Du lịch: Khách tăng, chưa thể vội mừng

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, thành phố thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu ngành du lịch Thành phố ước đạt 84.574 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, những số liệu kể trên chưa là tín hiệu mừng, bởi khách du lịch tăng (16%) nhưng doanh số lại không tăng tương ứng (10%). Nguyên nhân tình trạng doanh số không tăng tương xứng với lượng khách có phần xuất phát từ xu hướng kinh doanh qua mạng, khách có thể mua tour, các dịch vụ trực tiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước, hay doanh nghiệp đóng tại TP.HCM bị thất thu.

Đây là một thực tế diễn ra lâu nay khi xu hướng thương mại điện tử "lên ngôi". Một giám đốc lữ hành thừa nhận, khách quốc tế vẫn gặp khó khăn khi đặt dịch vụ du lịch online ở Việt Nam. Trong khi ở nước ngoài, tỷ lệ khách có thói quen ngồi nhà "nhấp chuột" để đặt dịch vụ là phổ biến.

Các hạn chế của đặt dịch vụ online của các đơn vị lữ hành là giao diện không tiện lợi,không thân thiện với kết nối di động, bên cạnh chưa có sự hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, mà chủ yếu là tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi hơn 50% khách quốc tế đến Việt Nam từ nhiều thị trường ít nói tiếng Anh như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ngoài ra, việc liên kết thanh toán còn chưa mở rộng, chưa tạo sự đảm bảo an ninh khiến du khách chọn lữ hành nước ngoài được xem là đáp ứng tốt hơn những yêu cầu họ đưa ra. Việc tiếp thị du lịch trên mạng xã hội cũng chưa được các doanh nghiệp trong nước khai thác mạnh mẽ.

Ảnh: QH.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc PR và truyền thông (phụ trách thị trường Việt Nam) của Google APAC cũng từng đưa ra cảnh báo rằng, chỉ riêng Đông Nam Á số lượng kết nối trực tuyến là hơn 260 triệu người. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam làm website theo những gì mình muốn, chứ ít khi tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dùng để tối ưu thông tin và sự thân thiện đến mức tốt nhất cho người dùng.

Đại diện Google Đông Nam Á cũng đưa ra dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến khu vực này sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.Và Việt Nam là một "Thị trường vàng" cần khai thác. Còn Tổng cục Du lịch nhận định thương mại điện tử cũng như yếu tố số hóa là xu hướng "không thể đảo ngược" của ngành du lịch. Các công ty lữ hành, đại lý du lịch, hàng không, cơ sở lưu trú, khu du lịch... đều phải vận động theo xu thế này để thu hút lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam.

Lượng khách tăng nhưng giá trị do tăng trưởng đem lại cho du lịch TP.HCM, theo bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, là chưa tương xứng còn do chúng ta chưa biết cách khai thác dịch vụ, sản phẩm. Bà Khánh nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nếu được đầu tư đến nơi đến chốn thì sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế. Lữ hành các nước đã tranh thủ sự yếu kém này để cạnh tranh khiến doanh thu của ngành du lịch không được như mong đợi.

Du lịch được xác định sẽ trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của TP.HCM với tăng trưởng doanh thu mỗi năm 15- 16% và đến năm 2020 sẽ đạt đến 165.000 - 170.000 tỷ đồng, đóng góp trên 11% trong cơ cấu GDP của thành phố. Tuy nhiên, du lịch là ngành dịch vụ khó làm. Các doanh nghiệp phải tính lượng du khách quốc tế đến một điểm với thời gian bao lâu, thống kê mức chi tiêu và thời gian lưu trú, từ đó có chiến lược khai thác phù hợp. Hiện tại khách đến TP.HCM ước tính chi tiêu một ngày không quá 40 USD/người. Do vậy, ngành du lịch thành phố phải nỗ lực rất lớn.

UBND TP.HCM và Hiệp hội Du lịch TP.HCM vừa thống nhất ký kết thỏa thuận phối hợp phát triển du lịch thành phố, giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó có nhiều nội dung như tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch và an ninh, an toàn cho du khách; phối hợp trong việc triển khai chương trình kích cầu du lịch TP.HCM; phối hợp trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh của thành phố; phối hợp hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước nhằm làm phong phú và đa dạng sản phẩm du lịch; phối hợp giới thiệu và quảng bá điểm đến du lịch TP.HCM – thân thiện, hấp dẫn, an toàn đến du khách trong và ngoài nước; phối hợp trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, một số sản phẩm du lịch mới ra đời.

Song Nam
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn