Kênh hiện đại bán lẻ hàng tiêu dùng: Tăng cấp số nhân

Sức hấp dẫn của thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đã được nhắc đến nhiều nhờ thị trường có dân số trẻ, thu nhập tăng nhanh, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, niềm tin người tiêu dùng cao... Để tận dụng cơ hội tăng trưởng vượt trội này, kênh bán lẻ hiện đại chính là một trong những cách tốt nhất mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Biết tận dụng sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng - từ mua sắm ở kênh truyền thống (như chợ hay cửa hàng tạp hóa) qua kênh hiện đại, và được hỗ trợ bởi việc mở rộng nhanh chóng các hệ thống cửa hàng bán lẻ, kênh bán lẻ hiện đại có khả năng tăng trưởng gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Case study: Thị trường bán lẻ điện máy

Để dễ hình dung vì sao mô hình bán lẻ hiện đại có thể tăng trưởng nhanh hơn mức chung của ngành nhiều lần, chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của thị trường bán lẻ điện máy.

Theo ước tính của công ty chứng khoán Bản Việt, quy mô thị trường điện máy Việt Nam tăng từ khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ năm 2014 lên 4,6 tỉ đô la Mỹ năm 2017, ghi nhận mức tăng trưởng tổng cộng 43% trong vòng ba năm. Tuy vậy, doanh số của các chuỗi bán lẻ hiện đại và nhóm các cửa hàng nhỏ lẻ, quy mô gia đình (gọi tắt là “mô hình truyền thống”) lại có diễn biến trái ngược nhau. Tổng doanh số của mô hình truyền thống giảm gần một nửa, từ khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ năm 2014 xuống còn gần 1 tỉ năm 2017. Ngược lại, tổng doanh số các chuỗi bán lẻ hiện đại tăng vọt, từ 1,4 tỉ đô la Mỹ năm 2014 lên 3,7 tỉ đô la Mỹ năm 2017. Cá biệt trong các chuỗi hiện đại, doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh được dự báo sẽ tăng từ gần 100 triệu đô la Mỹ năm 2014 lên tới gần 1,4 tỉ đô la Mỹ năm 2017, tương đương mức tăng hơn 14 lần chỉ trong vòng ba năm.

Qua đây có thể thấy việc xây dựng nên một chuỗi bán lẻ hiện đại thành công có thể mang lại mức tăng trưởng “khủng” như thế nào.

Cơ hội trong các ngành hàng khác

Nhìn chung, Việt Nam chỉ mới đang ở giai đoạn đầu của xu hướng mua sắm hiện đại. Khi thu nhập của người tiêu dùng ngày càng được cải thiện sẽ dẫn đến nhu cầu ngày càng cao đối với chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mua sắm. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hiện đại ở các phân khúc hàng tiêu dùng nhanh/hàng hóa thiết yếu (FMCG), vàng trang sức, đồ dùng mẹ và bé hay dược phẩm. Tuy thị trường mỗi ngành hàng đang ở một giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng nói chung, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

Ngành hàng FMCG

Theo ước tính dựa trên dữ liệu từ đơn vị nghiên cứu Kantar Worldpanel và Nielsen, từ tháng 8 tính đến cuối tháng 10-2017, kênh bán lẻ hiện đại bao gồm siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini chỉ chiếm khoảng 8% tổng doanh số hàng FMCG tại Việt Nam, chủ yếu là ở các khu vực thành thị. Tuy vậy, mô hình bán lẻ hiện đại, đặc biệt là mô hình quy mô nhỏ bao gồm cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini lại tăng trưởng vượt trội. Tại khu vực thành thị, doanh số FMCG tại cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tăng 26% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với các kênh bán lẻ khác; siêu thị và đại siêu thị cũng ghi nhận mức tăng khả quan là 10%.

Giữa hai mô hình lớn (siêu thị, đại siêu thị) và nhỏ (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini), có vẻ như mô hình nhỏ đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo quan sát, trong giai đoạn từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2017, số lượng cửa hàng của các chuỗi siêu thị hàng đầu như CoopMart, VinMart, Big C, AEON và Lotte Mart hầu như không thay đổi.

Trong khi đó, ba chuỗi siêu thị mini hàng đầu lại đang mở rộng rất mạnh mẽ: Bách Hóa Xanh đã mở rộng hệ thống từ gần 50 cửa hàng lên hơn 250 cửa hàng; Co.op Food tăng từ khoảng 100 cửa hàng lên hơn 180 cửa hàng; Satra Foods tăng từ 85 cửa hàng lên hơn 140 cửa hàng. Bất chấp tốc độ mở rộng này, so với tổng quy mô ngành hơn 60 tỉ đô la Mỹ và việc Việt Nam có hơn 1 triệu điểm bán nhỏ lẻ truyền thống, dư địa phát triển cho các chuỗi này là rất nhiều.

Ngành trang sức

Theo Forbes, Việt Nam có khoảng 12.000 cửa hàng bán trang sức. Tuy nhiên, phần lớn số này là các cửa hàng, thương hiệu nhỏ lẻ, tập trung vào sản phẩm vàng trọng lượng, giá trị gia tăng thấp và thiết kế đơn giản. Với việc thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu làm đẹp sẽ tăng lên, dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm trang sức có thiết kế tinh xảo, có thương hiệu mạnh và được bán trong các cửa hàng cung cấp dịch vụ cao cấp. Các chuỗi bán lẻ trang sức hàng đầu đã nhìn được xu hướng này và đã tăng tốc độ mở rộng hệ thống trong thời gian gần đây. Điển hình như PNJ, công ty đã công bố kế hoạch đạt tổng cộng 500 cửa hàng vào năm 2022 so với gần 250 cửa hàng tính đến cuối tháng 9-2017.

Ngành đồ dùng mẹ và bé

Đồ dùng dành cho mẹ và bé là một thị trường hấp dẫn khác, nhờ sự tăng trưởng dân số đều đặn ở Việt Nam và tâm lý của các bà mẹ là không ngần ngại chi tiêu cho những gì tốt đẹp nhất đối với con mình. Theo thống kê, hai chuỗi cửa hàng hàng đầu trong ngành hàng này là Concung.com và Bibo Mart đều đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng trong giai đoạn từ tháng 8-2016 đến tháng 9-2017. Cụ thể, Concung.com tăng từ hơn 80 cửa hàng lên hơn 160 cửa hàng; Bibo Mart tăng từ trên 60 cửa hàng lên gần 140 cửa hàng.

Tiềm năng của thị trường này đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài với việc quỹ đầu tư ACA Investments thuộc tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã đầu tư vào Bibo Mart. Bibo Mart kỳ vọng sẽ sử dụng lượng vốn mới này để tiếp tục tăng tốc mở rộng hệ thống, đặt mục tiêu đạt 500 cửa hàng vào cuối năm 2019 với doanh thu tối thiếu 300 triệu đô la Mỹ.

Ngành dược phẩm

Thị trường dược phẩm ở Việt Nam đạt quy mô hơn 5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, theo công ty nghiên cứu BMI. Chi tiêu cho dược phẩm ở Việt Nam được BMI dự báo sẽ tiếp tục tăng 12%/năm trong bốn năm tới, đạt tổng giá trị gần 8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Dược phẩm ở Việt Nam hiện vẫn đang được bán chủ yếu tại 40.000-50.000 điểm bán nhỏ lẻ, khi quy mô các chuỗi dược phẩm vẫn còn hạn chế.

Tuy vậy, bối cảnh này nhiều khả năng sẽ thay đổi mạnh mẽ trong tương lai gần khi các công ty hàng đầu, có tiềm lực tài chính mạnh như Thế Giới Di Động hay FPT Retail đều đã công bố kế hoạch M&A để bước chân vào thị trường bán lẻ dược phẩm. Sự tham gia của các công ty này có thể cũng sẽ thúc đẩy các chuỗi lớn khác như Pharmacity hay Phano tăng tốc mở rộng hệ thống của mình để chiếm lĩnh thị trường.

Anh Huy
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn