Ngành dược tiến tới thị trường 7 tỉ USD

Được đánh giá sẽ trở thành một công xưởng sản xuất, Việt Nam đang thu hút dòng vốn lớn cho thị trường dược phẩm.

Không kém so với hai ngành ăn uống và bất động sản, ngành dược phẩm từ đầu năm đến nay thật sự nóng bỏng với những thương vụ M&A đình đám. Mới đây nhất, tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai Ba Lan là Adamed Group bất ngờ chi ra 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần của một tên tuổi kín tiếng trên thị trường dược Việt Nam: Đạt Vi Phú (Davipharm).

Đây cũng là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam như một bước đi chuẩn bị cho hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp sửa có hiệu lực (dự kiến vào năm 2019). Đơn vị tư vấn cho thương vụ chuyển nhượng cổ phần là hãng Baker McKenzie. Đồng thời, một quỹ đầu tư ngoại cũng đang xúc tiến đầu tư vào một doanh nghiệp sản xuất dược nội địa và theo nguồn tin riêng, thương vụ này cũng lên tới vài chục triệu USD.

Những sự kiện dồn dập này một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của thị trường dược phẩm nội địa. Nhưng liệu trong cuộc cạnh tranh ngày càng lớn với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa sẽ như thế nào hay chỉ là mục tiêu để các thương hiệu ngoại thâu tóm và từ đó phân phối các dòng sản phẩm riêng?

Imexpharm.

Sôi động M&A

Trước khi thâu tóm Davipharm, nhiều sản phẩm của Adamed Group như Bisptol, Metazydyna, Pamlonor, Zolafren, Copedina… đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Báo cáo của Tập đoàn cũng cho biết, Việt Nam được xếp thứ 5 về doanh số của Tập đoàn tại các thị trường nước ngoài với 6,4% thị phần, đồng thời đứng số 1 tại thị trường Đông Nam Á. “Chúng tôi xem khoản đầu tư này như một sự mở rộng hơn nữa thị trường của Adamed Group tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bà Małgorzata Adamkiewicz, Tổng Giám đốc Adamed Group, cho biết.

Davipharm chỉ mới ra đời vào năm 2014, tập trung vào các loại thuốc phổ thông (generic) với nhà máy sản xuất đặt tại Bến Cát (Bình Dương) đạt chuẩn thực hành WHO-GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Công ty đã sản xuất được gần 300 chủng loại thuốc, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đến Philippines, Campuchia hay Myanmar.

Danh mục thuốc hiện tại của Davipharm còn khá đơn giản và tập trung vào các dòng sản phẩm chữa trị bệnh tim mạch, tiêu hóa, thần kinh và cơ xương khớp. “Việc đầu tư của Adamed Group mang lại cơ hội cho chúng tôi để tiếp tục phát triển, giữ được vị thế trên thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu ra khu vực châu Á”, ông Phạm Tài Trường, Tổng Giám đốc Davipharm, cho biết.

Nhờ thương vụ M&A lần này, mức vốn hóa thị trường của Davipharm được định giá ở mức 71,4 triệu USD, (khoảng 1.614 tỉ đồng). Hiện mức vốn hóa của các công ty dược lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đều rất cao, điển hình như Công ty Cổ phần Traphaco (TRA) đạt 4.911 tỉ đồng, Dược phẩm Imexpharm (2.834 tỉ đồng), Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (4.167 tỉ đồng) hay ông lớn đầu ngành là Dược Hậu Giang đang có giá trị vốn hóa hơn 15.200 tỉ đồng... Xem ra dư địa để tăng trưởng về mặt giá trị của Davipharm còn khá lớn nếu kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan trong các năm tới.

Thực tế, dược phẩm là một trong những nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm qua. Nhiều mã thậm chí vượt qua mốc 100.000 đồng/cổ phiếu khi các nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng vào làn sóng đầu tư từ khối ngoại. Điển hình như tập đoàn Nhật Taisho đã chi ra gần 97 triệu USD để sở hữu 24,4% cổ phần Dược Hậu Giang; tập đoàn dược phẩm Thụy sĩ Abbott thâu tóm Glomed trong một thương vụ không công bố giá trị hay đang nắm giữ 51,69% cổ phần tại Domesco.

Tại Traphaco, hai nhà đầu tư ngoại là Magbi Fund Limited và Super Delta Pte gần đây đã chi ra xấp xỉ 104 triệu USD để nhận chuyển nhượng hơn 40% cổ phần Traphaco từ các cổ đông cũ là Mekong Capital và Vietnam Holding Limited. Mekong Capital đã đầu tư vào Traphaco từ năm 2008 và liên tục gia tăng sở hữu đến năm 2012.

Thời điểm đó, giá cổ phiếu TRA của Traphaco chỉ xoay quanh ngưỡng 12.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh). Sau 10 năm đầu tư, khoản đầu tư của Mekong Capital ước tính có giá trị gấp hơn 10 lần, thu về 65 triệu USD, cho thấy sự hấp dẫn của các khoản đầu tư trong lĩnh vực dược phầm.

Đáng chú ý, tập đoàn dược phẩm lớn nhất Indonesia là PT Kalbe Farma Tbk gần đây cho biết đang trong quá trình đàm phán để thâu tóm một công ty dược phẩm Việt Nam nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và tận dụng cơ hội từ cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Danh tính của doanh nghiệp bị thâu tóm vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.

Mở rộng cơ hội thâm nhập

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam là 1 trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging markets).

Nhóm này được coi là động lực phát triển cho ngành dược thế giới, dự kiến sẽ sớm chiếm khoảng 1/3 tổng tiêu thụ thuốc toàn cầu so với mức 1/4 hiện tại. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở khoảng thấp nhất khi chi tiêu thuốc trên đầu người còn cách xa ngưỡng trung bình 85 USD/người của nhóm.

Sức hút ngành dược khiến một số doanh nghiệp nội không thể ngồi yên. Điển hình như Tổng Công Dược Việt Nam đã đầu tư vào Sanofi Việt Nam và triển khai nhà máy sản xuất hiện đại trị giá 75 triệu USD tại quận 9, TP.HCM. Công ty Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim muốn nâng tỉ lệ sở hữu từ 24% lên mức chi phối 51% tại Dược Lâm Đồng.

Hay ở mảng phân phối dược phẩm, Thế Giới Di Động đã thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, trong khi đối thủ cùng ngành FPT Retail đang thử nghiệm khoản đầu tư vào chuỗi Long Châu, dự kiến sẽ chính thức đưa ngành dược phẩm vào cơ cấu doanh thu từ năm 2019.

Cơ hội thâm nhập ngành dự kiến còn mở rộng hơn khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lên kế hoạch thoái vốn khỏi một loạt các doanh nghiệp ngành dược từ đây cho đến năm 2020 (theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg 2017), trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang, Traphaco, Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM...

Một số doanh nghiệp dược dự kiến sẽ nới room ngoại lên 100% cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư bên ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua công cụ M&A, thay vì phải tốn nhiều tiền bạc và thời gian để xin giấy phép đầu tư và đầu tư dây chuyền sản xuất.

“Các nhà đầu tư ngoại là cần thiết bởi có thể chuyển giao công nghệ, kiến thức cũng như mang vốn đến Việt Nam”, Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Duane Morris Việt Nam, nhận định về xu thế đầu tư của khối ngoại vào ngành dược. Tuần này, Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trên thế giới khi thực hiện thương vụ M&A kỷ lục 4,83 tỉ USD tại Sabeco. Sự kiện trên hứa hẹn sẽ thúc đẩy thêm nhiều dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường Việt Nam khi Chính phủ sẽ đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong những năm tới.

Công xưởng dược phẩm thế giới

Ngành dược phẩm Việt đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, có 2 động lực chính cho ngành là tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh sẽ giúp tiêu thụ các loại thuốc có chất lượng cao, mang lại lợi nhuận khả quan cho các công ty dược. Hai là gần 46 triệu người sinh trong giai đoạn 1975 -2000 sẽ bước vào độ tuổi già hóa trong 10-30 năm tới, giúp gia tăng nhu cầu chi tiêu cho y tế và dược phẩm.

Tương tự như Trung Quốc, các tác nhân khác tác động đến nhu cầu dược phẩm ở Việt Nam còn là do tuổi thọ người dân cải thiện hơn, đi cùng với các vấn đề về ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến hô hấp, ung thư, đái tháo đường, thậm chí là nguy cơ bệnh béo phì.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, chỉ bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD). Nhìn chung, ngành dược phẩm Việt Nam được kỳ vọng sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh 10-15%/năm trong các năm sắp tới để đạt tới giá trị 7,3 tỉ USD vào năm 2019.

Với Luật Dược sửa đổi số 105/2016 được thông qua, sản phẩm thuốc nội địa sẽ được ưu tiên chào thầu nếu đáp ứng đủ quy chuẩn chất lượng trong kênh ETC - mảng đang chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành và là nơi mà sản phẩm ngoại nhập đang chiếm ưu thế. Luật mới ra đời khiến các doanh nghiệp ngoại muốn duy trì thị phần tại Việt Nam có thể phải gia tăng thêm liên doanh, liên kết hay hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nội.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nội cũng muốn đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Pymepharco (PME), doanh nghiệp có lợi nhuận đứng thứ hai ngành dược đã bắt tay với hãng dược phẩm Stada (Đức) từ năm 2008. Nhờ sự chuyển giao công nghệ từ đối tác chiến lược này, Pymepharco đã thành công trong việc nâng cấp dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP-EU.

Công ty đã thành công trong đợt tái xét lần 3 tiêu chuẩn GMP-EU cho xưởng Cephalosporin thuốc viên vào đầu tháng 10.2017, sắp tới sẽ hoàn thành dự án đầu tư tiêu chuẩn GMP-EU cho xưởng Cephalosporin thuốc tiêm vào cuối năm nay. Công ty cũng sẽ triển khai kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy thuốc viên Non-Betalactam theo tiêu chuẩn GMP-EU trong năm 2018. PME mới niêm yết ngày 8.11 vừa qua và cổ đông lớn Đức Stada chưa có kế hoạch thoái vốn.

Với chi phí sản xuất cạnh tranh và trình độ nhân lực ngày càng cải thiện, đi cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do với ASEAN, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong khi đó, để cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công ty dược của Mỹ phải nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường chưa phát triển như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động với giá rẻ hơn, bán thuốc giá thấp.

Theo đó, Việt Nam được xem là căn cứ điểm rất phù hợp để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác. Hơn thế nữa, Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

“Ngày càng nhiều các đơn vị, công ty dược nước ngoài đã và đang mua cổ phần chi phối, hoặc trở thành đối tác chiến lược của các công ty dược nội địa”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán Maritime Bank, nhận định.

Hiện thị trường dược phẩm đang khá phân mảnh khi có tới 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược và 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra còn có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc nhỏ lẻ. Cơ hội để thống lĩnh thị phần tiếp tục mở ra cho tất cả các nhà đầu tư bởi ngay cả doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang chỉ mới đạt doanh thu 4.154 tỉ đồng (năm 2016).

Tất nhiên, việc gia tăng sự hiện diện của các tay chơi lớn khiến cho cục diện cạnh tranh trên thị trường sẽ càng khốc liệt. Dễ thấy trong cuộc chiến này, các tay chơi ngoại đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực R&D và bề dày kinh nghiệm so với đại đa số các doanh nghiệp nội có quy mô chỉ vừa và nhỏ.

Để cạnh tranh thành công và có thể không phải bán mình, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi ra các khoản đầu tư rất lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối, bên cạnh phải tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nâng cấp dây chuyển để thỏa mãn các tiêu chuẩn thực hành quốc tế khắt khe như PIC/S và EU-GMP nhằm gia cơ hội tiếp cận ở phân khúc cấp cao, cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Một điểm yếu khác của hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước là phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (lên đến 80%), gây khó khăn cho công tác quản lý một khi tỉ giá biến động. Vì vậy, bên cạnh chú trọng đầu tư nhà máy sản xuất, việc xây dựng chuỗi nguyên liệu riêng, cải thiện chuỗi giá trị gia tăng sẽ là hướng đi cần thiết để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ lớn bên ngoài.

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư