Thanh toán di động hấp dẫn người dùng smartphone toàn cầu

Từ Tây sang Đông và châu Phi kém phát triển, điện thoại dần đóng vai trò của chiếc ví điện tử thay vì chỉ dùng để nghe gọi.

Hai mươi năm trước, cảnh người Mỹ vào siêu thị, lấy hàng, cho vào giỏ và ra quầy thanh toán bằng tiền mặt là một khái niệm xa lạ. Nhưng công nghệ khiến chỉ sau một thế hệ, thói quen này đã hoàn toàn thay đổi, trên toàn thế giới. Bắt đầu từ sự xuất hiện của những chiếc máy tính cá nhân trong từng gia đình, rồi sự ra đời của hàng loạt công ty thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, eBay. Đến thập kỷ 1990, phương Tây tiếp cận với khái niệm mua sắm online. Một vài thập kỷ sau đó, smartphone dần trở thành vật bất ly thân, đưa họ đến với thời đại của việc mua sắm bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu.

Công nghệ tái sinh toàn bộ ngành thương mại. Mở rộng cánh cửa để các thương hiệu kết nối với nhau. Cũng nhờ nó, vai trò của hệ thống thanh toán trong luồng giao dịch được nâng cao.

Trong số những xu hướng đang được thổi bùng lên nhờ sức mạnh công nghệ, thanh toán di động mới xuất hiện nhưng đã gây sự chú ý lớn.

Theo Báo cáo về xu hướng thanh toán do Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase phát hành trong năm 2017, ví điện tử và thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới. Thanh toán di động đang mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về giao dịch thương mại. Forrester Research Inc. ước tính rằng thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019, trong đó có vô số cơ hội cho nền tảng thanh toán di động như Samsung Pay. Tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động (mCommerce) sẽ đạt mức 194 tỷ USD năm 2017 và 319 tỷ USD vào năm 2020.

Một trong những quốc gia cởi mở đón nhận làn sóng thanh toán di động nhất là Hàn Quốc. "Người dân ở đây yêu công nghệ, không ngại thay đổi, họ sẵn sàng dùng thử các ứng dụng mới nếu thấy bạn bè cho phản hồi tốt", ông Thomas Ko, Giám đốc Samsung Pay toàn cầu chia sẻ với chúng tôi.

Hàn Quốc bắt đầu áp dụng thanh toán di động từ tháng 9/2014 khi cha đẻ của ứng dụng nhắn tin nổi tiếng KakaoTalk, cho ra mắt công cụ Kakao Pay. Sau đó một năm, Samsung cũng chính thức tham gia cuộc chơi với Samsung Pay và nhanh chóng dẫn đầu. Ứng dụng này xử lý hơn một tỷ USD giao dịch tại Hàn Quốc sau 6 tháng kể từ khi nó được giới thiệu.

Theo thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc, có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý 4/2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó. Ngoài ra, số người dùng loại dịch vụ này cũng đã cán mốc 32 triệu người vào cuối năm ngoái. Sau 6 tháng kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Samsung Pay đã có 5 triệu người dùng đăng ký và giao dịch trên 500 triệu USD trên nền tảng này. Khả năng bảo mật cao 3 lớp, đồng thời đặc tính không lưu thông tin thẻ của người dùng, không tham gia vào quá trình thanh toán và cũng không can thiệp vào mỗi giao dịch khiến Samsung Pay được đánh giá là an toàn.

Tại Ấn Độ, Samsung Pay mới được giới thiệu vào tháng 3/2017 và nhanh chóng lọt vào Top 3 trong số các nước phổ cập ứng dụng nhanh nhất sau Hàn Quốc và Nga. Còn Kenya, đất nước nằm giữa châu Phi kém phát triển lại trong nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ thanh toán qua di động. Tờ The Economist nhận xét thanh toán tiền taxi bằng điện thoại ở thủ đô Nairobi còn dễ hơn ở New York. Khoảng 25% tổng sản phẩm quốc dân của nước này chảy qua chiếc điện thoại.

Phát biểu tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hoá thanh toán di động là xu thế tất yếu không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc. Xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Tuy vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam gặp nhiều thách thức đối với mục tiêu thanh toán không tiền mặt. Một khảo sát của World Bank cho biết có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. Theo số liệu của Global Findex năm 2014, chỉ có khoảng một trên ba người lớn có giao dịch với một một nhà cung cấp tài chính chính thức, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 69%.

Nhưng giới chuyên gia và những người mang công nghệ mới đến với Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan. Khi lý giải về quyết định chọn Việt Nam là nước thứ 19 triển khai Samsung Pay trong mạng lưới toàn cầu, ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị di động, Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết đã nghiên cứu kỹ về tiềm năng và cơ hội tại đây.

"Nếu như năm 2013, chỉ 20% dân số dùng smartphone thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 72%. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G và 4G", ông Nguyễn Quang Hiền Huy nói.

Nguyễn Quang Hiền Huy

Ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị di động, Công ty Điện tử Samsung Vina tại Diễn đàn VEPF 2017. Ảnh: Giang Huy.

Việt Nam cũng nằm trong top 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu theo báo cáo do A.T. Kearney công bố hồi tháng 6/2017. Tính đến hết quý 2/2017, tại Việt Nam có tổng cộng hơn 105 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành. Ngân hàng Nhà nước cho biết dự kiến, sẽ có 150 triệu thẻ trong năm 2018, chủ yếu tập trung ở người tiêu dùng trẻ tuổi.

Một tín hiệu tích cực khác cho ngành thanh toán di động chính là lực lượng dân số trẻ, với hơn 50% người thuộc độ tuổi lao động với thu nhập đầu người ở mức trung bình. Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Báo cáo của tổ chức Visa mới đây cho thấy có 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán.

Chỉ sau một tháng chính thức triển khai ở Việt Nam vào tháng 9/2017, các con số đã chứng minh niềm tin của Samsung Pay là có cơ sở. Kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 29/9/2017, dịch vụ đã có 130.000 người đăng ký, 70.000 thẻ được đăng ký và 100.000 giao dịch đã được thực hiện. Những số liệu này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, do hiện có khoảng một triệu chiếc điện thoại Samsung các dòng có hỗ trợ Samsung Pay đang được sử dụng tại Việt Nam. Đã có nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam tham gia mạng lưới gồm Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV, Shinhan Bank, Citi Bank, AB Bank và nhiều đối tác nữa trong thời gian tới.

Các diễn giả thảo luận về chủ đề Thanh toán di động (Mobile Payment) tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017. Ảnh: Giang Huy.

"Thanh toán di động mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại Diễn đàn VEPF.

Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế. Phổ cập đi nhanh để không một ai ở Việt Nam bị thụt lại phía sau trong quá trình này, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thiết kế: Lê Thủy

Thanh Bình
Nguồn VnExpress