Đầu tư rạp chiếu phim: Thị trường mênh mông, nhưng...

Nhu cầu đến rạp xem phim của khán giả trong nước ngày một tăng khiến các hãng kinh doanh rạp chiếu phim liên tục mở rộng quy mô cả về số lượng lẫn chất lượng phòng chiếu...

Cuộc đua về các tỉnh

Bước vào thị trường Việt Nam, khoản đầu tư đầu tiên của tập đoàn Blue HK (Hồng Kông) là rót vốn vào Beta Media, một doanh nghiệp phát triển chuỗi rạp chiếu phim. Ông Andrew Vallis, đại diện Blue HK tại TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng thị trường giải trí tại Việt Nam tăng trưởng tốt, nhất là lĩnh vực điện ảnh. Trong đó, thị trường ở một số tỉnh, thành còn bỏ ngỏ mà mô hình giá vé thấp, chất lượng tốt của Beta Media là một xu hướng nắm bắt thị trường”.

Với cái bắt tay cùng Blue HK, trong năm 2017, Beta Media sẽ mở thêm sáu cụm rạp mới ở Thanh Hóa, Bắc Giang, Đông Anh - Hà Nội, Nha Trang, TPHCM và Long Xuyên, bên cạnh bốn cụm rạp đang hoạt động tại Thái Nguyên, Hà Nội (hai cụm) và Đồng Nai, nâng tổng số cụm rạp của hệ thống lên 10 cụm trên cả nước. Mục tiêu năm tới của Beta Media là có 20 cụm rạp.

Trong khi đó, Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) của Hàn Quốc gần đây đã mở thêm cụm rạp chiếu phim tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Không chỉ nhắm vào các thành phố lớn, CGV còn đẩy mạnh đầu tư ở thị trường tỉnh lẻ. Theo kế hoạch, công ty dự kiến mỗi năm xây 12-15 cụm rạp mới, trong đó có 4-5 cụm ở các tỉnh xa. Dự kiến đến cuối năm 2017, công ty sẽ vận hành 55 cụm rạp trên cả nước, bao gồm ở các tỉnh như Yên Bái, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long... Con số này vượt xa mục tiêu 30 cụm rạp đến năm 2017 mà tập đoàn này đề ra hồi đầu năm 2014, thời điểm hãng chính thức đổi tên hệ thống 13 rạp MegaStar thành cụm rạp CGV.

Ngành công nghiệp chiếu phim có rất nhiều dư địa để phát triển trong thập kỷ tới. Ảnh: Internet.

Theo lãnh đạo cụm rạp CGV, thị trường chiếu phim năm 2008 chỉ đạt 6 triệu đô la Mỹ, rồi tăng gấp 10 lần vào năm 2013 và đã vượt 100 triệu đô la vào năm 2015. Theo ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc CGV, mức tăng trưởng hàng năm của thị trường giải trí Việt Nam ước khoảng 20%, là mức khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đó cũng là lý do để CGV tiếp tục đầu tư mạnh với mức đầu tư vượt xa lợi nhuận của hãng.

Một số nhà đầu tư khác cũng nhận xét còn thiếu nhiều khu vui chơi giải trí ở các tỉnh lẻ. Do đó, cùng với Beta Media và CGV thì Galaxy Cinema, Lotte Cinema, BHD, Cinebo,... cũng đang tăng cường mở rộng chuỗi rạp chiếu. Trong cuộc đua này, Beta Media là “người đến sau” nhưng ông Bùi Quang Minh, Tổng giám đốc công ty, tỏ ra không quá lo lắng khi cho rằng thị trường rạp chiếu phim còn rất mênh mông!

Còn theo ông Dong Won Kwak, dân số Việt Nam gấp đôi Hàn Quốc nên ngành công nghiệp chiếu phim có rất nhiều dư địa để phát triển trong thập kỷ tới. Lãnh đạo CGV còn cho biết so với các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc..., một người dân có thể xem phim bốn lần trong năm, thì con số này ở Việt Nam chỉ là 0,2. Do vậy, tiềm năng thị trường còn lớn.

Khó tìm mặt bằng

Một vấn đề của đầu tư cụm rạp là tìm được những mặt bằng có vị trí đẹp, thuận lợi bên cạnh các yếu tố: triển vọng về dân số khu vực, mức độ quan tâm, sức cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng khu vực. Mỗi doanh nghiệp đều có cách khai thác mặt bằng riêng, nhưng việc đi cùng với sự ra đời của các TTTM thường là sự lựa chọn ưu tiên vì đó là nơi tập trung hút khách cũng như có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.

Xét về tiêu chí này, Lotte Cinema có lợi thế nhờ có hệ thống TTTM của mình. Lotte Shopping đi đâu thì hệ thống rạp chiếu phim của hãng này sẽ có mặt ở đó. Hiện Lotte đã khai thác 13 siêu thị, TTTM ở nhiều tỉnh, thành cùng hai trung tâm mua sắm lớn tại TPHCM và Hà Nội. Mục tiêu của Lotte Shopping là phát triển đến 60 TTTM ở Việt Nam. Ngoài ra, Lotte Cinema còn thuê mặt bằng của các đơn vị bán lẻ khác của BigC, Maximart (nay là Vinmart)... Đối thủ đồng hương của Lotte Cinema là CGV, dù không có hệ thống bán lẻ ở Việt Nam nhưng CGV đã nhanh chóng xuất hiện tại các TTTM của Aeon, Vincom, Parkson... CGV còn mở cụm rạp ở các khách sạn, tòa nhà văn phòng cho thuê...

Một vấn đề của đầu tư cụm rạp là tìm được những mặt bằng có vị trí đẹp. Ảnh: Internet.

Cuộc đua vẫn nóng khi chỉ cần một nhà khai thác nào đó ra đi thì sẽ rất nhanh chóng có người khác thay thế. Cụ thể trong tháng 3 vừa qua, khi chuỗi rạp Platinum ngừng hoạt động tại các TTTM của Vingroup gồm Vincom Long Biên, Royal City và Times City thì chỉ hơn bốn tháng sau, CGV đã về thay thế hai trong ba địa điểm này.

Trong khi đó, các nhà kinh doanh rạp chiếu trong nước cũng không kém phần linh động. Ngoài các TTTM, Galaxy, BHD, Mega GS, Cinestar... còn khai thác những mặt bằng của các rạp hát, nhà thi đấu... Có thể các cụm rạp của doanh nghiệp trong nước không đạt độ “hoành tráng” như của nhà đầu tư nước ngoài nhưng phần lớn họ cũng đáp ứng được yêu cầu của một rạp chiếu phim hiện đại về máy móc thiết bị, âm thanh, ghế ngồi và màn hình... Và tuy không mở rộng ồ ạt nhưng kế hoạch phát triển của họ ngày càng rõ hơn, không chỉ tập trung ở TPHCM, Hà Nội mà còn mở rộng ở một số tỉnh, thành khác.

Đầu tư lớn, thu hồi vốn dài hơi

So với các ngành khác, kinh doanh rạp phim có chi phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận lại khó bù đắp trong ngắn hạn. Tùy vào quy mô, vị trí, số lượng phòng chiếu, cách thiết kế và công nghệ mà mỗi cụm rạp sẽ có chi phí đầu tư ban đầu khoảng 2-7 triệu đô la Mỹ, thời gian thu hồi vốn từ 3-6 năm, thậm chí lâu hơn.

Theo ông Dong Won Kwak, CGV lên kế hoạch từ đây đến năm 2020 sẽ rót thêm 200 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào công nghệ điện ảnh và mở rộng cụm rạp chiếu phim, riêng năm nay là khoảng 70 triệu đô la Mỹ. Ông cho biết trong suốt hơn 10 năm hoạt động ở Việt Nam, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ điện ảnh của CGV luôn cao gấp 4-5 lần lợi nhuận đạt được. Trong khi đó, ông Bùi Quang Minh của Beta Media, cho biết việc đầu tư một cụm rạp ở tỉnh lẻ hay vùng ven - nơi không có đối thủ cạnh tranh mang lại hiệu quả cao hơn ở các thành phố lớn mà mức đầu tư chỉ bằng 60-70% (mỗi cụm rạp có 4-5 phòng chiếu, tùy tình hình dân cư, mức sống). Giá vé của Beta Media cũng chỉ bằng 60-65% so với các rạp cao cấp, không quá đắt để có thể thu hút người xem.

Tuy vậy, môi trường bên trong rạp chiếu vẫn luôn là mối quan tâm của các nhà khai thác rạp. Việc tạo cảm giác thoải mái cho khán giả được xem là một yếu tố giữ chân khách. Hầu hết các rạp chiếu đều tạo không gian cho các bạn trẻ chụp ảnh, trò chuyện, sử dụng Internet miễn phí... Một số hãng nước ngoài còn mang vào công nghệ phòng chiếu hiện đại, như ScreenX là công nghệ chiếu phim có màn hình 270 độ với hình ảnh được mở rộng từ màn hình chính sang dọc hai bên tường khán phòng, hay phòng chiếu có giường nằm sang trọng.

Việc tạo cảm giác thoải mái cho khán giả được xem là một yếu tố giữ chân khách. Ảnh: Quốc Hùng.

Ba nguồn thu chính của các nhà khai thác rạp chiếu phim gồm bán vé xem phim, thực phẩm, và chạy quảng cáo. Trong đó, kinh doanh ẩm thực được xem là một khoản thu đáng kể, bởi rất khó tìm kiếm lợi nhuận nếu chỉ trông vào nguồn thu bán vé. Hầu hết các rạp chiếu đều có quầy bán thực phẩm, với giá bán cao hơn nhiều so với bên ngoài. Trung bình hai người đi xem phim sẽ phải chi thêm khoảng 100.000-150.000 đồng cho hai ly nước ngọt và một gói bắp, gần bằng số tiền mua vé xem phim. Việc kinh doanh thực phẩm ở rạp chiếu phim gần như độc quyền. Khách hàng chỉ có thể mua giá cao hoặc ngồi xem phim mà không ăn uống gì.

Theo các nhà kinh doanh rạp, khó khăn lớn hiện nay là chi phí thuê mặt bằng đặt rạp chiếu khá cao, nhất là trong các TTTM loại đắt đỏ. Thị trường chiếu phim thấy rõ quyền lực của những ông chủ đất cũng như sự khốc liệt trong cuộc đua giành địa điểm đặt rạp. Như chuyện Công ty Truyền thông Bạch Kim M.V.P (thuộc tập đoàn Multivision Plus Indonesia) - nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood ở thị trường Đông Nam Á đã phải dừng kinh doanh ba cụm rạp Platinum tại các TTTM ở Hà Nội trong khi hợp đồng hợp tác kéo dài tới 15 năm. Nguyên nhân do bên cho thuê mặt bằng là Vincom Retail cho rằng trong quá trình kinh doanh, phía Platinum không có sự đầu tư thích đáng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống TTTM Vincom Retail, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung.

Bên cạnh đó, vẫn có những chủ đầu tư dự án chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của rạp chiếu phim trong các TTTM nên chưa tạo điều kiện cùng phát triển...

Ngoài ra, sự bất đồng trong tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các rạp và nhà sản xuất cũng gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua mà bên có hệ thống rạp ít luôn nằm ở chiếu dưới trong các thỏa thuận.

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn