Viral Video: Doanh nghiệp Việt đang dùng công cụ này như thế nào?

Trong những năm gần đây, viral video đang trở thành một xu hướng quảng cáo nổi bật của ngành marketing.

Những video truyền tải thông điệp cốt lõi về sản phẩm và dịch vụ một cách ngắn gọn, đầy đủ, lay động được cảm xúc của người xem, thu hút được lượng view lớn trong một khoảng thời gian ngắn, dễ dàng lan truyền trong cộng đồng mạng, với chi phí gần như bằng 0 đang dần thay thế các quảng cáo trực tiếp - như những doanh nghiệp lớn vẫn đang làm là sử dụng Push Marketing và phương tiện above the line để “đẩy” ra một thông điệp không có sự kiểm chứng, không có sự lan tỏa của cộng đồng.

Trào lưu viral video đặc biệt nở rộ từ dịp Tết 2016, khi các đại gia hàng đầu như Coca-Cola, Pepsi, Omo, Heineken, Neptune, Knorr… đều cho ra mắt những video quảng cáo đề cao giá trị nhân văn và tình cảm gia đình. Sang năm 2017, hàng loạt thương hiệu vừa và nhỏ của Việt Nam cũng dần bắt kịp xu thế viral video của các “ông lớn”, tập trung vào khai thác content và tạo ra những chiến dịch truyền thông ý nghĩa. Thương hiệu Swequity là một minh chứng điển hình cho việc áp dụng thành công phương thức “quảng cáo như không quảng cáo” này.

Đón đầu xu hướng

Founder của Swequity - Nguyễn Hoàng Trí Dũng - là một trong những Vlogger đời đầu của Việt Nam, cùng thời với Toàn Shinoda, Huyme, JVevermind, v.v. Tuy nhiên, không chia sẻ những quan điểm cá nhân, không bàn luận về các chủ đề hot chủ đề xã hội, Trí Dũng chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là cung cấp kiến thức chính thống về thể hình để xây dựng nên một cộng đồng gắn kết với nhau bằng kiến thức và đam mê fitness. Đây cũng là bệ đỡ cho sự ra đời của chuỗi phòng tập Swequity Ultimate Fitness của anh. Hiện nay, kênh vlog của Swequity có gần 126.000 subcribers, fanpage có hơn 72.000 followers và page cá nhân có hơn 85.000 người theo dõi.

Nguyễn Hoàng Trí Dũng, Founder của Swequity.

Dựa trên việc theo dõi Facebook page cũng như các trang mạng xã hội khác của doanh nghiệp này, chúng tôi nhận ra rằng doanh nghiệp này luôn đi đầu xu hướng và nắm bắt rất nhanh các xu hướng mới. Mỗi khi có một xu hướng mới xuất hiện, sẽ luôn có một minh chứng hiện hữu trong tất cả các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp này. Swequity làm vlog từ khi mà mọi người còn bỡ ngỡ với khái niệm này. Vào thời điểm khởi nghiệp, Founder của doanh nghiệp này đã quyết định đi theo một hướng đi khác với hai ông lớn trên thị trường là California và Elite khi mở ra một phòng tập có phong cách bụi bặm, trẻ trung, với các thiết bị tập chủ yếu là tạ và các máy tập với tạ. Trong hoạt động marketing, họ nhanh chóng bắt kịp trào lưu viral video đang lên ngôi từ cuối năm 2016 và đã cho ra đời hai video “Câu chuyện của Cô Hoa” vào tháng 9 và “SwequityForShe” vào tháng 11 năm 2017. Hãy cùng tìm hiểu về hai trường hợp cụ thể trên:

"Câu chuyện của cô Hoa”

Cô Hoa, nhân vật chính trong video đã từng trải qua thời kì chiến tranh, phải đi sơ tán, và đã mắc phải bệnh viêm phế quản và sau biến thành chứng hen suyễn kinh niên trong thời gian này. Sau khi được con gái tặng gói tập tại Swequity, cô đã bắt đầu đi tập nhưng thời gian đầu các máy tập tại đây vẫn khiến cô cảm thấy sợ. Tuy nhiên, các HLV, nhân viên tại phòng tập đã luôn hướng dẫn, cũng như động viên cô đến tập luyện hàng ngày và cuối cùng đã cải thiện được chứng hen suyễn vốn theo cô từ khi còn đi sơ tán cho tới tận bây giờ.

Thông điệp "Người lớn tuổi có thể tập gym" hay ở điểm nó nhắm đến một tệp khách hàng đang đang nghĩ rằng tập gym là dành cho giới trẻ và người lớn tuổi không thể nào duy trì hoạt động “nặng nề” như tập gym, hay việc tập gym chỉ dành cho những thanh niên đang muốn tập luyện để “đô” hơn. Điểm hay thứ 2 là nội dung là người thật- việc thật, và “nhân vật chính” cũng là người thật mà không phải thuê một nhân vật nổi tiếng hay diễn viên quần chúng. Điều này giúp video dễ dàng chiếm được tình cảm và niềm tin của người xem. Thêm một điểm hay nữa chính là yếu tố tình cảm gia đình của câu chuyện khi con gái mua tặng cho mẹ một món quà ý nghĩa. Đây chính là một thông điệp với những người trẻ: Khi cha mẹ không có thời gian chăm sóc sức khỏe của bản thân bởi những bộn bề của cuộc sống, thì khi chúng ta trưởng thành và có đủ điều kiện thì món quà tốt nhất sẽ chính là sức khỏe cho cha mẹ. Nội dung của video đều xuất phát từ câu chuyện thực, chứ không phải sáng tạo, thêu dệt nhưng lại mang tới những thông điệp ý nghĩa và thực sự trọn vẹn, khuyến khích người lớn tuổi tập luyện như cô Hoa, và nhắc nhở những người trẻ về giá trị gia đình.

“SwequityForShe”

Được Liên Hợp Quốc phát động từ 2014 bởi Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 69 Ngài Sam Kahamba Kutesa, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng Đại sứ thiện chí của UN Women Emma Watson, HeForShe là phong trào kêu gọi nam giới đứng lên và hỗ trợ bình đẳng giới này đã được hưởng ứng ở hơn 169 quốc gia trên toàn thế giới, được rất nhiều ngôi sao thế giới ủng hộ như Harry Styles, Logan Lerman, Tom Hiddleston, Logan Lerman, Chris Colfer, Camila Cabello, v.v. Tuy rằng phong trào này diễn ra mạnh mẽ, nhưng đến nay các chiến dịch truyền thông ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc vẽ ra hình ảnh của những người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, gắn liền với đức tính hi sinh cao cả mà chưa đưa ra những hình ảnh có tính tích cực. Bằng video SwequityForShe, thương hiệu Swequity đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, đặc biệt là các chị em hội viên phòng tập.

Thông điệp được truyền tải bởi đội ngũ Coach trong video đi chệch ra khỏi lối mòn, luôn xem phụ nữ Việt là những người phải biết hi sinh, chịu thương, chịu khó, chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống bên ngoài cũng như trong gia đình. Thay vì nhắc đến đức tính hi sinh như một niềm tự hào, một thứ cần được gìn giữ và phát huy, Swequity lại hướng đến một hình ảnh của những người phụ nữ “từ chối một cuộc sống như vậy”, kiên cường vươn lên để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn vì họ xứng đáng, và có khả năng tự mình kiến tạo cuộc sống đó.

Mặc dù làm trong ngành sức khỏe và làm đẹp nhưng trái với đối thủ cùng ngành, luôn xoáy vào chủ đề body image, khiến khách hàng cảm thấy bản thân cần có một cơ thể đẹp, nóng bỏng, hoàn mĩ như Hồ Ngọc Hà, thì Swequity lại hướng tới những người phụ nữ vẫn hàng ngày phải tung hứng giữa chồng con và bộn bề công việc, và truyền cảm hứng cho họ, không phải để đẹp, mà để khỏe để kiên cường, xứng đáng được đẹp.

Cả chiến dịch toát lên tinh thần của HeForShe trên mọi khía cạnh: Từ việc người tham gia đều là những người huấn luyện viên chứ không tạo nên một chiến dịch đầu tư rầm rộ, thuê diễn viên, viết kịch bản và cắt dựng phim chuyên nghiệp, họ là những người đàn ông trẻ, và có một sự thấu cảm với những người phụ nữ, những người mẹ, người chị là hội viên, đến việc thông điệp đưa ra thoát khỏi khuôn mẫu về người phụ nữ phải hi sinh trong cuộc sống. Có thể nói rằng, Swequity là đại diện cho một nhóm những doanh nghiệp trẻ của Việt Nam. Họ thấu hiểu insight người dùng, họ chạm tới tâm lí của khách hàng mục tiêu qua những quảng cáo mang tính nhân văn, ý nghĩa và sáng tạo, thay vì chỉ là những quảng cáo sáo rỗng, theo lối mòn trước đây.

Nguồn Swequity