Người khổng lồ bí ẩn đứng sau các thương vụ đầu tư vào thương mại điện tử Việt Nam

Khi nghe nói đến những thương vụ như JD.com (Trung Quốc) đầu tư vào Tiki.vn, hay Sea (Singapore, tên cũ là Garena) mua lại giaohangtietkiem.vn và foody.vn, vận hành trang thương mại điện tử Shopee.vn..., nhiều người không biết rằng những "nhà đầu tư chiến lược" này đều có cổ phần không nhỏ của một nhà đầu tư khổng lồ khác: Tencent.

Là công ty đầu tư lớn nhất thế giới, việc Tencent mang tiền đi đầu tư khắp nơi cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng mối quan hệ "lắt léo" giữa Tencent với các công ty công nghệ và thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam không khỏi khiến người ta thắc mắc về vai trò thực sự của Tencent và liệu Tập đoàn này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường thương mại điện tử?

Tencent hiện nắm trong tay 15% cổ phần của JD.com, công ty mua sắm trực tuyến B2C đồng hương Trung Quốc mà Tencent chống lưng trong cuộc đua với Alibaba, trong khi JD.com lại vừa đầu tư đến 1000 tỉ đồng vào web thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam Tiki.vn. Không chỉ vậy, một trong hai công ty Việt Nam mà Tencent đầu tư với cổ phần không nhỏ là VNG cũng chính là một trong 3 cổ đông lớn nhất của Tiki.vn. VNG đã mua 38% cổ phần Tiki với giá 384 tỉ đồng (17 triệu USD) hồi năm 2016 và là một trong ba nhà đầu tư bỏ vốn 1.300 tỷ vào Tiki.vn hồi tháng 12 năm ngoái (cùng với JD.com và STIC từ Hàn Quốc).

Tencent đứng sau cả hai web thương mại điện tử Việt Nam đang rất nổi hiện nay là Tiki và Shopee.

Với Sea, hiện Tencent đang là cổ đông lớn nhất, chiếm tới 40% cổ phần. Hoạt động của Sea trong vòng 2 năm trở lại đây đã tập trung khá mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử. Tại Việt Nam, Sea hiện đang vận hành Shopee, hệ thống kết nối các chủ shop vừa và nhỏ với người mua hàng qua internet; VNpay, sản phẩm ví điện tử hỗ trợ thanh toán TMĐT hay game.

Có thể thấy, tuy không trực tiếp đầu tư vào các web TMĐT Việt Nam, nhưng Tencent rõ ràng đang hưởng lợi - và có ảnh hưởng - không nhỏ tới cục diện thị trường TMĐT Việt Nam. Các động thái của Tencent đều cho thấy hãng muốn là một đối trọng với Alibaba của tỉ phú Jack Ma. Nếu như Alibaba có Lazada thì Tencent có Tiki và Shopee.

VNG

Với hơn 2.000 nhân viên và hàng triệu người dùng toàn cầu, VNG là công ty công nghệ vào loại lớn nhất Đông Nam Á và Việt Nam. VNG được thành lập năm 2004 với tên gọi chính thức là VinaGame rồi đổi thành VNG Corp năm 2008. Năm 2014, VNG được công ty nghiên cứu World Startup Report ước tính trị giá 1 tỷ USD và xếp ở vị trí số 1 Việt Nam trong danh sách các công ty công nghệ nội địa lớn nhất ở 50 thị trường (2 công ty còn lại của Việt Nam cũng được xếp hạng là VC Corp và vatgia.com). Với giá trị này, VNG là một trong số ít các kỳ lân (unicorn, các công ty khởi nghiệp có giá trị 1 tỷ USD trở lên) ở Đông Nam Á. Theo báo cáo tài chính được VNG công bố gần đây để chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán New York NASDAQ, vốn điều lệ của VNG là 330,9 tỷ đồng, doanh thu thuần hơn 3.000 tỷ đồng (133 triệu USD), tăng gần gấp rưỡi so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế là 543,4 tỷ đồng (23,9 triệu USD), tăng 135% so với cùng kỳ.

VNG là chủ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến tại nước ta như game Võ Lâm Truyền Kỳ, phần mềm quản lý đại lý internet CSM, Zalo, MP3 Zing, các trang tin Baomoi, Zing News, trang thương mại điện tử 123mua. Đặc biệt, ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trực tuyến cho người Việt Nam của VNG - Zalo, đã đạt mốc 80 triệu người dùng vào tháng 8/2017, một thị phần rất lớn với dân số hơn 90 triệu dân ở nước ta.

Cùng với Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Tencent là một trong 3 cổ đông nước ngoài lớn nhất của VNG.

VNG chỉ công bố tỉ lệ cổ phần nước ngoài là 44,64% nhưng giữ bí mật tỉ lệ sở hữu cụ thể của từng nhà đầu tư. Theo các báo cáo nước ngoài, năm 2008, Tencent công bố đã mua 20,2% vốn của một công ty internet, cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam mà Tencent đầu tư. Theo nhiều chuyên gia thì công ty đó chính là VNG. Một chi tiết đáng chú ý là cựu giám đốc M&A của Tencent là Johny Shen đã trở thành giám đốc tài chính của VNG trong cùng năm.

Năm 2011, Tencent công bố trong báo cáo cổ đông về cổ phần tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á. Tỉ lệ cổ phần của Tencent tại công ty này gia tăng liên tục từ 20,02% năm 2009 đến 30,02% năm 2010, rồi 31,25% năm 2011. Lần này VNG cũng không được nêu tên cụ thể nhưng dựa trên các số liệu, các chuyên gia nhận định VNG chính là công ty mà Tencent đang đầu tư. Nếu phỏng đoán này là chính xác, Tencent đang nắm giữ 31,25% cổ phần VNG.

Zalo đạt 80 triệu người dùng. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.

Trong một bài báo về VinaGame trên tạp chí Forbes, theo ý kiến một chuyên gia là giám đốc chiến lược một công ty nghiên cứu và chiến lược số ở Bắc Kinh, mô hình mà VNG đang sao chép là mô hình của Tencent. Hai công ty này có điểm chung là có cùng cổ đông IDG Ventures. Theo đó, IDG đã đầu tư vào VNG nửa triệu USD, còn Tencent đã thỏa thuận đưa QQchat cùng một số trò chơi vào kinh doanh tại Việt Nam sau khi đầu tư vào VNG.

Sea

Tencent là cổ đông lớn nhất của Sea, startup công nghệ được cho là có giá trị nhất Đông Nam Á. Năm 2016, Tencent đã đầu tư 500 triệu USD để sở hữu 40% cổ phần của startup nổi tiếng về game này. Tencent cũng đang nắm 85% cổ phần của nhà phát triển trò chơi Liên minh huyền thoại mà Sea phân phối, Riots Game.

Ban đầu chuyên về sản xuất game và mang tên Garena, sau khi được rót vốn 500 triệu USD từ Tencent, Garena đổi tên thành Sea như hiện nay. Sea cũng học tập mô hình của Tencent, từ game mở rộng thêm các mảng thương mại điện tử, dịch vụ web, tiêu biểu như ví điện tử Air Pay (2014), ứng dụng mua sắm Shopee (2015). Game vẫn là mảng phát triển chính của Sea. Theo thống kê, 90% doanh thu hiện nay của Sea là dịch vụ giải trí số.

Trong năm 2017, Sea đã thâu tóm 2 startup có tiếng tăm tại Việt Nam là giaohangtietkiem.vn chuyên về giao hàng và foody.vn về giao hàng và bình chọn địa điểm ăn uống. Việc bỏ ra giá 64 triệu USD mua lại 82% foody.vn giúp Sea sở hữu kênh truyền thông có gần 10 triệu like Facebook và hàng triệu người dùng ứng dụng, đồng thời nắm trong tay cơ sở dữ liệu 300-500 ngàn khách hàng trẻ tuổi khoảng từ 22 – 30. Đây là những khách hàng thương mại điện tử đầy tiềm năng cho Shopee (công ty con chuyên về mua sắm C2C của Sea) vì ở vào độ tuổi trẻ, năng động và sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm nhiều nhất.

Cũng trong năm ngoái, Sea đã đầu tư mua 45,18% cổ phần của Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) hồi tháng 8. VNPAY là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 200 doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam. VNPAY cũng sở hữu nhiều ứng dụng thanh toán như Mobile Banking, Cổng thanh toán VNPAY, VnShop,…

Thâu tóm các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trực tuyến như vừa nêu trên là một phần trong chiến lược đẩy mạnh thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam của Sea. Đó là những động thái đáng chú ý của startup này trước khi IPO thành công trên sàn NASDAQ và thu về 884 triệu USD vào tháng 10 năm ngoái.

Mối đe dọa tiềm ẩn với các doanh nghiệp Việt Nam

Theo các nguồn tin trong nước, mỗi tháng công ty con Shopee của Sea nhận được 2,7 - 3,6 triệu đơn hàng từ Việt Nam (trung bình 100 ngàn đơn hàng/ngày), theo sát Lazada, tên tuổi quen thuộc với các tín đồ mua hàng qua mạng vừa được Alibaba mua lại năm ngoái.

Dịch vụ của Sea ngoài Shopee còn có ứng dụng thanh toán điện tử AirPay. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trong nước, AirPay sẽ dần dần phổ biến trên sân chơi thương mại điện tử rồi mở rộng sang sân chơi tài chính sau khi đã đứng vững. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, WeChat Pay, ứng dụng thanh toán của chính Tencent, sẽ xâm nhập Việt Nam qua sự có mặt của hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Chiếm cổ phần lớn tại cả hai đối tác chiến lược của Tiki.vn là JD và VNG, chắc hẳn Tencent có ảnh hưởng không nhỏ đối với web thương mại điện tử này, tăng thêm phần đối trọng với đối thủ Alibaba và các web thương mại điện tử Việt Nam khác như Adayroi, Sendo… Theo trang đánh giá iPrice, Tiki là web TMĐT đứng thứ tư tại Việt Nam trong năm 2017.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lo lắng về việc Tencent và Alibaba sẽ lũng đoạn thị trường tài chính Việt Nam trước các động thái thâm nhập thị trường của những đại gia tầm cỡ thế giới này. Kịch bản Alibaba và Tencent chấp nhận bỏ ra 10 triệu hay 100 triệu USD để thâu tóm thị phần thanh toán Việt Nam không phải là không thể với những ông lớn này, theo lãnh đạo một ngân hàng lớn trong nước.

Steve Trần
Nguồn VnReview