du lịch (38% người được khảo sát), mua sắm quần áo mới (36%), các sản phẩm công nghệ mới (31%), sửa chữa nhà (30%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (29%)…

Kinh tế nhiều triển vọng tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng được mong đợi sẽ thúc đẩy tăng trưởng FMCG vào cuối năm 2017. Với đặc thù là nhóm sản phẩm quay vòng nhanh, tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành luôn ở mức cao.

Kết quả nghiên cứu thị trường Việt Nam của Market Pulse cho biết, tốc độ tăng trưởng sản lượng của FMCG là 5% trong quý II/2017 và tăng 5,8% trong quý III/2017. Con số này dự đoán có thể tăng cao hơn nhiều vào quý IV/2017. Hiện chưa có con số báo cáo cụ thể, nhưng các chuyên gia dự đoán có thể đạt 6 - 7%.

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao và các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng mở rộng là hai yếu tố đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng FMCG Việt Nam.

Năm 2017, thị trường chứng kiến cuộc đua mở rộng của các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mini như Vinmart, Vinmart+ của Vingroup với khoảng 1.000 cửa hàng, Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu; 7-Eleven hiện có 11 cửa hàng tại TP.HCM và dự tính mở 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới…

Năm 2017, tổng mức bán lẻ toàn thị trường đạt 130 tỷ USD, tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có đóng góp lớn của ngành hàng FMCG.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, tổng mức bán lẻ toàn thị trường đạt 130 tỷ USD, tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có đóng góp lớn của ngành hàng FMCG.

Khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam cho thấy, trong quý III/2017, các ngành hàng phi thực phẩm giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Ngành hàng thức uống trở lại dẫn đầu tăng trưởng ở thành thị. Sữa và các sản phẩm từ sữa tăng nhẹ tại nông thôn một phần nhờ tăng trưởng của các ngành hàng như sữa chua ăn hay váng sữa.

Dịp giáp Tết Nguyên đán, ngành FMCG Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh nhu cầu mua sắm các sản phẩm thực phẩm (đặc biệt bánh kẹo, bột ngọt…), sản phẩm chăm sóc gia đình (nước giặt, nước rửa, xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt…), Kantar Worldpanel Vietnam dự báo, nhóm bia, nước giải khát sẽ mang lại tăng trưởng đột phá cho toàn ngành. Năm 2017, Việt Nam dự kiến tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia, trong đó Sabeco chiếm 40% thị phần sản lượng và đứng đầu toàn thị trường. Tết thường là thời điểm nhu cầu bia tăng đột biến và năm 2017 không phải một ngoại lệ.

Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư