Thị trường thương mại điện tử toàn cầu tăng trưởng 30%

Kantar Worldpanel vừa công bố Báo cáo Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Theo đó, thị trường thương mại điện tử toàn cầu tăng trưởng 30%, đạt 4,6% doanh thu của ngành thông qua thương mại điện tử.

Doanh thu hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử đạt 0,5% thị phần tại Việt Nam, tăng trưởng vượt trội 69% so với năm ngoái.

  • Tăng trưởng thương mại điện tử vượt xa tăng trưởng chung của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2017
  • Doanh thu bán hàng trực tuyến hiện đóng góp đến 36% mức tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh của toàn cầu
  • Dự báo năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh
  • Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử
  • Thương mại điện tử Việt Nam, mặc dù vẫn còn quy mô nhỏ nhưng là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh nhất trên toàn cầu

Báo cáo cho biết doanh thu hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử đã tăng 30% trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2017.

[Download báo cáo tại đây]

Nghiên cứu cho thấy thương mại điện tử hiện chiếm 4,6% tổng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu. Trong khi kênh thương mại điện tử đang phát triển vượt trội thì ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung đang khá ảm đạm, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại điện tử hiện đóng góp tới 36% mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu và sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với mô hình bán lẻ truyền thống. “Các dự báo của chúng tôi cho thấy vào năm 2025, thị trường hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử sẽ trở thành thị trường trị giá 170 tỷ đô và nắm giữ 10% thị phần”, ông Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và các Kênh bán lẻ của Kantar Worldpanel cho biết.

Tiêu điểm toàn cầu

Về tăng trưởng giá trị tuyệt đối, 6 nước đóng góp nhiều nhất đều là các nước có sức mạnh kinh tế hàng đầu, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước có kết quả tăng trưởng tốt tiếp theo là Hàn Quốc, Anh, Nhật và Pháp. Năm ngoái, tăng trưởng về giá trị đạt 52% ở Trung Quốc, 41% ở Hàn Quốc, 8% ở Anh, 7% ở Pháp, 5% ở Mỹ và Nhật.

Tuy nhiên, thị trường hàng hóa thông qua thương mại điện tử cũng đang mở rộng sang các thị trường mới. Điển hình là Thái Lan (+104%), Malaysia (+88%) và Việt Nam (+69%), nơi mà thương mại điện tử chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng đã ghi nhận những mức tăng trưởng đáng kể.

% Thị phần của ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử ở mỗi thị trường (không bao gồm Thực phẩm tươi sống).

Ở Việt Nam, kênh thương mại điện tử, phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Internet và sự gia tăng lượng người sở hữu điện thoại thông minh cùng với đó là sự đầu tư mạnh tay của các nhà bán lẻ chính, hiện nay chiếm 0,5% trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thành thị 4 thành phố lớn của Việt Nam. Tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tổng dân số của thành thị 4 thành phố chính chỉ trong vòng một năm qua, và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.

Ông David Anjoubault - Tổng Giám đốc của Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định: “Mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng lại có tiềm năng rất lớn bởi vì tăng trưởng về giá trị của ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử đã đạt con số 69%, điều này làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới.

Đây chính là thời điểm quan trọng để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường đầy hứa hẹn này, khi mà các tay chơi lớn của thị trường bán lẻ hiện nay nên dần dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến và tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh để đạt được thành công và bảo vệ vị trí hiện tại. Nhìn chung, sự tin tưởng của người tiêu dùng và chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn cần được các doanh nghiệp giải quyết để thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn nữa”.

Dự báo năm 2025

Các dự báo của Kantar Worldpanel chỉ ra rằng đến năm 2025, ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử sẽ trở thành thị trường trị giá 170 tỷ đô, và chiếm 10% tổng thị phần. Sự tăng trưởng lớn trên toàn cầu chủ yếu sẽ đến từ Mỹ, dự đoán thị phần thương mại điện tử sẽ tăng từ 1,5% trong năm 2017 lên 8% vào năm 2025. Điều này có thể được đóng góp bởi sự ra đời thành công của mô hình click and collect (mua online và nhận hàng tại cửa hàng gần nhất), mô hình giao hàng tận nhà và đăng ký mua hàng định kỳ, cùng những mô hình mới đang tiếp tục phát triển trên thế giới.

Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục là các thị trường dẫn đầu và Châu Á nói chung vẫn là thị trường mũi nhọn. Riêng thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 0,5% lên 2,2% trong năm 2025 kết hợp với sự phát triển của kỹ thuật số.

Những điểm nổi bật trong báo cáo:

Các siêu đô thị

Các siêu đô thị đã trở thành những thị trường chủ lực cho thương mại điện tử. Ví dụ như London, Bắc Kinh và Thượng Hải, thương mại điện tử chiếm đến 10% ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ thuần với các nhà bán lẻ truyền thống có thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến

“Chúng tôi biết rằng thương mại điện tử vẫn đang cạnh tranh lẫn nhau với mua sắm truyền thống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hình thức mua sắm trực tuyến – một cách độc lập - không còn là lựa chọn tốt nhất để giành chiến thắng về thị phần. Điều quan trọng là làm thế nào để kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống cùng nhau tạo ra một trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng”, Stéphane Roger cho biết.

Các ngành hàng

Các sản phẩm Chăm sóc cá nhân và Chăm sóc em bé tiếp tục thống trị giỏ hàng mua sắm trực tuyến. Những gia đình trẻ và không có nhiều thời gian ngày càng đòi hỏi sự tiện lợi khi họ mua sắm lặp lại các nhu yếu phẩm hằng ngày.

Tâm điểm: Amazon và Alibaba

Quan điểm về thương mại điện tử đã thay đổi đáng kể sau khi Amazon mua lại Whole Foods và sự kết hợp của Alibaba với Bailian Group. Sự so sánh về chiến lược của Amazon và Alibaba cùng bài phỏng vấn với Kurt Li, Giám đốc Quản trị dữ liệu doanh nghiệp tại Alibaba sẽ cho chúng ta một số thông tin.

Thương mại điện tử thông qua di động và mạng xã hội

Người tiêu dùng thông thạo về kỹ thuật số ngày nay luôn được kết nối, họ lướt xem qua các sản phẩm trên mạng và so sánh giá cả. Đó là lý do mà các thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh cần phải định vị lại chính mình từ bây giờ.

Công nghệ là động lực thúc đẩy chính

Những tiến bộ trong công nghệ như thương mại thông qua nhận diện giọng nói và Internet- of-things (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) đã cho phép thương mại điện tử trở thành một ngành công nghiệp được tổ chức hợp lý hơn và lấy người tiêu dùng làm trung tâm.

[Download báo cáo tại đây]

David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel Vietnam