Đối thủ đáng gờm của ngành khách sạn

Các nền tảng chia sẻ dịch vụ lưu trú trực tuyến đang âm thầm nổi lên, đe dọa tới hoạt động kinh doanh của ngành khách sạn truyền thống.

Có thể hình dung các nền tảng chia sẻ lưu trú trực tuyến như tình trạng kinh doanh hiện nay trong ngành vận chuyển hành khách. Trong khi Uber và Grab đang thách thức sự tồn tại của các hãng taxi truyền thống thì các nền tảng chia sẻ lại đang là mối quan ngại của các khách sạn.

Xu hướng kiếm tiền mới

Mọi thay đổi bắt đầu với gia đình chị Huyền ở phố Hàng Vôi (Hà Nội), vào một ngày cách đây ít tháng. Một người bạn của chồng chị đến chơi đã khuyên gia đình chị cải tạo lại hai căn phòng dư thừa trong nhà thành phòng nghỉ và cho khách du lịch thuê theo hình thức chia sẻ chỗ ở đang rất phổ biến ở nước ngoài.

“Lúc đó, một phòng chúng tôi cho một công ty du lịch thuê làm văn phòng, một phòng bỏ không. Chia sẻ chỗ ở với khách du lịch là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với chúng tôi trước đó và cũng không biết nó hoạt động thế nào”, chị Huyền nhớ lại và kể tiếp rằng, người bạn đó nói họ đang “bỏ phí” căn phòng đó.

Nhu cầu tìm kiếm các homestay đẹp, có dịch vụ tốt của du khách quốc tế tới Việt Nam đang tăng rất cao.

Nghe lời người bạn, vợ chồng chị cải tạo và trang trí lại hai căn phòng tiện nghi, đẹp hơn và đăng ký trên trang web chuyên cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở Luxstay.net. Tình cờ, thời điểm đó một người bạn của chị đã “like” trang Luxstay trên Facebook và chị biết được. Đây cũng chính là trang web chia sẻ chỗ ở đầu tiên chị liên hệ và cũng là trang web giúp chị đón những vị khách đầu tiên. Sau đó, chị đăng ký thêm cả trên Airbnb, nền tảng chia sẻ chỗ ở trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.

Đặt tên phòng là Hanoi Balcony, do các căn phòng đều có ban công hướng ra phố, tính cho tới nay, dù mới tham gia và cộng đồng chia sẻ chỗ ở vẫn còn non trẻ ở Việt Nam, nhưng lượng khách mà gia đình chị đón tiếp cũng khá đều. Khách tới ở thì rất đa dạng, đa số là khách du lịch tới từ châu Âu, nơi mà hình thức chia sẻ chỗ ở đã rất phát triển và khách du lịch cũng quen với hình thức đó thay vì ở khách sạn.

“Mỗi phòng chị cho thuê với giá 38 USD một đêm. Nếu so với việc cho công ty du lịch thuê làm văn phòng trước kia chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, chia sẻ chỗ ở kiểu này mang lại nguồn thu tốt hơn và cũng thấy vui hơn,” chị Huyền chia sẻ.

Với chị, dù chia sẻ chỗ ở chỉ là nghề tay trái, vì gia đình chị kinh doanh cửa hàng ăn uống và bán cà phê, nó cũng mang lại một nguồn thu nhập tốt giúp gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày.

Thực ra, những người mới nghe nói về hình thức chia sẻ chỗ ở với du khách như chị Huyền không phải là hiếm. Trên thế giới, trào lưu chia sẻ chỗ ở qua các trang web đã xuất hiện từ năm 2008 với sự ra đời của Airbnb, một hình thức giống như chia sẻ phương tiện đi lại kiểu Uber hay Grab. Nhưng ở Việt Nam, hình thức này mới xuất hiện hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, trào lưu chia sẻ chỗ ở để tăng thêm thu nhập đang lan rộng, đặc biệt ở những thành phố lớn thu hút đông khách du lịch như Hà Nội và TP.HCM.

Hiếu, một chàng trai sinh năm 1988 tại Hà Nội, cũng cảm nhận được rằng, chia sẻ chỗ ở sẽ là một hình thức kinh doanh mới phát triển như Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian ngắn tới. Là một nhân viên ngân hàng với mức thu nhập khá, nhưng Hiếu vẫn cùng hai người bạn nữa thuê ba căn phòng và chia sẻ lại trên các trang web như Luxstay và Airbnb để kiếm thêm thu nhập.

Cũng giống như Hiếu, Lê Tuyết Lan, một cô gái 26 tuổi ở Hà Nội cũng đã bắt đầu cải tạo lại căn hộ của bố mẹ ở một khu tập thể cũ thành một nơi ở đẹp đẽ và chia sẻ trên Airbnb nhằm tăng thêm thu nhập. Cả Hiếu và Lan đều cho rằng, chia sẻ chỗ ở đang là một trào lưu mới, mang lại cơ hội kinh doanh tốt hơn trong tương lai, với tỷ lệ kín phòng hàng tháng khoảng 80%, tương đương với mức kinh doanh tốt của các khách sạn. Thực tế, nguồn khách mà các trang chia sẻ chỗ ở trực tuyến mang lại cũng giúp họ tự tin về một viễn cảnh tươi sáng, trong khi không mất nhiều chi phí thuê nhân công và tiếp thị tìm khách.

“Em không phải lo nguồn khách, vì lượng khách đặt phòng qua các trang chia sẻ chỗ ở rất nhiều. Việc em cần làm chỉ là đảm bảo phòng nghỉ sạch đẹp để làm sao khách hài lòng nhất”, Hiếu cho hay.

Đối thủ mới của khách sạn

Dù mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015, chậm hơn so với sự thâm nhập của hình thức chia sẻ phương tiện đi lại là Uber và Grab, các trang web chia sẻ chỗ ở như Airbnb, HomeAway hay Luxstay đang định hình lại thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Việt Nam một cách nhanh chóng. Nếu như năm 2015 chỉ có khoảng 1.000 phòng cho thuê đăng ký trên hệ thống của Airbnb, thì tới năm 2017 con số này ước tính đã vào khoảng gần 7.000 phòng và được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng trong vài năm tới.

Sự bùng nổ của hình thức chia sẻ chỗ ở đã thu hút nhiều hộ gia đình có dư phòng ở hoặc dư căn hộ cho thuê tham gia, làm gia tăng số lượng phòng lưu trú dành cho khách du lịch ở những thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng. Với lợi thế là giá rẻ hơn, nơi ở riêng tư và mang lại trải nghiệm khám phá mới cho du khách được ở cùng với những người dân địa phương, hình thức chia sẻ chỗ ở đang đe dọa hoạt động kinh doanh của nhiều khách sạn.

Chỉ trong năm tới, Airbnb sẽ trở thành mối đe dọa với các hệ thống khách sạn, nhất là phân khúc tầm trung vì có cùng đối tượng khách hàng.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, nhận định rằng, chỉ trong năm tới, Airbnb sẽ trở thành mối đe dọa với các hệ thống khách sạn, nhất là phân khúc tầm trung vì có cùng đối tượng khách hàng.

“Nhu cầu tìm kiếm các homestay đẹp, có dịch vụ tốt của du khách quốc tế tới Việt Nam đang tăng rất cao, tuy nhiên các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở lại chưa hoạt động mạnh tại thị trường này”, ông Steven Nguyen, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc điều hành của Luxstay nhận xét, đồng thời nhấn mạnh đây chính là cơ hội lớn cho cả các công ty công nghệ lẫn người có nhà cho thuê tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch này tại Việt Nam.

Thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2016 Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. Con số này trong năm nay sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, vì chỉ trong 10 tháng đầu năm đã đón tới hơn 10,4 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam càng tăng, đồng nghĩa với việc nhu cầu tìm phòng lưu trú càng lớn. Và với xu hướng tìm phòng lưu trú thông qua các trang web cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở đang phát triển mạnh tại châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á, nhu cầu tìm kiếm homestay qua các trang mạng trực tuyến để có được trải nghiệm mới tại Việt Nam cũng tăng theo.

Nhìn thấy được nhu cầu đó, ông Steven cho biết, Luxstay đặt mục tiêu sẽ thu hút 1 triệu giao dịch đặt phòng và từ 20.000 - 30.000 chủ hộ đăng ký tham gia dịch vụ chia sẻ phòng trên trang web này trong vòng ba năm tới.

“Tiềm năng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ chỗ ở tại Việt Nam rất lớn. Nhu cầu đã có sẵn và nguồn cung phòng hoặc căn hộ cũng đã có sẵn nhờ sự phát triển của thị trường bất động sản” - ông Steven nói.

Ngọc Linh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp