Người sáng lập Grab: Con đường cô đơn, nhiều người thấy điên rồ

Người sáng lập Grab: Con đường cô đơn, nhiều người thấy điên rồ

"Hai cụm từ có thể mô tả cách tôi và Anthony làm việc cùng nhau: Lòng tin và sự tôn trọng. Chúng tôi phân chia công việc theo kiểu chia và trị", nữ đồng sáng lập 8X của Grab nói.

Trong bộ áo thun, quần jean, giày sneakers, và mặt mộc, Hooi Ling Tan xuất hiện trong cuộc hẹn với chúng tôi một sáng cuối tháng 11 tại TP.HCM. Nếu không giới thiệu trước, bạn khó hình dung cô gái mảnh dẻ trước mặt mình là đồng sáng lập của công ty công nghệ trị giá vài tỷ USD của Đông Nam Á.

Cô nhiều lần dùng từ “điên rồ” để nói về hành trình của mình tại Grab. “Ai có thể nghĩ công ty khởi nghiệp ở khu vực này có thể ở vị trí hôm nay, là người chơi quan trọng trong cuộc đua công nghệ ở Đông Nam Á chứ”, cô tâm sự.

Hooi Ling Tan cho biết chính gia đình phản đối gay gắt khi cô vứt bỏ công việc mơ ước ở một công ty tư vấn quốc tế để khởi nghiệp, cùng vài người chen chúc trong một nhà kho nhỏ ở Malaysia. Đó là chưa kể cô và các bạn lại muốn cải thiện an toàn của ngành taxi nước này, vốn nổi tiếng vì dịch vụ tệ và mất an toàn nhất thế giới.

"Họ càm ràm mỗi ngày. Dần dà, họ hiểu ra và chuyển qua ủng hộ bằng sự im lặng. Bạn của mẹ tôi ban đầu chỉ trích, sau này còn gửi hồ sơ của con trai cô ấy, với mong muốn kiếm việc cho cậu", Hooi Ling nói.

Cùng với Anthony Tan, cô đã tạo nên Grab, đưa doanh nghiệp này hoạt động ở 7 quốc gia, với 140 thành phố ở Đông Nam Á.

* Tờ Financial Times từng nhận định Grab là câu trả lời của Đông Nam Á cho Uber. Chị nghĩ thế nào về nhận định này?

Chúng tôi không so sánh mình với các đối thủ. Điều chúng tôi muốn làm là tìm lời giải cho một vấn đề bức thiết nhất của khách hàng địa phương.

Ở Đông Nam Á, chúng tôi bắt đầu với taxi, với vấn đề an toàn, điều mà không ai khác ở Mỹ, châu Âu, Australia có thể hiểu.

Chúng tôi có những sản phẩm được địa phương hóa mạnh như GrabBike, xuất phát tại Việt Nam và rất thành công, sau đó đã mở rộng ra các thị trường khác.

Hơn một năm trở lại đây, chúng tôi không dừng lại ở một ứng dụng vận chuyển, tham vọng mở ra thị trường thanh toán...

Nói chung, chúng tôi luôn muốn xử lý vấn đề lớn của quốc gia mà chúng tôi có mặt, từ an toàn, lựa chọn cho người dân, tài xế, vấn đề tắc đường, và thanh toán.

* Grab đang phình to rất nhanh. Làm sao để chị và Anthony đảm bảo một hệ thống vững chắc, tránh dễ tổn thương dẫn tới sụp đổ?

Khi tăng trưởng tốt, tôi nghĩ chúng tôi lại có nguồn lực tốt hơn để vững chắc hơn, vì chúng tôi có thêm cơ hội để chấp nhận rủi ro, thực hiện các phép thử, đạt được kết quả tốt hơn.

Khi tăng trưởng nhanh, chúng tôi xác định xây dựng cấu trúc linh hoạt, dễ điều chỉnh, thích nghi. Cấu trúc của Grab năm đầu tiên và bây giờ rất khác nhau. Anthony và tôi luôn dẫn dắt để thích nghi tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thành công quá khứ không phải điều đảm bảo cho thì tương lai. Quan trọng là chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo và làm điều tốt nhất cho khách hàng của mình.

* Tại Việt Nam, chúng tôi chứng kiến những sự cố, thậm chí bạo lực xảy ra giữa Grab với khách hàng, với đối thủ cạnh tranh như các tài xế taxi truyền thống, xe ôm… Khi đội ngũ của Grab lớn rất nhanh, làm sao để chị đảm bảo họ vẫn tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc mà mình đặt ra?

Chúng tôi đào tạo liên tục, đảm bảo khi họ tham gia hệ thống tuân thủ các nguyên tắc. Chúng tôi kiên định với việc này, và luôn nhắc nhở nhau.

Chúng tôi biết rằng những sai sót có thể xảy ra. Một số sai sót có thể tha thứ và cần hỗ trợ nhau để vượt qua. Một số khác thì không thể dung thứ, và khi đó chúng tôi buộc phải nói cảm ơn và chia tay, bởi anh không phù hợp với nền tảng của chúng tôi.

* Chị nói về Grab với tư cách một doanh nghiệp địa phương ở Đông Nam Á nhưng với người Việt Nam, Grab là một doanh nghiệp nước ngoài khác đang thâm nhập thị trường này. Có khá nhiều những phản ứng của doanh nghiệp trong nước về việc này, chị nghĩ sao?

Với chúng tôi khách hàng là quan trọng nhất, bởi suy cho đến cùng, chúng tôi phục vụ họ chứ không phải ai khác.

Nếu ai đó làm điều gì hay ho, sáng tạo, chúng tôi sẽ học hỏi. Nhưng điều chúng tôi quan tâm là cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Đôi khi chúng tôi bị cản trở không thực hiện được vì không đủ nhân viên, đối tác để triển khai ở một thời điểm nào đó. Và đó là cách chúng tôi xây dựng lộ trình của việc tiếp theo phải làm.

* Một số người nói rằng Grab, Uber là lý do làm phá vỡ quy hoạch giao thông, gây áp lực lên tình trạng kẹt xe ở các đô thị Việt Nam?

Mục tiêu của chúng tôi là hạn chế tối đa xe nhàn rỗi, chạy rỗng trên đường. Tại Việt Nam, chúng tôi giúp tỷ lệ xe có khách lên tới 70-90%. Hệ thống dữ liệu cho phép dự báo và tư vấn cho tài xế khu vực nào có nhu cầu cao trong khung giờ cụ thể, để họ tối đa hóa việc khai thác xe.

Chúng tôi giúp giảm thời gian di chuyển cho người sử dụng dịch vụ của chúng tôi tới 51% nếu so với phương tiện công cộng.

* Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển ứng dụng, thậm chí hãng taxi còn tham gia chạy xe ôm, với áp lực mà Grab và các ứng dụng tương tự tạo ra khi tham gia thị trường. Bình luận của chị?

Nhiều người muốn làm điều tương tự khi nhìn vào thành công của chúng tôi. Điều đó suy đến cùng có lợi cho khách hàng vì họ có thêm lựa chọn. Đó là sự phát triển tự nhiên của bất kỳ ngành nào. Và có cạnh tranh sẽ là điều tốt nhất cho thị trường.

* Nền kinh tế chia sẻ vẫn còn rất mới, và chính phủ nhiều nước vẫn tranh cãi về hành lang pháp lý cho nó. Chị nghĩ sao?

Đó là điều khiến ngành này thú vị và có rất nhiều tiềm năng để cải thiện cuộc sống. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam đã có cách tiếp cận cởi mở về vấn đề này, khi các bạn cho thử nghiệm ứng dụng. Điều đó cho thấy Việt Nam nhận ra giá trị và sẵn sàng thử nghiệm, tìm đối tác đáng tin cậy để bắt đầu. Nếu các Chính phủ đều có cách tiếp cận này thì chúng tôi có thể hỗ trợ cho cuộc sống của người dân.

* Sau 2 năm thử nghiệm tại Việt Nam, nhiều người, kể cả đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về việc có nên tiếp tục, khi Grab công bố lỗ lớn trong khi vẫn rót số tiền khổng lồ để đầu tư?

Tôi hiểu tại sao có những người vẫn nêu câu hỏi này. Bởi như bạn nói, kinh tế chia sẻ còn rất mới, cách tiếp cận và vận hành nền kinh tế này mới. Nhiều người nhìn vào sẽ thấy việc chúng tôi làm là điên rồ. Grab đạt độ phủ như hiện nay bởi chúng tôi muốn tạo nền tảng đủ lớn để phục vụ tất cả, và chúng tôi bắt đầu đạt được quy mô cần thiết này.

Chúng tôi cần mở rộng quy mô, và không ai làm được nếu không có các đầu tư ban đầu lớn. Nó là việc bình thường.

Khi thâm nhập một thị trường mới, chúng tôi biết rằng đó phải là đầu tư dài hạn. Lợi ích ngắn hạn không phải điều Anthony và tôi mong muốn.

Grab đầu tư mạnh ở mọi nơi trong những năm đầu, và chúng tôi vẫn đang giai đoạn tăng trưởng và vẫn rót vốn lớn. Tại Việt Nam, năm 2017 chúng tôi đã đóng thuế khá lớn, bởi bắt đầu có lợi ích kinh tế từ các khoản đầu tư này.

* Khi bắt đầu Grab, thách thức lớn nhất của chị và người đồng sáng lập Anthony?

Có quá nhiều rủi ro: tài chính và cá nhân. Bởi cứ 7 startup ra đời, chỉ một tồn tại. Nhiều người không biết hết rủi ro, người khác tự nhủ mình sẽ là người may mắn sống sót, còn tôi thì xác định rõ mình chấp nhận rủi ro này.

* Có người mô tả Anthony là hoàng tử từ bỏ ngai vàng của đế chế ôtô tại Malaysia để lập nghiệp của riêng mình. Còn hành trình của chị tại startup này ra sao?

Tôi không nghĩ việc mô tả về Anthony như vậy là đúng. Anh ấy không phải là hoàng tử.

Hành trình của chúng tôi đến Grab khá giống nhau. Cả 2 rút cuộc đều theo kiểu cái gì đến sẽ đến, dẫn dắt bởi sự tình cờ để xây dựng nên công ty.

Grab không được thành hình từ việc chúng tôi thiết kế và lên kế hoạch nó theo cách hiện nay. Chúng tôi có ý tưởng, và biết đó là việc quan trọng, chúng tôi muốn làm nó, và biết mình nên tự làm, bởi không ai có sẵn niềm đam mê như vậy.

Chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực vào dự án này khi Anthony đang quản lý doanh nghiệp gia đình còn tôi thì làm công việc tư vấn.

Tôi rất nhanh chóng nhận ra rằng việc này vô cùng quan trọng, và phải rời bỏ cuộc sống trước đó. Nhiều người đã cười nhạo chúng tôi. Mà không chỉ 2 chúng tôi, cả nhóm những người chúng tôi thuyết phục để đi cùng mình, để tiếp tục mục tiêu điên rồ này.

* Đã bao giờ chị hối hận vì quyết định?

Hối hận không phải là cách tôi nhìn bất kỳ vấn đề nào. Tôi luôn cho rằng bạn cần đưa ra quyết định tốt nhất vào thời điểm đó, với các thông tin mà bạn có được.

Một năm sau, có thể những thông tin bạn biết thay đổi, và rất có thể bạn quyết định khác đi nếu biết thông tin đó sớm hơn. Nhưng bạn không biết vào thời điểm ra quyết định, sao phải nghĩ về nó? Hãy tập trung nghĩ về tương lai, về việc bạn làm hôm nay. Đó là điều giúp bạn tiến lên phía trước, hoàn thành các mục tiêu.

* Khi nói về Grab, nhiều người vẫn gọi chị và người đồng sáng lập là cặp Mr & Ms. Tan, với nhầm tưởng về mối quan hệ trong gia đình?

Có vụ hiểu nhầm như vậy thật, vì chúng tôi có chung họ.

Thực ra, chúng tôi gặp nhau lần đầu ở trường Quản trị kinh doanh Harvard, Mỹ. Ngay cả khi đó, tôi cũng chỉ biết Anthony vào năm 2, khi chúng tôi học chung môn tự chọn, ngồi cạnh nhau, và cùng thảo luận về các vấn đề mình quan tâm, và nó dẫn đến ý tưởng về Myteski (tiền thân của Grab - PV).

Chúng tôi cùng chung đam mê về việc muốn đáp trả lại vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên, giải quyết vấn đề xã hội, không phải chỉ giải quyết vấn đề của 1% người giàu.

Dù rất khác nhau: cách nghĩ, cách quản lý, cách triển khai công việc, nhưng chúng tôi chung tầm nhìn và mục tiêu nên cùng tạo nên Grab.

* Cụ thể hai người khác nhau thế nào?

Tôi thường thích lùi lại phía sau với đội của mình.

Tôi thích thực sự làm việc cùng với nhóm, còn làm việc với đối tác, nhất là đối tác bên ngoài, báo chí, thường Anthony thực hiện vai này rất tuyệt. Tôi ước anh ấy tiếp tục làm việc này, để tôi không phải chụp ảnh và trả lời báo chí thế này... (cười).

Ngay cả cách lãnh đạo nhóm, chúng tôi cũng rất khác nhau. Anthony là người luôn nhìn thấy bức tranh lớn, với tầm nhìn và chiến lược rõ cho sự phát triển của Grab. Trong khi đó, tôi thì lại tập trung vào việc vận hành cụ thể nhiều hơn, để hiện thực hóa tầm nhìn ấy.

Tuy nhiên, chúng tôi giống nhau ở chỗ cùng chung đam mê mạnh mẽ, muốn tuyển những người không chỉ có năng lực làm điều tuyệt vời, thay đổi khu vực Đông Nam Á này, mà còn muốn người làm điều đó vì lý do chính đáng, cùng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi.

* Vậy chị và Anthony phân chia công việc như thế nào? Chị mô tả như nào về mối quan hệ của 2 người?

Có 2 từ có thể mô tả cách tôi và Anthony làm việc cùng nhau: Lòng tin và sự tôn trọng. Nhờ đó, cách chúng tôi phân chia công việc theo kiểu chia và trị. Nhiều việc Anthony quản lý, tôi không nắm chi tiết, bởi tôi tin tưởng vào anh ấy. Ngược lại, nhiều việc tôi quản lý, anh ấy chỉ can dự khi chúng tôi cần ra quyết định cùng nhau.

Thực ra chúng tôi cố gắng hoán đổi trách nhiệm công việc cho nhau thường xuyên hết mức có thể.

Grab đã trở thành doanh nghiệp lớn và phức tạp, vì thế cần cách tiếp cận quản lý, và kỹ năng khác trước. Nếu không tự mình tiếp xúc với những bộ phận khác nhau của Grab, chúng tôi sẽ mất đi khả năng để hiểu doanh nghiệp mình.

Thời điểm này, Anthony chịu trách nhiệm liên quan đến mảng công nghệ và các hoạt động ở các quốc gia: như phân tích sản phẩm, phát triển trang quản lý dữ liệu. Trong khi đó, tôi phụ trách mảng hỗ trợ cho hoạt động khu vực, liên quan nhiều hơn đến con người, và vận hành nhân sự, văn hóa, thiết kế, chiến lược phát triển cũng như thiết kế hệ thống vận hành để đạt mục tiêu đó.

* Chị và Anthony có xuất phát điểm khác nhau: một người là thừa kế của tập đoàn lớn, còn người kia là một nhà tư vấn. Điều đó có phải là thách thức?

Khác nhau giúp chúng tôi bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, khi mỗi người có thế mạnh và điểm yếu riêng.

Đó cũng là lý do tôi muốn tuyển dụng rất đa dạng về văn hóa, với kỹ năng, kiến thức khác nhau, bởi chúng tôi muốn phản ánh đầy đủ khách hàng của mình.

* Đã bao giờ chị và Anthony căng thẳng, đấu tranh đến mức chị muốn rời?

Căng thẳng thì không, nhưng chúng tôi thường xuyên bất đồng, và tôi mừng vì điều đó. Cách nghĩ, cách quản lý, cách làm việc khác nhau là điều đáng trân trọng vì khi đó chúng tôi có được giải pháp tốt nhất. Chúng tôi luôn khuyến khích nhau nghĩ khác đi.

Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu, và đam mê tôi nghĩ là có một không ai. Vì thế, chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong tranh luận.

* Chị có ý định lập doanh nghiệp của riêng mình?

Không, vì Grab có quá nhiều việc. Ngay cả khi có ý tưởng khác, tôi cũng không bao giờ muốn làm một mình. Đó là hành trình cô đơn, và khi có đối tác, người cùng chia sẻ và hiểu quá trình đó sẽ là vô giá.

* Chị và Anthony đã có kế hoạch IPO cho Grab?

Trước mắt là chưa. Chúng tôi may mắn có nhiều nhà đầu tư tiếp tục rót tiền, hỗ trợ sự tăng trưởng dài hạn mà chúng tôi mong muốn.

Grab

Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber. Mặc dù ban đầu hoạt động với xe ôtô giống Uber tại Malaysia và Singapore, để phù hợp với tình trạng kẹt xe ở nhiều thành phố, Grab đã triển khai thêm dịch vụ GrabBike với phương tiện là xe gắn máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Bạn có biết: TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên Grab triển khai thử nghiệm dịch vụ GrabBike vào tháng 11/2014

  • Thành lập: 2012
  • Người sáng lập: Anthony Tan, Tan Hooi Ling
  • Trụ sở chính: Singapore

Đồ họa: Lê Nhân

Phương Loan
Nguồn Zing News