Apple trước thời khắc thành công ty nghìn tỷ USD

Mặc dù đạt giá trị trên 900 tỷ USD từ tháng trước, con đường vươn tới công ty nghìn tỷ USD của Apple xem ra còn nhiều chông gai.

Tăng trưởng của Apple thời điểm hiện tại khá ổn, nhưng về lâu về dài thì chưa chắc, theo phân tích của các chuyên gia tại Đại học Chicago, Mỹ.

Hiệu ứng lạm phát

Ngày 8/11, vốn hóa thị trường của Apple đạt 903 tỷ USD, vượt trên giá trị tăng trưởng đột biến của Microsoft thời kỳ bùng nổ dot-com. Khi đó (năm 1999), Microsoft đạt giá trị cao nhất trong lịch sử, tương đương 901 tỷ USD tính theo thời giá hiện nay.

Hồi đầu thập kỷ, Apple từng vượt Exxon Mobil trở thành công ty giá trị nhất trên thị trường chứng khoán. Tài sản của Apple hiện cao hơn cả tổng GPD của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, lạm phát đã giới hạn đáng kể sự thống trị của Apple. Nếu dùng thước đó khác, chẳng hạn thị trường chứng khoán, IBM và AT&T thậm chí còn vượt xa Apple vào thời kỳ hoàng kim.

Đại học Chicago lưu trữ cơ sở dữ liệu tất cả công ty của Mỹ từ tháng 12/1925. Danh sách này trích ra top 20 công ty lớn nhất, xét theo vốn hóa thị trường.

Không ngạc nhiên khi Apple đứng đầu danh sách (chưa tính tới yếu tố lạm phát). Xếp sau là Alphabet (công ty mẹ của Google), tiếp đến là Microsoft.

Danh sách này tập trung những công ty có máu mặt trong 25 năm qua. Xếp thứ tư là công ty General Electric với giá trị vốn hóa thị trường đạt đỉnh 594 tỷ USD vào tháng 8/2000. Các công ty như Intel, Cisco và Oracle luôn có mặt trong danh sách này.

Tuy nhiên, khi tính cả lạm phát, thứ tự xếp hạng sẽ thay đổi. Dễ nhận thấy nhất là khoảng cách giữa Apple và Microsoft bị rút ngắn đáng kể. Tuy vẫn đứng đầu nhưng Apple cách Microsoft (vị trí thứ 2) chẳng là bao, chỉ chênh nhau vỏn vẹn 2 tỷ USD.

Tháng 12/1999, vốn hóa thị trường của Microsoft là 647 tỷ USD, đủ xếp ở vị trí thứ 3 nếu không tính lạm phát. Còn nếu tính cả lạm phát, số 647 tỷ USD này sẽ tăng thêm 40% vào tháng 11/2017 do lạm phát được duy trì ở mức tích cực.

Trong khi đó, General Electric tuy phải thu hẹp quy mô do tái cấu trúc nhưng khi tính cả lạm phát, vốn hóa thị trường vào tháng 8/2000 tăng lên 848 tỷ USD, đưa công ty lên vị trí thứ ba trong danh sách.

Cisco và Intel lần lượt xếp vị trí thứ tư và năm nhờ cổ phiếu tăng mạnh vào thời kỳ bùng nổ dot-com.

Hào quang quá khứ

Có một cách khác để đo giá trị công ty trên thị trường chứng khoán là xem công ty này lớn bao nhiêu so với quy mô thị trường nói chung.

Nếu dùng cách đo này, Apple vào cuối năm 2017 không chiếm lĩnh vị trí cao nhất do có nhiều công ty khác còn làm tốt hơn trong quá khứ.

Mặc dù vốn hóa thị trường Apple cao hơn nhiều so với cách đây 5 năm, nhưng cổ phiếu của hãng thời điểm tháng 9/2012 còn chiếm lĩnh thị trường lớn hơn hiện tại.

Nếu nói về thị trường cổ phiếu, IBM từng đạt giá trị rất cao vào những năm 1980, cao hơn nhiều Apple ngày nay.

Tháng 12/1985, cổ phiếu IBM chiếm 4,4% tổng toàn bộ thị trường chứng khoán, cao hơn bất cứ công ty nào kể từ năm 1980 tới nay. Trong khi đó, cổ phiếu tháng 11/2017 của Apple chỉ chiếm 2,5% tổng giá trị thị trường chứng khoán, trong khi tháng 9/2012 con số này là 3,2%.

Nói cách khác, chứng khoán nhiều công ty đã tăng ngoạn mục năm 2017, có thể kể đến Alphabet, Microsoft, Amazon, Berkshire Hathaway, Facebook… Apple không là gì so với IBM từng làm trong quá khứ.

Xét trong khoảng thời gian dài hơn, vị trí hiện tại của Apple chưa có gì đảm bảo chắc chắn.

Chẳng hạn tháng 5/1932, AT&T chiếm tới 13% tổng thị trường chứng khoán – gấp hơn 5 lần tỉ lệ của Apple ngày nay. Tháng 3/1928, General Motors chiếm 8% tổng thị trường chứng khoán. Và năm 1970, IBM chiếm 6,8% tổng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng quy mô thị trường chứng khoán trước đây khá nhỏ. Năm 1932 chỉ có 704 công ty niêm yết, còn trước đó là 584 công ty (1928).

Hiện tại, số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là 6.715 công ty. Suy cho cùng, dễ có cá to trong chiếc ao nhỏ như vậy. Như đã nói, tới cuối năm 1985, vốn hóa thị trường của IBM lớn hơn bất cứ công ty nào trong số 6.225 công ty đang niêm yết.

Vậy nên, quy mô thị trường chứng khoán chỉ là yếu tố tham khảo bởi những công ty như IBM và AT&T từng xưng hùng xưng bá rất lâu trong quá khứ. Hào quang của họ thậm chí còn lớn hơn nhiều so với Apple hiện tại.

Gia Nguyễn / NYTimes
Nguồn Zing News