Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Thế kỷ châu Á xoay chuyển nguồn lực đầu tư

Tính đến năm 2017, châu Á chiếm hơn một nửa dân số thế giới, 27% tổng ngân sách chi tiêu toàn cầu và 30-35% tổng giá trị các ngành tiêu dùng chính như bán lẻ, thực phẩm, may mặc, làm đẹp… Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang quay sang châu Á tạo ra một trục chuyển động khổng lồ.

Trong 2 ngày Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 cuối tháng 9/2017 vừa rồi, tôi và nhiều diễn giả khác đều nhắc đến thế kỷ 21 với mệnh danh là “Thế kỷ châu Á”. Tất cả các nền kinh tế trên thế giới, tất cả các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế cũng vì vậy mà xoay chuyển nguồn lực đầu tư và khai thác khu vực châu Á. Đây là thuận lợi nhưng cũng là thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam.

Còn có cơ hội giành cup?

Thuận lợi vì Việt Nam nằm ngay trong khu vực, nhất là thuộc về cộng đồng kinh tế ASEAN. Dù là sản xuất hay cung cấp cho tập đoàn quốc tế thì Việt Nam cũng khá thuận lợi. Khai thác chính thị trường khu vực, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn về khoảng cách địa lý, quản trị chuỗi cung ứng, thông hiểu văn hóa thị trường và hiệu quả chi phí vận hành.

Đến năm 2025, châu Á sẽ phát triển thành khu vực tiêu dùng chính của thế giới, chiếm hơn 50% tổng ngân sách chi tiêu toàn cầu.

Tuy nhiên, thuận lợi này chỉ có được khi bản thân doanh nghiệp Việt có tầm nhìn, có chiến lược và kế hoạch cụ thể để nắm bắt và khai thác thị trường trong thời điểm “Cửa sổ vàng“ của thế kỷ châu Á. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mọi thứ đã phải sẵn sàng từ hôm qua, nếu không, cần phải bắt tay ngay hôm nay để chuẩn bị thì mới mong có mặt trong cuộc đua. Thử thách lớn nhất nằm chính ở điểm này. Cuộc marathon dành cúp “Thế kỷ châu Á” cũng vì vậy sẽ không cân sức. Vấn đề là Việt Nam còn cơ hội hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu doanh nghiệp Việt bắt tay vào việc vừa hiệu chỉnh nền tảng nội bộ, vừa chuẩn bị xúc tiến và bước ra thị trường khu vực.

Tính đến năm 2017, châu Á chiếm hơn một nửa dân số thế giới, chiếm 27% tổng ngân sách chi tiêu toàn cầu và 30-35% tổng giá trị các ngành tiêu dùng chính như bán lẻ, thực phẩm, may mặc, làm đẹp…. Tuy nhiên, theo dự đoán, đến năm 2025, châu Á sẽ dẫn đầu thế giới về sản lượng hàng hóa sản xuất tại khu vực và sẽ là khu vực kinh tế sản xuất chính cho toàn thế giới. Đến năm 2025, châu Á sẽ phát triển thành khu vực tiêu dùng chính của thế giới, chiếm hơn 50% tổng ngân sách chi tiêu toàn cầu. Đây sẽ là thị trường VIP của thế giới. Và không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng có thể hiểu rằng, việc đầu tư nền móng ngay từ bây giờ để khai thác thị trường châu Á trong 10 năm tới là điều tất yếu. Không chỉ doanh nghiệp quốc tế quan tâm đến khu vực thị trường này, chính các doanh nghiệp trong khu vực cũng bắt đầu trỗi dậy. Những tập đoàn châu Á khổng lồ như Alibaba, nắm giữ trên 10% thị phần bán lẻ toàn cầu hay AmorePacific, nắm giữ trên 10% thị phần sản phẩm dưỡng da nam giới trên toàn thế giới trong năm 2016 là những minh chứng sống động của sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tập đoàn châu Á.

Chờ những ngôi sao mới?

Tổng thu nhập thặng dư tại châu Á năm 2016 ở mức ngang ngửa với Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng tại châu Á sẽ ở mức cao hơn rất nhiều trong những năm tới. Dự đoán đến năm 2021, châu Á sẽ dẫn đầu thế giới về tổng thu nhập thặng dư, kế đến là Bắc Mỹ, Tây Âu. Các khu vực kinh tế khác sẽ bị bỏ khoảng cách rất xa so với châu Á. Nếu nhìn vào thực tế phát triển của một số ngành hàng lớn trên thế giới, tiềm năng dẫn đầu về độ lớn thị trường châu Á đều nằm ở mức top 3 trên thế giới với nhiều ngành hàng giữ vị trí dẫn đầu về tổng giá trị doanh thu. Ví dụ, lấy mốc từ năm 2012 đối với ngành bánh kẹo, châu Á đứng thứ 3 với tỷ trọng chiếm 21% tổng giá trị doanh thu toàn cầu, con số này dự đoán là 25%, đứng thứ 2 thế giới vào năm 2022. Ngành snack mặn, châu Á chiếm tỷ trọng doanh thu 26% toàn cầu, con số này dự đoán là 30%, đứng thứ 2 toàn thế giới năm 2022. Ngành bánh biscuit, snack ăn sáng và snack trái cây chiếm tỷ trọng 24%, châu Á sẽ vươn lên vị thế dẫn đầu năm 2022 với tỷ trọng 26%. Tương tự, ngành kem và sản phẩm tráng miệng lạnh cũng thế, châu Á sẽ vươn lên từ số 2 sang vị thế dẫn đầu năm 2022 với tỷ trọng doanh thu dự đoán là 27% thị trường thế giới. Đối với các doanh nghiệp chuyên ngành bánh mỳ và bánh nướng (baked goods), tín hiệu tốt là châu Á hiện đang dẫn đầu về tốc độ phát triển thị trường và dự đoán sẽ qua mặt thị trường Bắc Mỹ vào năm 2019, trở thành khu vực thị trường đứng thứ 2 sau Tây Âu (Theo Euromonitor).

Thị trường châu Á rất đa dạng. Do đó, không nên có một chiến lược duy nhất cho tất cả các thị trường khu vực!

Tuy nhiên, châu Á là một khu vực thị trường rất đa dạng với mức chi tiêu hộ gia đình từ 50-85 ngàn USD mỗi năm (như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông) hoặc những thị trường đang phát triển có mức chi tiêu hộ gia đình dưới 10 ngàn USD mỗi năm như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Myanmar. Tuy tổng chi tiêu hộ gia đình còn rất thấp, nhưng các thị trường đang phát triển lại có tốc độ tăng trưởng về chi tiêu dẫn đầu. Lào, Cambodia, Bangladesh, Sri Lanka là những thị trường có tốc độ tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình 2015-2030 ở mức từ 150 đến 300%. Vì vậy, chiến lược thâm nhập thị trường châu Á chắc chắn không thể là one-size-fit-all, nghĩa là không thể có một chiến lược nhất quán cho tất cả các thị trường khu vực.

Tùy thuộc vào ngành hàng, định vị thị trường, mà doanh nghiệp đưa ra chiến lược “gieo hạt” tại các thị trường đang phát triển và khai thác mạnh các thị trường Bắc Á đang có mức độ tiêu dùng cao. Hoặc ngược lại, đối với các ngành hàng giá trị thấp, cần độ phủ cao, cần nhắm vào đối tượng ở đáy kim tự tháp về thu nhập, doanh nghiệp có thể khai thác ngay các thị trường có dân số lớn tại Nam Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka hoặc một số thị trường Đông Nam Á như: Việt Nam, Myanmar, Indonesia… Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng, sẽ cần nghiên cứu và đưa ra chiến lược phù hợp với cơ hội, với tiềm năng ngành hàng và với nội lực của doanh nghiệp mình. Điều quan trọng là doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm nhưng không nên áp dụng 100% chiến lược của doanh nghiệp khác.

Thế kỷ 21 – thế kỷ châu Á và cuộc chạy đua giành lấy “Cửa sổ vàng” đã bắt đầu từ những ngày hôm qua. Doanh nghiệp Việt có hiểu, có để tâm và đã chuẩn bị cho cuộc đua này chưa?

Nguyễn Phi Vân
Nguồn Doanh Nhân Online