Tầng lớp trung lưu mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu (middle-income class) được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và kích thích tiêu dùng quan trọng nhất.

Điều này mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho những ngành trực tiếp hưởng lợi từ sự đi lên của người tiêu dùng, không những vì tổng mức chi tiêu của người dân sẽ tăng nhanh chóng mà còn vì sự nổi lên của các xu hướng tiêu dùng mới.

Theo nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers, trong giai đoạn 2016-2050, tăng trưởng thực GDP/đầu người của Việt Nam sẽ ở mức 4,5%/năm, đứng trên cả những quốc gia thường được nhắc đến nhiều như là những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.

Mức tăng trưởng kinh tế vượt trội này đang thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Gia nhập tầng lớp trung lưu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có nhiều thu nhập khả dụng (disposable income) hơn sau khi đã trang trải hết các chi phí thiết yếu. Với thu nhập khả dụng được cải thiện, người tiêu dùng sẽ hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn. Điều này không những sẽ kích thích mạnh mẽ tổng mức chi tiêu nói chung mà còn dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong hành vi người tiêu dùng mà nếu các doanh nghiệp tận dụng được thì sẽ tạo ra giá trị và sự tăng trưởng vượt trội. Một số xu hướng điển hình có thể kể đến như sau:

- Tiêu dùng không thiết yếu sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng chi tiêu: Khi các nhu cầu thiết yếu, căn bản nhất đã được đáp ứng, người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu như hàng công nghệ, thời trang, giải trí, du lịch, cũng như đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Một ví dụ tiêu biểu là nhu cầu du lịch của người Việt tăng mạnh trong những năm qua. Đồng thời, ngày càng có nhiều người chuyển từ sử dụng các phương tiện đường bộ qua di chuyển bằng máy bay. Điều này có thể nhìn thấy qua lượng hành khách tăng mạnh của Vietjet Air và Vietnam Airlines, hai hãng hàng không dẫn đầu Việt Nam.

- Người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn và có thương hiệu: Ví dụ thay vì mua quần áo không thương hiệu hoặc của các nhà cung cấp không tên tuổi, người tiêu dùng sẽ hướng đến các thương hiệu phổ thông quốc tế... Hoặc thay vì sử dụng trang sức vàng với thiết kế đơn giản của các thương hiệu nhỏ lẻ, người tiêu dùng trung lưu sẽ mua các sản phẩm hợp thời trang, có thiết kế tinh xảo hơn của các thương hiệu lớn trong nước hay thương hiệu quốc tế. Xu hướng này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thế mạnh về xây dựng thương hiệu mở rộng quy mô và thị trường nhờ nhận diện thương hiệu, cũng như khai thác được thêm giá trị và biên lợi nhuận từ sức mạnh thương hiệu và sự trung thành của khách hàng.

- Quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn: Theo nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên, dược phẩm và các dịch vụ y tế tăng cường thể chất. Một ví dụ điển hình là các sản phẩm sữa hữu cơ (organic) mới của Vinamilk, bao gồm sữa uống và sữa chua, đã được thị trường đón nhận tích cực mặc dù giá bán cao hơn 70-80% so với các sản phẩm phổ thông. Mặt khác, sau khi tăng trưởng hàng năm 15% trong giai đoạn 2013-2016, ngành dược phẩm của Việt Nam được tổ chức nghiên cứu BMI dự báo sẽ tiếp tục tăng 12%/năm trong giai đoạn 2016-2021. Tương tự, chi tiêu cho y tế của Việt Nam trong giai đoạn này cũng được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm so với mức 9%/năm của giai đoạn 2013-2016.

- Yêu cầu trải nghiệm mua sắm tốt hơn: Người tiêu dùng trung lưu không những đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt mà còn nhắm tới những trải nghiệm mua sắm làm họ hài lòng. Vì vậy, mô hình bán lẻ như các chuỗi bán lẻ hiện đại chuyên biệt, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại sẽ ngày càng trở nên phổ biến, thay cho mô hình chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hóa. Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự đi lên mạnh mẽ của các chuỗi bán điện thoại, điện máy như Thế Giới Di Động, FPT Shop và Điện Máy Xanh.

Tuy nhiên, đối với các mặt hàng khác, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), quá trình chuyển đổi từ kênh bán lẻ truyền thống qua hiện đại chỉ mới bắt đầu. Theo ước tính của Kantar Worldpanel và Nielsen, từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10-2017, kênh bán lẻ hiện đại bao gồm siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini chỉ chiếm khoảng 8% tổng doanh số hàng FMCG tại Việt Nam, chủ yếu là ở các khu vực thành thị. Tuy vậy, mô hình bán lẻ hiện đại, đặc biệt là mô hình quy mô nhỏ bao gồm cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tăng trưởng vượt trội. Trong ba tháng trên, tại khu vực thành thị, doanh số FMCG tại cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tăng 26% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với các kênh bán lẻ khác; siêu thị và đại siêu thị cũng ghi nhận mức tăng 10%.

- Dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm) sẽ ngày càng trở nên phổ biến: Thu nhập khả dụng tăng sẽ làm cho quy mô tiền nhàn rỗi ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu tiết kiệm và đầu tư. Đồng thời, với việc người tiêu dùng Việt Nam đang cảm thấy lạc quan về triển vọng tài chính cá nhân trong tương lai, họ sẵn lòng vay tiêu dùng. Đây là điểm thuận lợi cho ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có lợi thế về bán lẻ. Mặt khác, cũng nhờ sự cải thiện thu nhập của người dân, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là mảng bảo hiểm nhân thọ, đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam tăng từ 25.600 tỉ đồng năm 2009 lên 86.000 tỉ đồng năm 2016, tương ứng mức tăng trưởng kép 19%/năm. Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm được dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao trong tương lai, vì đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm thường nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, nếu nhìn vào sự phát triển trong quá khứ của các nước như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam có thể tăng hơn 15%/năm từ năm 2016-2021.

An Huy
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn