Chiến lược phát triển của Fintech và ngân hàng số

Theo báo cáo Fintech toàn cầu 2017 của Capgemini, việc các ngân hàng coi các công ty Fintech như là những đối tác hợp tác thay vì là đối thủ cạnh tranh đã trở thành một xu hướng rõ ràng.

Thay đổi tất yếu

Làn sóng phát triển mạnh của công nghệ cùng với nhu cầu của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới chiến lược phát triển và cách thức kinh doanh của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.

Trong đó, các ngân hàng đang chứng kiến sự dịch chuyển của thị trường với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới, gồm cả chủ thể và sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể hơn, đó là sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính - Fintech và sự phát triển theo chiều hướng mở rộng của các hoạt động ngân hàng số - digital banking.

Ngân hàng số - digital banking hiện nay được nhắc đến như là một khái niệm mới về hoạt động ngân hàng với đặc điểm nổi bật đó là tất cả các quan hệ giao tiếp với khách hàng sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Trong khi đó Fintech lại là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ, được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Các công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp các dịch vụ tài chính.

Các ngân hàng cần phải có sự thay đổi toàn diện trong cách thức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Xu hướng phát triển của digital banking và Fintech đã thật sự trở thành mối đe dọa đến sự tồn tại của các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính bán lẻ trên thế giới, mà cụ thể ở đây chính là các ngân hàng.

Chính vì vậy, trong xu thế phát triển ngày hôm nay, tự bản thân các ngân hàng cũng đã nhận thức được rằng cần phải có sự thay đổi toàn diện trong cách thức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ nếu không muốn trở thành một mắt xích rỗng trong hệ thống tài chính.

Và sự thay đổi đó phải bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược số cho mô hình hoạt động của mình. Bởi vì chỉ có công nghệ số mới có thể đáp ứng được nhu cầu tích hợp của khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn nhất - đó chính là sự khác biệt so với các hoạt động trong mô hình kinh doanh truyền thống.

Thêm đối tác trong tương lai

Để có thể hình thành và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, xây dựng ngân hàng số trong tương lai trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các ngân hàng cũng cần phải lựa chọn chiến lược phù hợp. Mặc dù, các ngân hàng có thể không thiếu tiềm lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ban đầu nhưng họ luôn có độ trễ nhất định trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động so với các ngành khác.

Hiện tại có khoảng trên 2.000 DN khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech so với con số 800 DN của năm 2015.

Thực tế đó nếu không được nhanh chóng khắc phục thì chính nó sẽ trở thành lực cản vô hình cho khu vực ngân hàng trong việc tham gia sân chơi của hệ sinh thái hoạt động ngân hàng số - digital banking ecosysterm. Để giải quyết vấn đề này, sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech dưới hình thức đối tác được xem là một chiến lược phù hợp.

Trên thực tế, con số tăng trưởng về quy mô và số lượng của các Fintech trên thị trường tài chính toàn cầu từ năm 2015 đến nay (hiện tại có khoảng trên 2.000 DN khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech so với con số 800 DN của năm 2015) đã buộc các ngân hàng phải thay đổi sự nhìn nhận của mình đối với các đối thủ cạnh tranh để có những thay đổi hợp lý trong phương thức kinh doanh, chiến lược phát triển.

Hiện tại các ngân hàng đang có khuynh hướng chuyển từ phương thức cạnh tranh sang hợp tác với vai trò là đối tác. Về cơ bản mối quan hệ đối tác ở đây được tiến hành theo phương thức win - win, trong đó, các ngân hàng sẽ có thể ứng dụng, cập nhật ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy.

Và các Fintech có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng. Các nghiên cứu khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy sự hợp tác giữa khu vực ngân hàng và các Fintech là rất quan trọng, là cách duy nhất để các công ty truyền thống có thể áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sự hợp tác giữa khu vực ngân hàng và các Fintech là rất quan trọng.

Cụ thể, theo báo cáo khảo sát về hoạt động Fintech của các công ty tài chính trên toàn cầu trong năm 2017 của KPMG, khi phỏng vấn về chiến lược phát triển Fintech của khu vực ngân hàng, có thể nhận thấy rõ xu hướng hợp tác ngày càng trở nên quan trọng khi 81% số lượng ngân hàng được phỏng vấn thiên về mô hình hợp tác, tăng 20% so với trong quá khứ, trong khi đó các hình thức phát triển khác đều có chiều hướng giảm đi.

Ngoài ra, theo báo cáo Fintech toàn cầu 2017 của Capgemini, việc các ngân hàng coi các công ty Fintech như là những đối tác hợp tác thay vì là đối thủ cạnh tranh đã trở thành một xu hướng rõ ràng. Cụ thể, theo khảo sát, phần lớn các nhà quản lý ngân hàng (chiếm khoảng 77% số người được hỏi) coi Fintech là một đối tác hợp tác trong tương lai.

Trong khi đó, theo báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017 của PwC, hiện nay trung bình 45% số ngân hàng được hỏi trên toàn cầu đã có sự hợp tác với các công ty Fintech trong việc phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tăng cao hơn so với mức 32% của năm 2016.

Việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, 84% số người được phỏng vấn cho rằng hợp tác sẽ tập trung vào mảng thanh toán, tiếp đến là các lĩnh vực chuyển tiền, tài chính cá nhân, cho vay…

Thái Hồng
Nguồn Thời báo Ngân hàng