Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Ở TPHCM nếu muốn mua những loại thuốc khó tìm hoặc thuốc đặc trị, ngoài nhà thuốc của các bệnh viện lớn, người ta thường đến các tiệm thuốc tây Mỹ Châu. Trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định, Mỹ Châu có vài nhà thuốc xung quanh đó.

Những người thông thạo thông tin trong ngành dược nói rằng từ ba bốn năm trước đã có một số tổ chức và một số nhóm nhà đầu tư liên hệ nhằm hợp tác làm ăn, mở rộng và gia tăng số lượng nhà thuốc cũng như kênh phân phối qua mạng, nhưng Mỹ Châu từ chối. Theo thời gian Mỹ Châu mở thêm một số nhà thuốc, song không đáng kể.

Bán thuốc tây như bán điện thoại di động?

Bây giờ số lượng nhà thuốc ở TPHCM mọc như nấm sau mưa, hầu như đường phố nào cũng có ít nhất một tiệm, nhiều thì hai ba cái. Vào tiệm thuốc tây, người ta mua được đủ loại mà tiệm có, kể cả các loại kháng sinh vốn dĩ ở nước ngoài phải có đơn bác sĩ mới mua được.

Gần đây các nhà thuốc bán thuốc không cần kê đơn, các loại thực phẩm chức năng, thảo dược, cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu nhiều hơn. Hỏi một dược sĩ kinh nghiệm và thâm niên đã mấy mươi năm tại một nhà thuốc gần nhà thờ Huyện Sĩ, quận 1, ông giải thích bán thực phẩm chức năng hoa hồng cao hơn, với lại mấy thứ thuốc bổ dạng vitamine tổng hợp, ai uống cũng được, khách hàng mua nhiều.

Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.

Ông thêm rằng kháng sinh hiện giờ thuốc nhập khẩu từ các nước phát triển ít đi, hầu hết thuốc dạng này có xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc hay một số quốc gia Đông Âu. Hỏi chuyện ông về hệ thống các nhà thuốc có thương hiệu riêng đang mở ra rần rần, như PharmaCity nằm ở các cây xăng hay khu đô thị đông dân cư, ông lắc đầu, bảo họ giống mấy cái cửa hàng tiện lợi, bán một số mặt hàng thường dùng cho khách vãng lai, chứ khách quen người ta có tiệm thuốc quen.

Có lẽ ông dược sĩ ấy có tuổi rồi, không theo kịp thời cuộc. Hệ thống nhà thuốc đang được đầu tư mạnh mẽ, đang hút tiền, được nhiều doanh nghiệp chuyên về bán lẻ chuẩn bị “nhảy vào bành trướng”. Tháng trước, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG - Hose) bắt đầu thương lượng mua cổ phần của một doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, cho biết trong một cuộc tiếp xúc với giới đầu tư, công ty sẽ chọn ứng cử viên là những đơn vị có am hiểu chuyên môn về sản phẩm ngành dược, y tế nhưng không hoặc chưa có kinh nghiệm tổ chức chuỗi cửa hàng bán lẻ. Hoặc MWG sẽ tìm đến những doanh nghiêp đã có kênh phân phối vài chục cửa hàng và tập trung vào đội ngũ nhân sự tay nghề cao. MWG có thể mua thâu tóm từ 30-40% đến 100% cổ phần tùy vào sự hợp tác của các bên.

Sau khi mở các kênh phân phối qua hệ thống cửa hàng và cả trực tuyến các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính bàn... (Thế giới di động); điện tử - điện lạnh (Điện máy Xanh) đến lương thực thực phẩm (Bách hóa Xanh) với tổng cộng khoảng 1.780 siêu thị ba loại hình trên, MWG tiến tới mở hệ thống nhà thuốc. Công ty tự tin họ sẽ nhân nhanh và rộng các tiệm thuốc tây như họ đã từng mở hàng ngàn siêu thị trong thời gian ngắn vừa qua.

Mua kênh phân phối qua M&A

Theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), MWG có thể đang đàm phán với ông chủ của chuỗi bán lẻ dược phẩm Phúc An Khang, vốn được thành lập vào năm 2006 và sở hữu trên dưới 20 tiệm thuốc tây. MWG có vốn điều lệ 3.078 tỉ đồng và cổ đông công ty đã chấp thuận phương án bỏ ra 2.500 tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện các thương vụ M&A.

Ảnh minh họa: Tuệ Doanh.

Số vốn ấy đủ để mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ thuốc tây căn cứ vào chi phí thuê mặt bằng, tuyển các dược sĩ và đào tạo nhân viên bán hàng cũng như tiền gối đầu hay đặt cọc để hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, các nhà nhập khẩu dược phẩm, thậm chí đảm nhiệm cả vai trò cầu nối cho các hãng dược quốc tế.

Trước mắt MWG đã và đang tuyển dụng dược sĩ, nhân viên y tế cho các hiệu thuốc trên địa bàn TPHCM. Việc tuyển dụng và đào tạo có lẽ cần nhiều thời gian hơn là tuyển dụng nhân viên bán hàng của các siêu thị điện máy hay thực phẩm vì thuốc men liên quan sát sườn đến sức khỏe con người, nó là vấn đề nhạy cảm, không đơn thuần như bán một cái điện thoại di động khi hỏng hóc có thể sửa chữa hoặc đổi cái mới.

Không chỉ MWG một số doanh nghiệp khác cũng nhận ra tiềm năng của thị trường bán lẻ dược phẩm.

Thay bằng mua lại, đầu tư mới cho hệ thống nhà thuốc, họ thực hiện M&A các doanh nghiệp dược. Cách đi này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất chủ động được nguồn hàng phân phối từ chính các nhà sản xuất và chức năng xuất nhập khẩu sản phẩm cũng như nguyên liệu đầu vào. Thứ hai sử dụng được ngay kênh phân phối là các đại lý cũng như cửa hàng bán lẻ của các công ty dược. Chưa kể các doanh nghiệp dược đều có chi nhánh ở những tỉnh, thành lớn, tức có mạng lưới phân phối tại những địa bàn chiến lược. Nên nhớ một số doanh nghiệp dược còn phân phối sản phẩm thông dụng như thuốc cảm cúm, băng dán giảm đau, thực phẩm chức năng... tại các siêu thị lớn. Thứ ba các công ty dược được tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Kênh phân phối này ổn định và có thể mang lại doanh thu cao.

Tuy nhiên M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to, các bước chuẩn bị bài bản và kế hoạch phát triển sau khi đã thâu tóm.

M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to. Ảnh: Thanhniennews.

Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã công bố sẽ mua thêm cổ phiếu để sở hữu trên 51% cổ phần của Dược Lâm Đồng. Hiện tại Nguyễn Kim đang sở hữu 24% cổ phần doanh nghiệp dược này và muốn mua thêm hơn 27% nữa. Cơ sở mua thêm của Nguyễn Kim là có do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ gần 32% cổ phần Dược Lâm Đồng. Căn cứ vào hiệu quả kinh doanh và vai trò của Dược Lâm Đồng trong ngành cũng như trong danh mục đầu tư của SCIC, nhiều khả năng SCIC sẽ thoái vốn nếu việc chuyển nhượng mang lại lợi nhuận chấp nhận được cho tổng công ty.

Nếu mua thành công, Nguyễn Kim chỉ cần bỏ vào Dược Lâm Đồng thêm 3-4 triệu đô la Mỹ, số tiền không đáng kể so với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Hơn nữa Công ty thương mại Nguyễn Kim cũng là “dân bán lẻ thứ thiệt” khi họ có hệ thống siêu thị điện máy quy mô không hề nhỏ và có quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài là “đại gia” bán lẻ Thái Lan.

Thị trường bán lẻ tân dược Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi mà mối quan tâm và tỷ lệ thu nhập của người dân dành cho chăm sóc sức khỏe ngày một tăng. Khai thác thị trường hiện nay vẫn là hộ cá thể nhỏ lẻ, mang tính gia đình là chủ yếu. Lập chuỗi bán lẻ dược phẩm không quá khó, cái khó là duy trì, củng cố sự quản lý chuyên nghiệp và thu hút khách hàng ổn định, lâu dài. MWG đang phối hợp từ bán hàng siêu thị tay sờ mắt thấy mũi ngửi sang bán hàng trực tuyến. Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.

Thành Nam
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn