Những nghịch lý về thế giới mạng

Tuy truyền thông trực tuyến (online media) và thế giới mạng phát triển như vũ bão tại Việt Nam (do mặt tích cực), nhưng nhiều người vẫn ngại, không dám tham gia (sợ mặt tiêu cực). Đó là một nghịch lý, phản ánh bản chất hai mặt của thế giới mạng.

Gần đây, khi tranh luận về dự luật an ninh mạng tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới, và nhấn mạnh rằng nhu cầu ứng dụng tiến bộ của công nghệ là một xu thế không thể cưỡng lại, vì vậy, “không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì” (theo Vietnamnet 13-11-2017).

Bức tranh toàn cảnh

Cuộc tranh luận nói trên không chỉ khẳng định tầm quan trọng sống còn của internet và thông tin điện tử, trước yêu cầu về an ninh mạng, mà còn phản ánh những nghịch lý về thế giới mạng. Đó là những vấn đề liên quan đến quyền tự do thông tin của người dân, cũng như yêu cầu đổi mới thể chế để phát triển đất nước của “Chính phủ kiến tạo”.

Theo các chuyên gia truyền thông, thế giới mạng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000, và từ 2007 phát triển thành trào lưu blogging (với “Yahoo! 360”). Khi blogging suy giảm do Nhà nước tăng cường kiểm soát, thì từ 2009 các mạng xã hội xuất hiện, như Facebook, Zing Me, Google Plus. Theo thống kê chính thức, trong vòng năm năm (2011-2015) cộng đồng Facebook tăng mạnh từ 1,4 đến 31,3 triệu người sử dụng (gấp 25 lần), mặc dù Nhà nước tăng cường kiểm soát internet và các trang mạng bằng Nghị định 97/2008/NĐ-CP và 72/2013/NĐ-CP.

Trong vòng năm năm (2011-2015) cộng đồng Facebook tăng mạnh từ 1,4 đến 31,3 triệu người sử dụng (gấp 25 lần).

Trong giai đoạn phát triển ban đầu của blogging, các chuyên gia cho rằng chỉ có hai nhóm là bloggers nhà nước và bloggers ngoài nhà nước, nhưng sau này có thêm một nhóm nữa là bloggers ẩn danh (anonymous). Từ năm 2012, các mạng xã hội và Facebook bắt đầu phát triển ồ ạt thành cộng đồng báo chí trực tuyến phi chính thống, đang cạnh tranh và từng bước “lấn sân” báo chí chính thống của Nhà nước.

Cách mạng truyền thông

Theo các chuyên gia, internet và thế giới mạng (blogosphere) tạo ra cách mạng truyền thông lần thứ hai tại Việt Nam, tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và báo chí. Cách mạng truyền thông lần thứ nhất diễn ra khi máy in xuất hiện và chữ quốc ngữ được phổ cập (vào đầu thế kỷ trước), tạo thành đòn bẩy và bệ phóng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, với “người man di hiện đại” (Nguyễn Văn Vĩnh).

Dù muốn hay không, có lẽ hầu như không có một thể chế chính trị nào có thể phủ nhận và ngăn chặn được trào lưu công nghệ này, đơn giản vì nếu muốn kiểm soát mà phải dẹp internet thì ta “không thể chơi được với ai?”. Quốc gia nào biết vận dụng thì sẽ thành công, nếu không biết vận dụng thì sẽ thất bại. Đó là một thực tế và một nghịch lý đang diễn ra và chưa dừng lại, với sự phát triển mới của cách mạng công nghệ 4.0 và thế giới “IoT”.

Nhưng còn một thực tế khác cũng không thể phủ nhận: internet và thế giới mạng luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực (như dương và âm). Đó là một sân chơi tự do gần như tuyệt đối, không thể bị kiểm soát như báo chí “chính thống”. Trên mạng xã hội, mọi người tự do ngôn luận, muốn nói gì thì nói mà không bị bịt miệng, thậm chí được tự do “ném đá”. Có lẽ vì vậy mà “ném đá” đang trở thành một hiện tượng phổ biến trên mạng.

Văn hóa ứng xử

Thế giới mạng gần giống như đường cao tốc (super-highway) nhưng không có cảnh sát giao thông điều hành, ai muốn đi thế nào tùy ý, nên dễ gây ra tai nạn. Nó phản ánh và phụ thuộc vào mặt bằng trí thức và văn hóa ứng xử của cộng đồng. Nếu các thành viên không có ý thức “tự kiểm duyệt” và văn hóa ứng xử, thì có thể trở thành hỗn loạn. Nhìn vào thế giới mạng của một quốc gia, người ta có thể hình dung được quốc gia đó đang ở đâu.

Tuy truyền thông trực tuyến (online media) và thế giới mạng phát triển như vũ bão tại Việt Nam (do mặt tích cực), nhưng nhiều người vẫn ngại, không dám tham gia (sợ mặt tiêu cực). Đó là một nghịch lý, phản ánh bản chất hai mặt của thế giới mạng. Vì nhà nước không thể dễ dàng kiểm soát, nên các thành viên của thế giới mạng càng phải có ý thức “tự kiểm duyệt” và trách nhiệm đóng góp để xây dựng cộng đồng mạng phát triển lành mạnh.

Điều đó chỉ có thể làm được trong một cộng đồng có mặt bằng trí thức và văn hóa ứng xử ngày càng cao. Nó ít phụ thuộc vào thể chế chính trị và cơ chế kiểm soát của Nhà nước, mà phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực nâng cao dân trí của cộng đồng. Muốn phát triển công nghệ cao, phải nâng cao mặt bằng dân trí. “High-tech” phải đi đôi với “High-touch”. Nếu ứng dụng công nghệ cao mà văn hóa ứng xử thấp như hiện nay, thì có thể phản tác dụng.

Con dao hai lưỡi

Nói cụ thể hơn, từ khi internet và thế giới mạng phát triển mạnh, thì nhiều người viết sách, viết báo để “tự xuất bản” (posting) trên mạng, mà không bị kiểm duyệt. Thế giới mạng đã tạo ra kênh thông tin mới không hạn chế, và cơ hội được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do sáng tạo. Điều đó sẽ có ích cho xã hội phát triển lành mạnh theo hướng xã hội công dân, nếu các thành viên mạng có ý thức trách nhiệm đóng góp xây dựng cộng đồng.

Muốn văn hóa ứng xử và ý thức “tự kiểm duyệt” trở thành luật chơi (bất thành văn) của thế giới mạng, thì cộng đồng mạng phải dựa vào dân trí (là chính). Nói đến dân trí là phải nói đến cả hai phía, người nói và người nghe, vì tính chất tương tác càng cao và tốc độ lan truyền thông tin càng nhanh, thì yêu cầu dân trí càng phải cao. Đây là cuộc đua tốc độ, buộc người chơi phải viết nhanh và phản hồi nhanh. Mũi tên bắn ra rồi không thể thu hồi lại.

Đây là cuộc đua tốc độ, buộc người chơi phải viết nhanh và phản hồi nhanh. Mũi tên bắn ra rồi không thể thu hồi lại.

Thế giới mạng là một con dao hai lưỡi rất sắc, tuy có thể cắt gọt được nhiều thứ, nhưng nếu người dùng không có ý thức và kỹ năng thì dễ bị đứt tay. Trong khi một số người nghĩ rằng họ có quyền tự do, tùy tiện “ném đá” trên mạng, thì những người khác thận trọng, thậm chí sợ vào mạng như sợ ra đường cao tốc dễ bị tai nạn. Hiện tượng “ném đá” trên mạng phản ánh dân trí thấp, như một số người dân trước đây hay ném đá các đoàn tàu hỏa.

Hiện tượng “ném đá”

Trong khi tự do tranh luận trên mạng là bình thường (nếu có văn hóa ứng xử), thì hiện tượng “ném đá” là một “đặc thù” của Việt Nam. Có người ví hiện tượng “ném đá” trên mạng hiện nay với hiện tượng “đấu tố” trước đây. Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều đó, nhưng hiện tượng trên phản ánh thái độ cực đoan của một số “quần chúng” bị ngộ nhận, muốn áp đặt sự “kiểm duyệt” của mình cho cộng đồng.

Trong khi những người góp ý một cách xây dựng thường công khai danh tính đàng hoàng, thì những người “ném đá” trên mạng thường nấp sau “nicks” (như ẩn trong bóng tối). Họ ngộ nhận và lạm dụng “tự do ngôn luận” trên mạng một cách tùy tiện như một thứ “độc quyền tự do” mà không đếm xỉa đến quyền tự do của người khác. Thậm chí một số còn tỏ ra thích thú với trò chơi “ném đá” bệnh hoạn, khi tấn công gây tổn thương người khác.

Ngoài nguyên nhân do mặt bằng dân trí và văn hóa ứng xử thấp, hiện tượng “ném đá” trên mạng còn do hệ quả của chủ nghĩa cực đoan. Những người cực đoan có thể “hồn nhiên” mạo danh “dân chủ” để chỉ trích người khác, trong khi họ chẳng đóng góp gì cho cộng đồng, nhưng lại cho mình quyền đứng ngoài cuộc (như vô can). Thế giới mạng của Việt Nam thật đầy nghịch lý.

An ninh mạng và đổi mới

Những nghịch lý về thế giới mạng không đáng ngạc nhiên, vì cuộc sống vốn đầy nghịch lý. Có lẽ đáng ngạc nhiên khi gần đây người ta đón tỉ phú Jack Ma (của Alibaba), ông vua mạng của Trung Quốc, một cách quá sùng bái. Hình ảnh một sinh viên quỳ gối khóc lạy Jack Ma không chỉ phản cảm, mà còn cảnh báo ngành giáo dục và văn hóa Việt Nam về văn hóa ứng xử. Những dự án “cải cách” như đào tạo 9.000 tiến sĩ, hay đề xuất thay đổi cách viết tiếng Việt (đang bị dư luận “ném đá”) cũng là biểu hiện của những nghịch lý nói trên.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là vấn đề rủi ro an ninh khi Việt Nam hợp tác với các tập đoàn viễn thông nước ngoài. Điều này cần được các chuyên gia hết sức quan tâm khi thảo luận dự luật an ninh mạng, vì vấn đề an ninh mạng đang trở thành điểm nóng đối với các quốc gia. Tập đoàn Huawei (Hòa Vĩ) và ZTE đã từng bị Mỹ coi là mối “đe dọa an ninh quốc gia” (năm 2012) và bị phạt 1,2 tỉ USD (New York Times, March 7, 2017).

Sự phát triển của thế giới mạng là con dao hai lưỡi, nếu không kiểm soát được những rủi ro an ninh cũng như yếu tố độc hại. Ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội cho thấy sự chuyển đổi đầy ấn tượng của thế giới mạng đã vượt qua giai đoạn “xé rào”, phát triển thành các nguồn thông tin độc lập, không qua kiểm duyệt. Không nên trông chờ vào sự kiểm soát của Nhà nước, mà phải dựa vào mặt bằng dân trí và văn hóa ứng xử của cộng đồng

Báo chí “phi chính thống” đã trưởng thành đáng kể, đang cạnh tranh và lấn sân báo chí “chính thống”. Về chất lượng thông tin, tuy trên mạng còn nhiều “tin phịa”, nhưng thông tin có chất lượng chuyên nghiệp ngày càng tăng. Thế giới mạng đang biến thành trận địa để các nhóm blogger tranh giành ảnh hưởng, vô hình trung tạo ra sân chơi trực tuyến cho tự do ngôn luận. Tuy nhiên, đổi mới vòng hai (2.0) đòi hỏi báo chí “phi chính thống” cũng như “chính thống” cần thu hẹp sự khác biệt để có tiếng nói chung mạnh hơn, vì lợi ích dân tộc.

Quang Dy Nguyễn
Nguồn Doanh Nhân+