Quyết định ngôi thứ trong thị trường dược phẩm

Việc đầu tư vào nhà máy thứ ba trị giá 75 triệu USD tại Việt Nam, Tập đoàn Sanofi (Pháp) đã tung ra khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng như tại các thị trường mới nổi. Chiến lược chuyển hướng của tập đoàn dược khổng lồ này dự báo sẽ cuốn theo những thay đổi lớn tại thị trường dược phẩm Việt Nam và khu vực.


Đại diện của Sanofi và lãnh đạo TP.HCM tại lễ công bố dự án

Theo Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sanofi, ông Christopher A.Viehbacher, nhà máy mới với kinh phí xây dựng 75 triệu USD ở Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng như thị trường mới nổi của Sanofi. Nhà máy thứ ba của Tập đoàn có công suất 90 triệu hộp/năm trong giai đoạn đầu và có thể tăng đến 150 triệu hộp thuốc/năm.

Trong đó, bao gồm cả thuốc viên nang, thuốc gói, dược phẩm, thực phẩm chức năng sản phẩm chăm sóc cá nhân. Dự kiến, từ 2015, nhà máy mới sẽ bắt đầu sản xuất để đến năm 2016 là có sản phẩm trên thị trường.

“Chúng tôi hiện có 1.200 nhân viên làm việc tại thị trường Việt Nam. Mặc dù trong năm 2012, Sanofi dẫn đầu thị phần tại Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn muốn tăng sự hiện diện tại Việt Nam”, ông Christopher A.Viehbacher khẳng định.

Không chỉ có lợi thế về mặt thị trường, việc tăng đầu tư tại Việt Nam, theo tiết lộ của Sanofi nằm trong chiến lược toàn cầu. Thay cho các quốc gia phát triển, trong vòng 4 năm trở lại đây, Sanofi tập trung khai thác và phát triển sự hiện diện của mình ở khu vực các quốc gia mới nổi.

5 tỷ USD

Theo báo cáo về thị trường dược phẩm 2013 của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International Ltd (Anh), năm 2008, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD. Năm 2009, tiếp tục tăng lên 1,2 tỷ USD và dự báo năm 2013 sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 25%/năm. Con số này có thể đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2015.

Việt Nam chính là bệ phóng để Tập đoàn thực hiện chiến lược này. “Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi, trở thành mục tiêu đầu tư hấp dẫn trong 10 năm nữa”, ông Christopher khẳng định.

Theo vị Giám đốc này, Việt Nam hiện có nhiều lợi thế về mặt chi phí sản xuất như: con người, nguyên liệu, chính sách... Tận dụng những lợi thế này tại Việt Nam, Tập đoàn có thể nghĩ đến giá thuốc hợp lý hơn cho người dân ở thị trường bản địa cũng như các nước chưa có thu nhập cao.

Thuốc giá phù hợp với từng thị trường được xem là hướng đi chiến lược của Sanofi trong giai đoạn này. Hiện diện trong top 5 công ty toàn cầu, doanh số Sanofi hiện đạt 34,9 tỷ Euro trong năm 2012.

Tuy nhiên, Sanofi đối diện với khá nhiều thử thách trong thời gian qua và trong thời gian tới bởi các sản phẩm thuốc chủ lực của Tập đoàn đã, đang và sắp hết thời hạn bản quyền. Do vậy, trong 4 năm vừa qua, Sanofi đã phải thay đổi chiến lược, tập trung nhiều hơn về nghiên cứu thuốc mới, đưa ra giá thuốc phù hợp với mọi bệnh nhân.

Chính vì vậy, tại Việt Nam, Sanofi còn thành lập một trung tâm đầu tiên của khu vực Đông Nam Á để nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao cho thị trường các nước trong khu vực.

Việc Sanofi tiếp đầu tư lớn, được giới chuyên gia trong ngành đánh giá là bước đầu tư quyết định cho ngôi vị số 1 tại thị trường dược phẩm Việt Nam.

Theo báo cáo về thị trường dược phẩm 2013 của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International Ltd., (Anh), dự báo năm 2013, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 25%/năm, nằm trong nhóm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới về chi tiêu cho dược phẩm và các dịch vụ y tế.

Trong khi đó, các công ty dược trong nước chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu, 60% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2008, ngành dược chi 923 triệu USD để nhập khẩu dược phẩm, đến năm 2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này dự báo sẽ đạt gần 1,4 tỷ USD.

Còn theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 185 doanh nghiệp (DN) tham gia ngành dược, trong đó khoảng 100 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 5 DN sản xuất vacxin, sinh phẩm y tế.

Các DN này cũng chỉ mới sản xuất được những dược phẩm chuyên khoa thông thường, còn các nhóm thuốc có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, chế phẩm máu, thuốc chống ung thư... phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong khi đó, số lượng DN nước ngoài đầu tư vào thị trường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam chỉ tham gia nhập khẩu.

Ngoài Sanofi, tính đến nay ngành dược phẩm mới có một dự án đầu tư nước ngoài đáng chú ý là dự án của United International Pharma (UIP), thuộc Tập đoàn Unilab (Philippines), với nhà máy dược phẩm đạt chuẩn PIC/S-GMP tại Bình Dương.

Hiện tại, hai nhà máy của Sanofi đã hoạt động hết công suất để có thể cung ứng 80% cho thị trường và 20% còn lại cho xuất khẩu sang các nước ASEAN và Hồng Kông.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn