Giá nào cho Sabeco?

Thị giá trên sàn của Sabeco càng tăng mạnh, khả năng thành công của thương vụ bán vốn nhà nước tại Tổng công ty bia này sẽ càng thấp.

Hai đợt bán phần vốn tại Vinamilk của SCIC đã mang lại gần 1 tỷ USD, gia tăng giá trị đồng vốn của Nhà nước hơn 2.500 tỷ đồng so với giá giao dịch, đã mang lại kỳ vọng cho thị trường về các đợt thoái vốn tiếp theo tại các Tổng công ty lớn như Sabeco, Habeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Vinaconex...

Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi thị trường trở nên quá hưng phấn với câu chuyện thoái vốn thì việc giá cổ phiếu tăng ồ ạt lại bất ngờ trở thành rào cản cho các đợt bán vốn thành công.

Bộ Công Thương đang trong giai đoạn nước rút chào bán cổ phiếu Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HOSE: SAB) với mục tiêu hoàn tất trong tháng 12. Phương án thoái vốn tại Sabeco sẽ được triển khai theo phương thức tương tự như Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn Vinamilk tức là chào bán cạnh tranh và theo giá thị trường. Tuy nhiên tỷ lệ thoái vốn, mức giá khởi điểm cũng như các chi tiết thoái vốn cụ thể vẫn chưa được tiết lộ mà phải chờ đến 29/11.

Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu SAB đang giao dịch ở mức giá 309.000 đồng/cp, tăng hơn 50% so với đầu năm. Qua đó, SAB đã trở thành cổ phiếu duy nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hiện tại có mức giá trên 300.000 đồng/cp, mức cao nhất mà một cổ phiếu có thể đạt được trong vòng 10 năm trở lại đây. Với 614,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SAB đã đạt mức vốn hóa 198 nghìn tỷ đồng, trở thành cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất thị trường hiện nay.

Tương quan PE của Sabeco so với các hãng bia trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là với mức giá trên 300.000 đồng/cp, nhà đầu tư chiến lược nào sẽ sẵn sàng tham gia mua cổ phần Sabeco do Bộ Công thương đang sở hữu?

Các nhà đầu tư quốc tế đều có chung một nhận định là giá cổ phiếu Sabeco đang quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk. Giám đốc Tài chính Hui Choon Kit của Công ty thực phẩm Fraser and Neave nhận định: “Giá Sabeco vượt xa giá trị hợp lý, chỉ dựa trên báo cáo tình chính công khai, mức này có vẻ vượt trên mức chuẩn toàn cầu”.

Ông Hui vẫn khẳng định Sabeco là một tài sản hấp dẫn khi là nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị trường bia trị giá 6,5 tỷ USD, tuy nhiên phải là mức giá hợp lý. Đồng thời, ông nhận xét thêm cổ phiếu Vinamilk là thước đo hợp lý để so sánh với Sabeco vì cả hai đều là cổ phiếu của công ty đầu ngành.

Cùng quan điểm, khi mức giá cổ phiếu SAB chưa vượt qua mốc 300.000 đồng/cp, Nhà bán lẻ nước giải khát, bia rượu hàng đầu Nhật Bản – Asahi Group Holdings đã đưa ra nhận định trên Bloomberg rằng cổ phiếu SAB bị định giá quá cao. Ông Akiyoshi Koji - Chủ tịch kiêm CEO hãng bia này nhận xét: “Định giá Sabeco hiện quá cao và không hề có dấu hiệu suy giảm. So với giao dịch của hãng ở châu Âu thì Sabeco có giá quá cao”.

Trong danh sách các nhà đầu tư "để mắt" tới Sabeco, Kirin Holdings của Nhật Bản, một tập đoàn có tổng tài sản 21,3 tỷ USD trong lĩnh vựcthực phẩm, đồ uống, dược phẩm và sinh hóa của Nhật Bản mong muốn đầu tư chiến lược dài hạn vào Sabeco để đưa Sabeco lớn mạnh hơn nữa, lưu giữ được thương hiệu địa phương. Tại Việt Nam, Kirin đã hợp tác với Interfood cùng phát triển nhãn hiệu Wonderfarm, từ nhãn hiệu này đã phát triển nhiều dòng sản phẩm phong phú. Với ngành bia, rượu của Việt Nam, Kirin đã hỗ trợ Habeco và Sabeco đưa cán bộ sang Nhật Bản tập huấn về xử lý nước thải và giảm chi phí sản xuất.

Cơ hội nào cho Sabeco?

Theo báo cáo của FPTS, Sabeco là hãng bia có tổng công suất cao nhất, đạt 1,8 tỷ lít bia/năm với 23 nhà máy bia trải dài trên khắp cả nước. Với mức độ phủ sóng của các nhà máy tại cả Bắc, Trung và Nam, Sabeco dễ dàng tiếp cận với các đối tượng khách hàng trên mọi khu vực địa lý, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho Sabeco so với các hàng bia khác.

Tính đến quý III, Sabeco có EPS 4 quý gần nhất chỉ khoảng 6.737 đồng, mức P/E tương ứng là 46,1 lần và giá trị sổ sách 24.793 đồng/cp.

Về tốc độ tăng trưởng, trong 4 năm gần đây Sabeco duy trì tốc độ ổn định, năm 2016 doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt tăng 12,6% và 31,3% so với năm 2015. Tuy nhiên, đơn vị đang có dấu hiệu chậm lại, 9 tháng năm 2017, doanh thu tăng 9% và lãi sau thuế tăng khoảng 1,6%. Riêng quý III thì doanh thu vẫn tăng gần 15% nhưng lợi nhuận ròng đã quay đầu giảm 9,5%.

Ngoài ra, với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, Sabeco vẫn được hưởng lợi khi ngành bia Việt Nam được đánh giá khả quan nhờ các yếu tố: (i) sản lượng tiêu thụ bia trên đầu người hiện nay là 42 lít/người và vẫn trên đà tăng trưởng, chỉ bằng một nửa so với mức tiêu thụ trung bình của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới là 88.33 lít/người. (ii) Dân số Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số trẻ, khi có khoảng 61.7% số người ở độ tuổi 20-64 - độ tuổi tiêu thụ bia nhiều nhất, cùng với khoảng 8.3% người trong độ tuổi 15-19 sẽ là khách hàng tiềm năng sau này.

Nguồn: FPTS.

Theo số liệu của FPTS, về sức tiêu thụ, trong các năm gần đây, thị trường bia Việt Nam luôn lọt vào danh sách các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Kirin Holdings, Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,8 tỷ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2009-2015, tổng lượng tiêu thụ và mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam đều tăng.

Theo FPTS, đầu tư vào ngành bia tại Việt Nam không hẳn là không có rủi ro. Chi phí nguyên vật liệu chiếm 70-80% giá vốn khiến biên lợi nhuận của ngành bia trở nên vô cùng nhạy cảm với giá nguyên vật liệu; các doanh nghiệp bia phải chi ngày càng nhiều cho quảng cáo để tăng mức cạnh tranh, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 60% trong năm 2017 và 65% trong năm 2018 sẽ khiến cho doanh thu và biên lợi nhuận của ngành bia trong những năm sắp tới bị ảnh hưởng; sự cạnh tranh của các hãng bia ngoại như Heineken, Carlsberg, Sapporo, AB-Inbev, gây khó khăn cho các doanh nghiệp bia nội trong việc gia nhập và mở rộng thị phần tại phân khúc cao cấp...

Nguồn: FPTS.

Là đơn vị đầu ngành nắm 40% thị phần bia nội địa, Sabeco rõ ràng là con mồi béo bở cho những hãng bia lớn trên thế giới muốn gia nhập thị trường Việt Nam qua con đường ngắn nhất M&A, tuy nhiên giá thế nào và khối lượng chào bán ra sao để hấp dẫn luôn là điều quan trọng. Việc bị đánh giá là thị giá vượt quá cao cùng tốc độ tăng trưởng chậm lại là điểm trừ cho Sabeco trong khi Bộ Công Thương không thểbán giá thấp hơn giá thị trường.

Nhắc lại rằng, trước khi đạt được thành công vang dội trong đợt bán đấu giá 3.3% vốn đầu tháng 11 thì trong đợt đấu giá đầu tiên, Vinamilk cũng đã ế ẩm đến 40% khi SCIC công bố bán 130,63 triệu cp, tương ứng với 9% vốn VNM thời điểm cuối năm 2016. Dù thời điểm lúc bấy giờ và cho đến hiện nay, thị giá của VNM luôn được thị trường đánh giá là hợp lý.

Hơn nữa, hiện nay, không chỉ Bộ Công Thương mà SCIC, Bộ Xây dựng cũng đang chào bán ra thị trường hàng loạt cổ phiếu chất lượng như FPT, VCG, BMP, DMC, DIG.

Song cũng nhìn từ trường hợp thành công của Vinamilk trong đợt đấu giá mới đây mà nhận ra một điều rằng dù nhà đầu tư này đánh giá thấp nhưng vẫn có nhà đầu tư khác cho đó là món hời. Suy nghĩ tương tự khi đặt lên trường hợp Sabeco cũng không phải là không hợp lý và thị trường vẫn có cái để kỳ vọng.

Ngọc Điểm
Nguồn Người đồng hành