Trang web đặt phòng nội địa tìm khe cửa hẹp

Nếu như cách đây hơn 10 năm, nhắc đến việc đặt phòng trực tuyến (online), nhiều người còn thấy lạ lẫm thì nay, việc đó nay đã trở nên phổ biến với nhiều khách du lịch.

Và nếu như cách đây vài năm, khi nhắc đến các OTA (Online Travel Agent – đại lý du lịch trực tuyến), người ta chỉ biết đến những tên tuổi ngoại, thì nay, các OTA trong nước đã được nhiều người biết đến như là một địa chỉ đặt phòng khách sạn tin cậy.

Theo Forbes Việt Nam, năm 2015 người Việt Nam thường đặt phòng thông qua các công ty du lịch (37,3%), trực tiếp với khách sạn (24,1%), Internet (20,7%) và các kênh khác (17,7%). Những con số này cho thấy miếng bánh dành cho OTA tại thị trường trong nước rất lớn, bởi thế, các OTA ngoại nhanh chóng thâm nhập vào Việt Nam.

Trong những năm gần đây, các trang web đặt phòng ngoại này còn đi xa hơn khi hỗ trợ tiếng Việt và thanh toán bằng tiền đồng, kể cả trên điện thoại di động. Thậm chí, để phục vụ tốt cho đối tác (khách sạn) và khách hàng cũng như để tăng thị phần, không ít OTA ngoại đã mở văn phòng đại điện tại Việt Nam như agoda, booking.com, traveloka. Một số khác cũng sắp xếp nhân sự đại diện phụ trách thị trường như expedia, airbnb…

Khách hàng tìm kiếm thông tin tại Ngày hội Du lịch trực tuyến 2017. Ảnh: Đào Loan.

Tuy nhiên, đối với du khách trong nước, những ông lớn OTA ngoại ít nhiều vẫn còn những điểm hạn chế. Chẳng hạn, họ chỉ chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng các thẻ thanh toán quốc tế, một số khác chấp nhận trả tiền sau nhưng cũng yêu cầu nhập thông tin thẻ mới cho đặt phòng. Việc xuất hóa đơn cho khách hàng do vậy là không thể trong khi thói quen của người Việt vẫn là xài trước trả tiền sau hoặc có chút ít tâm lý lo lắng khi giao dịch trực tuyến với công ty nước ngoài.

Những điểm hạn chế của OTA ngoại lại là thế mạnh của OTA nội. Trước sự bành trướng của các gã khổng lồ OTA ngoại, các OTA nội địa bắt đầu có những “đường đi nước bước” phù hợp hơn với thế mạnh của mình. Các dịch vụ chăm sóc khách hàng phù hợp với tâm lý người Việt như tư vấn qua điện thoại, hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán (trực tuyến, chuyển khoản, trực tiếp tại văn phòng, trực tiếp tại khách sạn), có văn phòng giao dịch các thành phố lớn để khách có thể giao dịch khi cần, có thể xuất hóa đơn đỏ… đang được nhiều đại lý du lịch trực tuyến triển khai.

Cùng với đó là những gói dịch vụ rất riêng mà OTA ngoại khó lòng có được. Chẳng hạn, trang Vntrip.vn (Công ty TNHH VNTRIP OTA) đưa ra gói dịch vụ tặng xe đưa đón sân bay cho khách đặt phòng (giá trị từ 500.000 đồng trở lên). Mới đây, OTA non trẻ này đã nhận được khoản đầu tư trị giá 10 triệu đô la Mỹ, nâng tổng số tiền được đầu tư lên tới 13 triệu đô la.

Theo Forbes Việt Nam, năm 2015 người Việt Nam thường đặt phòng thông qua các công ty du lịch (37,3%), trực tiếp với khách sạn (24,1%), Internet (20,7%) và các kênh khác (17,7%).

Trang iVIVU.com thì không chỉ bán phòng khách sạn mà còn kết hợp bán tour và vé máy bay. OTA này thường xuyên tung ra những gói free’n’easy (kết hợp dịch vụ gồm vé máy bay, khách sạn) với mức giá tốt để giới thiệu đến khách hàng.

Đối với trippy.vn, trang web đặt dịch vụ du lịch lớn hiện nay, nhiều dịch vụ từ khách sạn, tour, vé máy bay, vé tham quan, vé xem show, thuê xe… được cung cấp trọn gói. Đặc biệt, trippy.vn lựa chọn cạnh tranh ở thị trường khách sạn nước ngoài, còn ở trong nước, OTA này tập trung vào phân khúc homestay.

Cuộc chơi OTA ngày một nóng hơn khi nhiều tên tuổi OTA mới như atadi.vn, 12trip.vn… xuất hiện mới đây. Hứa hẹn trong tương lai gần, thị trường sẽ càng khó khăn hơn khi mà các OTA ngoại vẫn đang chiếm ưu thế về vốn, thương hiệu và cả nguồn khách.

Hoàng Dương
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn