Cuộc chiến online: Uber, Grab tràn về tỉnh lẻ

Taxi truyền thống không hề bị người dùng lãng quên, họ chỉ đang bị đè bẹp trước sức hút mà Uber, Grab tạo ra cho người dùng.

Taxi Mai Linh, Vinasun là những công ty có thị phần lớn trong nhóm đại diện cho taxi truyền thống. Bên kia chiến tuyến, những gã công nghệ Uber, Grab xâm nhập Việt Nam và trở thành đối trọng, cạnh tranh với họ.

Những câu hỏi về Grab, Uber

Xuân Lan, nhân viên văn phòng ở TP.HCM, là khách hàng thường xuyên của Grab. "Giá rẻ, nhiều khuyến mãi, gọi có liền", cô giải thích. Mỗi tuần, Xuân Lan đi từ 1-2 chuyến Grab, có tuần lên đến 4-5 chuyến.

Trước khi đến với Grab, Lan là khách hàng của Vinasun, Mai Linh. Không dưới 3 lần, Lan gọi điện lên tổng đài để đặt xe, và bị tài xế tự hủy không báo. Nhiều lần bực mình khiến Lan thử dùng Grab.

Kết quả, từ 2016, Lan chuyển hẳn sang Grab. Cô cũng "quên luôn số điện thoại Mai Linh, Vinasun".

Đến khi về quê ở Huế, cô "hẫng" khi không quét được chiếc Grab nào. Lan lại phải tìm kiếm trên Google số điện thoại Mai Linh ở Huế. Tuy vậy, sau một lúc chờ đợi, cô leo lên chiếc taxi hãng địa phương, với số điện thoại được trưng tại bến xe.

"Đợt đi Đà Lạt với Quảng Ngãi, tôi phải tự gõ cửa các taxi đậu lề đường, Grab thì không có, mà tra số điện thoại thì phiền quá", Lan nói thêm.

"Không biết khi nào Huế có Grab", cô thắc mắc.

Những tỉnh thành có mặt Grab, Uber. Thực tế, hai dịch vụ chỉ đang tập trung ở Hà Nội, TP.HCM.

Năm 2015, đồng nghiệp của Lan, Hoa Linh, dùng Uber để đón đưa bố cô khi ông từ Cần Thơ lên TP.HCM chữa bệnh. Trên xe, cô và tài xế cùng nói chuyện về giá cước, về Uber, Grab và những xích mích với giới xe taxi truyền thống.

Những câu chuyện đó khiến bố Hoa Linh bất ngờ, nhưng không bất ngờ bằng chuyện ông biết trước được phải trả bao nhiêu tiền trước khi lên xe, hay giá cước so với những hãng taxi ông thường dùng.

Khi về Cần Thơ, ông vẫn đi lại bằng taxi địa phương, hoặc Mai Linh, nhưng ông đã có thêm một chuyện để chia sẻ trên bàn nhậu.

Cách này hay cách khác, Uber, Grab chen chân vào sự quan tâm của người Việt, bên cạnh những tên tuổi vốn đã gắn liền với thị trường vận tải đặc thù này.

Cả 4 thương hiệu đều có nhiều dấu ấn trong vòng 5 năm qua, nhưng giờ mọi thứ đang có chiều hướng thay đổi. Hình ảnh dưới đây đánh giá mức độ quan tâm người dùng Việt Nam do Google Trends thống kê về 4 từ khóa liên quan.

Không khó để nhận ra Grab, Uber đang trỗi dậy mạnh mẽ ra sao trên Internet. Đến tận cuối 2014, người ta hầu như không tìm kiếm đến hai từ khóa Uber, Grab, mà chỉ nhớ đến hai thương hiệu truyền thống.

Có 3 thời điểm, Uber, Grab tăng vọt về mức tìm kiếm, mở đầu cho sự "đi lên" trong mối quan tâm của dư luận:

Tháng 10-11/2014

Uber chập chững vào Việt Nam dưới sự nghi ngại về tính hợp pháp cũng như quy trình nộp thuế, Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM ráo riết tiếp tục "lùng và xử lý" taxi Uber.

Mức độ quan tâm của Uber tăng từ 5 (trên thang 100 của Google) lên 35 trong vòng 1 tháng.

11/2015

Uber, Grab lại được đưa lên bàn mổ với đề án thí điểm, Hiệp hội taxi TP.HCM đề nghị cấm. Mức quan tâm của Uber lên mức 46. Kể từ cuối 2015, mức quan tâm của Uber đã bứt phá, cao hơn hẳn 2 thương hiệu taxi truyền thống.

11/2016

Grab bắt đầu đẩy mạnh hoạt động, từ thời điểm này, dòng quan tâm Grab, Uber, taxi truyền thống bắt đầu "song hành" nhau, nhưng 2 tên tuổi công nghệ luôn có chỉ số quan tâm gấp nhiều lần 2 thương hiệu truyền thống.

Điều đặc biệt, mức độ quan tâm của 2 thương hiệu truyền thống luôn đi ngang, không hề có xu hướng giảm. Do vậy, ít nhất trong mối quan tâm của người dùng, taxi truyền thống không "chết". Mặt khác, càng có nhiều tranh cãi, Uber, Grab càng được quan tâm nhiều hơn và nới xa khoảng cách với thương hiệu truyền thống.

Ai tìm taxi?

Xét về vị trí địa lý, người dùng có những đặc thù riêng khi tìm kiếm các hãng taxi truyền thống. Trong suốt 5 năm qua, mức độ được quan tâm của taxi Vinasun vẫn chỉ loanh quanh khu vực Đông Nam Bộ, đậm nhất tại Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, Taxi Mai Linh dù được tìm kiếm khắp cả nước, nhưng hầu như chỉ ở các khu vực thành phố lớn, đậm nhất vẫn là Bình Dương, Đồng Nai.

Ngược lại, Uber, Grab dù chỉ được triển khai ở Hà Nội, TP.HCM, nhưng mật độ tìm kiếm len lỏi đến tận những tỉnh xa.

Quá trình này diễn ra khá nhanh chóng, nếu so sánh mức độ quan tâm cấp tỉnh, Vinasun, Mai Linh chỉ còn chiếm được vài thị trường trọng điểm, còn lại, Uber, Grab đã hoàn toàn "chiếm sóng".

Người dùng tìm gì với các từ khóa taxi?

Ngay cả mối quan tâm của người dùng về các thương hiệu cũng tương đối khác nhau. Với các từ khóa liên quan, người dùng tìm kiếm số điện thoại Vinasun, Mai Linh ở từng tỉnh.

Điều này có thể thể hiện thói quen của người dùng: khi đến tỉnh lạ để làm việc, du lịch, họ tìm kiếm thương hiệu đã quen thuộc. Một mặt, các từ khóa thể hiện sự trung thành của người dùng với taxi truyền thống, mặt khác, nó cho thấy sự chưa tiện lợi khi cần gọi xe ở nơi xa lạ.

Ngược lại, xu hướng tìm kiếm của Uber, Grab lại thiên từ hướng tài xế, người lao động,

Xuân Vũ, một lái xe Uber đến từ Bình Dương kể lại cơ duyên đến với Uber. Theo đó, mọi thứ bắt nguồn từ...Grab. Khi muốn gia nhập đội xe công nghệ, anh tìm đến Grab đầu tiên.

"Nhưng mà điều kiện Grab gắt quá, họ đòi đóng ký quỹ 500.000, thấy khó khăn quá nên tôi đi về", Vũ kể lại.

Khi rời khỏi trụ sở Grab, Vũ bắt gặp vài tài xế Uber, tò mò tìm hiểu, Vũ biết đây là dịch vụ tương tự.

"Tôi lại hỏi mấy anh tài xế Uber "ôm" đậu ở đó, rồi về mới lên mạng kiếm thử, xong thấy Uber đăng ký 'dễ ăn' hơn nên tới trụ sở hỏi, rồi chạy tới giờ", Vũ kể trước khi trả khách tại Q.3, TP.HCM.

Những người như Vũ không hiếm, họ luôn tìm hiểu về Grab, Uber gần như song song, để "nhảy" khi có cơ hội thuận lợi.

"Trước thì dễ, giờ khó hơn, họ (công ty Uber, Grab) cứ tăng tiền phần trăm, trước 20%, giờ 25%, lâu lâu mình cũng 'ngó' coi thử bên nào đỡ hơn thì tìm cách chuyển qua", Văn Khoan, một tài xế Uber khác chia sẻ.

Xu hướng tìm kiếm Uber, Grab đang đi song song với nhau.

Khi đó, Xu hướng tìm kiếm cách gia nhập Grab, Uber ở các tỉnh lẻ, xa xôi còn đang dự báo về một tương lai khó khăn cho các hãng taxi truyền thống khi họ muốn mở rộng thị trường, rời xa các "trung tâm".

"Chắc có chuyển thì mình cũng qua lại giữa Grab với Uber thôi, vì nó dễ, với chủ động cho mình, còn mấy hãng truyền thống khó khăn, yêu cầu nhiều quá, mình không phải dân chuyên lái xe, đâu có giành lại người ta", Xuân Vũ kết luận.

Uber

Uber là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng di động có trụ sở tại Mỹ và hoạt động tại các thành phố ở nhiều nước. Công ty sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để nhận được yêu cầu đi xe, và sau đó sẽ gửi các yêu cầu đi đến lái xe. Khách hàng sử dụng các ứng dụng yêu cầu xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe dành riêng của mình. Uber được cho là công ty tiên phong của nền kinh tế chia sẻ.

Bạn có biết: Tên "Uber" bắt nguồn từ chữ phổ biến và là tiếng lóng "uber", có nghĩa là "cao nhất" hoặc "siêu". Từ ngày có nguồn gốc từ tiếng Đức, "über", có nghĩa là "ở trên".

  • Thành lập: 3/2009
  • Người sáng lập: Travis Kalanick, Garrett Camp
  • Trụ sở: San Francisco, California (Mỹ)

Đồ họa: Như Ý

Mạnh Hà - Lê Phát
Nguồn Zing News