In-house team và agency quảng cáo: Lựa chọn nào phù hợp cho doanh nghiệp của bạn? 

Các công ty nên tự xây dựng cho mình một đội ngũ marketing in-house hay tìm kiếm một agency có chuyên môn từ bên ngoài?

Đây là câu hỏi muôn thuở mà sớm muộn gì các doanh nghiệp cũng phải đối mặt để đáp ứng sự thay đổi không ngừng của nhu cầu và mục tiêu quảng bá thương hiệu của mình.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà quảng cáo trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực thị trường và nhiều phương pháp tiếp cận marketing khác nhau, chúng tôi lập ra dưới đây một bản tóm tắt nhanh những lợi ích của cả hai loại hình trên, cùng với một vài gợi ý về các nhà cung cấp công nghệ quảng cáo (Ad Tech) và một danh sách những điều nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.

In-house team: Cỗ máy tạo ra doanh thu vô cùng hiệu quả

Xây dựng một team marketing in-house là cách tốt nhất để tối đa hoá hiệu quả marketing theo đúng mục tiêu của công ty, vì đây là đội ngũ chỉ tập trung hoàn toàn vào việc nghiên cứu các hành vi của khách hàng cũng như cố gắng giành được tình cảm từ họ. Những nghiên cứu và thử nghiệm từ team in-house cũng là những cơ sở thông tin nội bộ hữu ích cho các bộ phận khác trong công ty.

Ảnh: Adweek.

Dễ dàng truy cập các dữ liệu nội bộ. Các phòng ban khác cũng cho phép team in-house dễ dàng hợp tác với đội ngũ Business Intelligence của công ty cũng như khai thác cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng. Cách hiệu quả nhất để nâng cao hiệu quả marketing là tối ưu hoá và tuỳ biến việc phân phối quảng cáo hướng tới khách hàng mục tiêu, và nỗ lực của toàn bộ team in-house chính là chìa khoá để đạt được điều này.

Một điều chắc chắn rằng các thành viên nội bộ được kỳ vọng sẽ là những người đầy nhiệt huyết và tận tụy với mục tiêu của công ty. Vì vậy, xây dựng một team in-house từ những nhân viên giỏi chính là thiết lập nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Giảm thiểu được một số bước chuyển giao giữa việc thiết kế, phê duyệt và ra mắt chiến dịch sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ hoạt động, tạo thuận lợi cho việc xử lý khi có thay đổi bất ngờ hoặc nhận diện được những cơ hội mới.

Agency: Chuyên gia linh hoạt trong ngành

Thuê ngoài một Agency là cách nhanh nhất để có được những chuyên gia đã qua đào tạo bài bản hỗ trợ quản lý các dự án quảng cáo của công ty. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của các Agency phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của nhân viên, vì vậy nếu lựa chọn thuê Agency, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như công sức trong việc tuyển dụng người phù hợp.

Các Agency làm việc đồng thời với nhiều khách hàng khác nhau giúp họ có được những kiến thức và cái nhìn thực tiễn dựa vào nền tảng từ các nhà quảng cáo và nhiều ngành, cũng như khả năng ứng dụng chúng để thúc đẩy chiến dịch của bạn.

Ảnh: FortuneBuilders.

Việc thoả thuận với các Agency thường khá linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của công ty bạn ngay cả khi quy mô chiến dịch quảng cáo thay đổi đáng kể. Trình độ chuyên môn của Agency không gắn liền với từng cá nhân nhân viên như khi bạn tự xây dựng team in-house cho mình. Vì vậy, chi phí cố định thấp hơn cùng với sự phụ thuộc vào từng nhân viên sẽ ít rủi ro hơn cho bạn.

Chỉ tập trung vào một dự án duy nhất có thể làm giảm đi tính sáng tạo. Nhưng đối với các Agency, kinh nghiệm làm việc cho nhiều khách hàng, nhiều dự án khác nhau chính là lợi thế cho đội ngũ sáng tạo của Agency luôn được duy trì cảm hứng, đưa ra ý tưởng và cập nhật những điều mới mẻ. Nhờ đó, công ty của bạn sẽ có một chiến dịch quảng cáo mới lạ và thú vị mà một team in-house không thể nào mang lại được.

Trang bị những công cụ marketing phù hợp

Bất kể phương pháp marketing mà bạn chọn là gì, ngay cả một đội ngũ sáng tạo cực kỳ tài năng cũng không thể phát huy tốt nhất năng lực của họ nếu không có các công cụ hỗ trợ phù hợp. Các nền tảng marketing như Facebook cung cấp miễn phí các công cụ quản lý việc quảng cáo và đã hoạt động rất hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy các công cụ này không còn đáp ứng được nhu cầu của công ty mình, có thể là vì thiếu một số tính năng, nhu cầu tự động hoá các quy trình thông thường hay chỉ đơn giản là không đáp ứng được quy trình công việc ở quy mô lớn hơn, thì đã đến lúc bạn nên tìm kiếm một công cụ khác thay thế.

Bất kể phương pháp marketing mà bạn chọn là gì, ngay cả một đội ngũ sáng tạo cực kỳ tài năng cũng không thể phát huy tốt nhất năng lực của họ nếu không có các công cụ hỗ trợ phù hợp.

Nhìn chung, các nhà cung cấp công cụ quảng cáo được chia thành 3 loại dựa theo mô hình dịch vụ của họ:

  • Các công cụ tự phục vụ hoàn toàn (Fully self-serve tools) thường có chi phí rẻ hơn và có một số tính năng bổ sung bên cạnh những tính năng mà các công cụ miễn phí cung cấp. Mô hình hoạt động của công cụ này thực ra cũng tương tự với nền tảng Facebook ở trên, bạn phải tự mình chạy quảng cáo và làm các công việc liên quan khác.
  • Các giải pháp tự phục vụ có hỗ trợ mở rộng (Self-serve solutions with extensive support) thường sẽ toàn diện hơn và ngoài ra còn cung cấp tính năng tư vấn hay một số hình thức hỗ trợ khác. Để tránh tình trạng sử dụng kém hiệu quả các công cụ nâng cao này, bạn phải kết hợp sử dụng các thuộc tính và hỗ trợ tư vấn nếu cần. Ngoài ra, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp bạn am hiểu hơn cách sử dụng cũng như các chức năng của công cụ, từ đó tận dụng được tối đa lợi ích mà công cụ mang lại.
  • Quản trị dịch vụ (Managed Services) là một đối tác công nghệ tương tự như các công cụ tự phục vụ, nhưng ngoài ra mô hình này còn quan tâm đến việc quản lý các chiến dịch quảng cáo của bạn. Với các chức năng này, quản trị dịch vụ có thể được xếp ở vị trí giữa agency và các công cụ tự phục vụ. Nếu đang cân nhắc sử dụng một loại hình quản trị dịch vụ, bạn nên đánh giá chất lượng công cụ, khả năng đổi mới nhanh nhạy và chất lượng của từng đội ngũ quản lý chiến dịch như khi bạn cân nhắc lựa chọn một công cụ self-serve hoặc chọn một Agency cho mình.

Đối với các công ty đã quyết định thuê ngoài một Agency, việc lựa chọn thêm một công cụ nữa từ một đối tác thứ ba rất quan trọng vì cả bạn và agency đều sử dụng trực tiếp chúng. Với sự hỗ trợ của các công cụ, Agency sẽ tối đa hoá hiệu quả quản lý chiến dịch quảng cáo của bạn, đôi khi có thể giúp bạn tiếp cận các tính năng và dạng thức mới trước khi các đối thủ cạnh tranh có thể bắt kịp. Ví dụ điển hình nhất là cách một số nhà quảng cáo đã tiếp cận với định dạng Quảng cáo quay vòng trên Facebook (Facebook’s Carousel Ad format) trước các đối thủ khác thông qua các công cụ của một bên thứ ba, là đối tác đã giúp Facebook phát triển định dạng này. Và cuối cùng, các Agency có thể hưởng lợi từ các nguồn tri thức và đào tạo sẵn có thông qua các nhà cung cấp công nghệ quảng cáo mà bạn đã lựa chọn.

Đã đến lúc đưa ra quyết định

Dưới đây là một bản tóm tắt nhanh các câu hỏi mà bạn nên cân nhắc để ra quyết định dễ dàng hơn:

In-house:

  • Liệu bạn có thể tìm được và đủ khả năng thuê một chuyên gia marketing để quản lý chiến dịch của mình?
  • Nếu câu trả lời ở trên là “không”, vậy bạn có đủ kiến thức để đào tạo một người còn nghiệp dư cho vị trí đó không?
  • Bạn có biết mục tiêu bạn muốn đạt được là gì và bạn có tin tưởng mình sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó không?
  • Đội ngũ marketing của bạn sẽ xử lý ổn tất cả công việc hay bạn cần phải tuyển dụng thêm người để hỗ trợ? Bạn đã có dự tính sẽ tuyển dụng từ đâu chưa?
  • Đội ngũ marketing của bạn có đủ khả năng xử lý khi có yêu cầu thay đổi hay không?

Agency:

  • Agency mà bạn chọn có kinh nghiệm trong thị trường và ngành của bạn không?
  • Mô hình hoa hồng của Agency mà bạn chọn là gì, tính theo tỷ lệ hay là cố định ngay cả khi kết quả công việc không đạt yêu cầu?
  • Agency sẽ xử lý hết tất cả công việc hay bạn cần phải hỗ trợ, ví dụ như cung cấp hình ảnh, văn bản quảng cáo?
  • Bạn và agency có thể thoả thuận về các mục tiêu rõ ràng để tiến đến hợp tác với nhau không?

Chúc bạn lựa chọn được giải pháp tốt nhất cho công ty mình.

Lam An / Brands Vietnam
Nguồn Jose Kantola / Smartly