Tiềm năng lớn từ lĩnh vực phục vụ người tiêu dùng

Môi trường vĩ mô thuận lợi, những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và việc nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của các công ty phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là các công ty đầu ngành.

Tháng 11-2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến hai giao dịch lớn, đó là sự kiện IPO của Vincom Retail thu hút hơn 700 triệu đô la Mỹ từ nhà đầu tư nước ngoài, và khoản đầu tư của Jardines vào Vinamilk mà tính đến ngày 16-11-2017 đã đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ, tương đương tỷ lệ sở hữu 8,9%. Trước đó, đợt IPO của VPBank và Vietjet Air cũng đã thu hút được vài trăm triệu đô la Mỹ từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy các doanh nghiệp nêu trên hoạt động trong những ngành nghề khác nhau nhưng họ có điểm chung là trực tiếp phục vụ người tiêu dùng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng và hưởng lợi từ sự cải thiện thu nhập của người tiêu dùng.

Môi trường vĩ mô thuận lợi, những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và việc nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của các công ty phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là các công ty đầu ngành.

Tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh

Các yếu tố vĩ mô cho thấy tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ 15 trên thế giới với hơn 92 triệu người, là một thị trường tiêu dùng lớn. Hơn nữa, Việt Nam đang trải qua thời kỳ dân số vàng với khoảng 50% dưới 31 tuổi, số người trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% tổng dân số. Việt Nam đã cho thấy mình là một nền kinh tế được dẫn dắt bởi tiêu dùng, khi tiêu dùng chiếm tới hơn 70% GDP.

Đáng chú ý là trong nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất, trong thập kỷ từ 2007 đến 2016, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP/đầu người hàng năm cao thứ tư, ở mức 10%/năm và hệ quả là tổng sức tiêu dùng đang tăng nhanh chóng. Tuy vậy, GDP/đầu người của Việt Nam chỉ đang xếp thứ chín trong 15 quốc gia này, cho thấy tiềm năng để tăng trưởng còn rất lớn.

Tầng lớp trung lưu - thu nhập cao đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Dự đoán, năm 2016 có hơn 19 triệu người Việt Nam (chiếm 21% dân số) nằm trong nhóm thu nhập này.

Thứ hai, tầng lớp trung lưu - thu nhập cao đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Theo Euromonitor và Boston Consulting Group, năm 2016 có hơn 19 triệu người Việt Nam (chiếm 21% dân số) nằm trong nhóm thu nhập này. Tới năm 2020, con số được dự báo sẽ đạt 33 triệu người (chiếm 34% dân số). Như vậy, chỉ trong vòng bốn năm, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ mở rộng tới hơn 70%. Điều này không những kích thích tiêu dùng nói chung mà còn mở ra những cơ hội tăng trưởng mới cho các công ty phục vụ người tiêu dùng nhờ sự nổi lên của các hành vi tiêu dùng mới.

Thứ ba, nhu cầu cho hàng thiết yếu vẫn còn rộng lớn ở khu vực nông thôn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp hàng thiết yếu có khả năng xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và hiệu quả đến khu vực nông thôn. Nông thôn chiếm hai phần ba dân số Việt Nam nhưng chỉ chiếm khoảng 54% tổng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Mặc dù vậy, trong các năm qua, chi tiêu cho FMCG tại khu vực nông thôn đều tăng trưởng nhanh hơn so với khu vực thành thị. Điều này là do mức tiêu thụ FMCG/đầu người tại nông thôn còn thấp hơn nhiều so với thành thị, trong khi thu nhập của người dân khu vực nông thôn đang được hỗ trợ bởi sự hình thành của các cụm công nghiệp và làn sóng đầu tư sản xuất từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này không những giúp nhiều người dân có việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần ổn định cuộc sống cho nhóm cho đối tượng chuyển từ làm nông nghiệp qua công nghiệp.

Thứ tư, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang ở mức cao, kích thích chi tiêu. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thống kê đã liên tục tăng kể từ năm 2012, đạt 117 điểm vào quí 2-2017. Đây là mức cao kỷ lục của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là một trong năm nước cao nhất trên thế giới về chỉ số này. Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang được củng cố bởi sự lạc quan của họ về triển vọng tài chính cá nhân trong tương lai (nghề nghiệp, thu nhập). Điều này đang kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn trong ngắn hạn.

Sự khan hiếm cơ hội đầu tư quy mô lớn cho nhà đầu tư nước ngoài

Tình hình vĩ mô khả quan cùng với sự đi lên mạnh mẽ của chỉ số VN-Index từ năm 2013 đến nay khiến nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn. Sức thu hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên một cấp độ mới vào quí 3-2016 khi Vinamilk lần đầu tiên được thêm vào rổ MSCI Frontier Markets Index sau khi công ty này nới room khối ngoại lên 100% vào tháng 7-2016. Tính đến 31-10-2017, Việt Nam là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong MSCI Frontier Markets Index (gần 11%) trong khi Vinamilk chiếm tỷ trọng lớn thứ năm (4%) trong toàn bộ các cổ phiếu.

Tiêu dùng nội địa dĩ nhiên là một trong những câu chuyện được nhà đầu tư quan tâm nhất. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư lớn, ví dụ mỗi khoản đầu tư cần quy mô ít nhất từ 30-50 triệu đô la Mỹ, việc xác lập một vị thế đầu tư là điều không dễ dàng, vì: (1) không có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành này đang niêm yết trên sàn chứng khoán; (2) một vài doanh nghiệp lớn vẫn đang bị hạn chế về việc nâng trần sở hữu khối ngoại (FOL); và (3) một vài doanh nghiệp lớn khác gặp vấn đề về tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do (free-float) thấp cùng với mức độ công bố thông tin và tiếp cận doanh nghiệp còn hạn chế. Điều này lý giải một phần tại sao những đợt IPO trong thời gian qua của các doanh nghiệp lớn đầu ngành rộng mở về mặt tiếp cận doanh nghiệp đối với nhà đầu tư đã rất thành công.

Anh Huy
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn