Từ trò chơi “Sự tiến hóa của lòng tin” đến câu chuyện khủng hoảng truyền thông của Vinasun và Petrolimex

Petrolimex (mình sẽ gọi tắt là Petro ở những lần nhắc tới phía dưới), là một doanh nghiệp không quá xa lạ với người dân Việt. Thế nhưng, cơ bản người dân đều có ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm đối với Petro.

Có lẽ vì do họ đóng cái mác “Doanh nghiệp nhà nước”. Cùng với đó, là mỗi khi báo chí đưa thông tin về việc xăng tăng, hình ảnh minh họa không hiểu sao, lại luôn là nhân viên của tập đoàn này.

Và hôm nay, “đùng” một cái, một bức ảnh của một ai đó được đưa lên mạng. Ngay lập tức, Petro trở thành đối tượng bị công kích, bị “ném đá” thậm tệ.

Nguồn ảnh: Facebook.

Họ “ném đá”, “chửi bới”,.. Bởi vì trước đó, họ đang “lên đồng” vì hình ảnh một ông giám đốc người Nhật, cũng làm cây xăng, đang cúi gập mình chào khách, giữa tiết trời đổ mưa ở Hà Nội.
Hàng trăm ngàn lượt like, share, comment trên mạng xã hội với hình ảnh tuyệt vời đó.

Và khi bức ảnh với cái băng rôn ở một cây xăng cách Hà Nội cả nghìn cây số ở trên được công bố, với cách hiểu sai của người đưa tin, sẵn với việc đang không có mấy thiện cảm với các doanh nghiệp nhà nước, cùng với vụ việc Vinasun vẫn còn chưa hết nóng. Người ta sẵn sàng hiểu sai lệch hoàn toàn.

Petro bỗng chốc sau một ngày, trở thành một “Bá Kiến”, một cái gai trong mắt của rất nhiều người dân.

Nguồn ảnh: Báo Người Lao Động.

Giá như Bộ công thương chọn một đơn vị khác mà không phải là Petrolimex để truyền thông cho chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam”.

Và cũng giá mà Petrolimex không chọn treo băng rôn đúng thời điểm mà trạm xăng dầu của người Nhật đang gây cơn số cho người Việt. Thì có lẽ, họ đã không bị cư dân mạng “ném đá” nặng nề đến như vậy.

Sau sự việc của Vinasun, và hôm nay là Petrolimex. Tôi cũng chợt liên tưởng đến trò chơi “Sự tiến hóa của lòng tin” mà tôi đã chơi hôm qua.

Trong trò chơi đó, có hai bài học mà tôi thấy thích nhất.

Đầu tiên, là “3 điều cần thiết cho sự tiến hóa của lòng tin”.

Với “Tương tác có tính lặp lại”,

Nếu liên tưởng trường hợp của Petro, và trước đó là của Vinasun, ta đều nhận ra rằng các doanh nghiệp đều hiện đang “không tương tác” được với khách hàng của mình. Ví dụ điển hình thì có lẽ là việc người ta muốn phản ánh, góp ý chất lượng, dịch vụ của doanh nghiệp mà không biết phải kêu nơi nào hay thậm chí có kêu cũng chẳng được giải quyết.

Với “Đôi bên cùng có lợi”,

Hẳn nhiên thì chúng ta đều suy nghĩ đến sự “dìm hàng đối thủ” chứ không phải “anh thắng – tôi thắng”. Và người dân, những người đứng ở giữa sẽ luôn đứng về phía không phải “con ông cháu cha” và những ai “thấp cổ bé họng”.

Với “Tỉ lệ sai lầm thấp”,

Doanh nghiệp đã phạm phải quá nhiều sai lầm nên đã dẫn đến việc mất lòng tin, dẫn tới việc dù chưa biết rõ thực hư, họ đều quy kết doanh nghiệp đó theo hướng tiêu cực.

Thứ hai, là môi trường của lòng tin

Đoạn cuối của trò này có đề cập đến việc chúng ta đang mất lòng tin lẫn nhau. Đây là kết quả của rất nhiều thứ, trong đó nổi trội nhất là vấn đề môi trường, nơi mà chúng ta đang sống.

Mà ở môi trường này, có lẽ toàn bộ tất cả chúng ta, từ Nhà Nước, Doanh Nghiệp, và cả Người Dân, đều đang không có bất kì một sự liên kết, giao tiếp thực sự nào. Đều đang tham cái lợi to lớn cho riêng mình. Và nếu có sai, tất cả đều không nhìn nhận thấy cái sai ấy, mà điều đầu tiên, sẽ luôn là lấp liếm, biện hộ và né tránh.

Có lẽ vấn đề này đã không còn là câu chuyện, bài học về truyền thông đại chúng nữa. Mà xa hơn, qua những sự việc nóng hổi gần đây, nó còn có thể là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta về vấn đề Lòng Tin, thứ đang bị mai một đi một cách không thể kiểm soát, ở tại trong chính môi trường của chúng ta.

Nguyễn Hải Nam
Nguồn RGB.vn