Satya Nadella và con đường đưa Microsoft trở về ngôi bá chủ

Tiếp nhận Microsoft bảo thủ và lạc hậu từ tay Steve Ballmer, những thay đổi của Satya Nadella đã khiến cả thế giới thán phục.

Tất cả khởi đầu từ câu hỏi của ông tới 120.000 nhân viên Microsoft khi nhậm chức CEO: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Microsoft biến mất?”

CEO đầu tiên của Microsoft là Bill Gates, cũng là người đồng sáng lập công ty với Paul Allen. Gates đã thể hiện sự vượt trội trong ngành công nghiệp phần mềm suốt những năm 90 và đầu thế kỷ 21. Ông là CEO đầu tiên cho mọi người thấy rằng phần mềm đã trở thành hàng hoá có giá trị nhất trên thế giới.

Trong lịch sử chỉ có 3 người từng làm CEO của Microsoft. Kế nhiệm Bill Gates là Steve Ballmer, quản lý kinh doanh đầu tiên của Microsoft. Ông là người có năng suất và hiệu quả cao trong mảng tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, Ballmer đã không thấy được sự suy giảm về uy tín và giá trị của công ty từ áp lực cạnh tranh của các đối thủ mới. Chỉ trong vài năm, xu hướng công nghệ đã chuyển qua mảng di động thay vì máy chủ.

Từ trái qua: Satya Nadella, Bill Gates và Steve Ballmer. Ảnh: Wired.

Dưới thời Ballmer, Microsoft đã không thích nghi kịp với những thay đổi và dần đánh mất vị thế của mình trước các đối thủ, đặc biệt là Apple. Những sai lầm của Ballmer trị giá hàng tỷ đô: thương vụ mua lại aQuantive và Nokia, bỏ lỡ tất cả các cuộc cách mạng nhạc số, mã nguồn mở, mạng xã hội, tìm kiếm... Microsoft trở thành một tập hợp hiếu chiến, bảo thủ và chậm thay đổi, cho đến khi Satya Nadella lên nắm quyền.

Satya Nadella sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, là con duy nhất trong một gia đình trung lưu có cha làm trong chính phủ và mẹ là giáo viên. Ước mơ thời thơ ấu của ông là trở thành vận động viên bóng gậy. Mọi thứ thay đổi khi cha ông mang về từ Bangkok bộ máy tính Zilog Z80. Lúc đó ông 15 tuổi.

Hành trình của ông với Microsoft bắt đầu vào một ngày mưa tháng 11/1992. Chỉ vài năm sau đó, Microsoft bước vào thời kì đỉnh cao.

Xuyên suốt thời gian làm việc ở Microsoft, ông đã cố gắng mang lại những thay đổi cơ bản cho tập đoàn này. Tuy nhiên dưới cách nhìn của Steve Ballmer, các giải pháp này giống như khởi đầu của sự sụp đổ.

Thế nhưng những gì Nadella đã làm từ khi lên nắm quyền không chỉ vực dậy gã khổng lồ Microsoft (vào thời điểm cuối 2017, mức tăng trưởng đạt mốc 19%, cao nhất từ trước đến giờ) mà còn thay đổi bộ mặt của tập đoàn.

"Chúng ta đã bám vào các thành công trước đây quá lâu và ngành công nghiệp thì không quan tâm tới điều đó. Để tồn tại được thì phải hướng tới tương lai. Thành công trong quá khứ không có nghĩa lý gì cả."

Satya Nadella

Microsoft vượt mặt các đối thủ trong việc trở thành mục tiêu hướng tới của các kĩ sư và nhà nghiên cứu đầy tham vọng. Vẫn có rất nhiều việc cần làm: lợi nhuận chính vẫn từ các sản phẩm máy tính cá nhân, các khoản thu từ dịch vụ đám mây vẫn còn khá thấp so với bên phần mềm, nhưng tổng quan thì có thể nói Microsoft đã trở lại.

Khi nhận vai trò CEO, Nadella biết sẽ phải thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện Microsoft, không chỉ trong các chiến lược, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh mà cả văn hóa làm việc đã ăn sâu trong gốc rễ tập đoàn. Microsoft đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, đây là lúc thức tỉnh và nhìn về tương lai

Nadella trong mắt các nhân viên là một người tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Với Satya, bất kể người đưa ra ý kiến là ai, nhân viên nhỏ hay quản lý cấp cao, ông sẽ nghe tất cả những gì họ nói một cách chăm chú, khiến mọi người cảm thấy đóng góp của mình rất quan trọng. Trong buổi họp đầu tiên với ban điều hành sau khi nhận chức CEO, ông tập trung vào vấn đề văn hóa công ty thay vì các đối tác làm ăn, cho thấy rõ quyết tâm thay đổi Microsoft từ bên trong.

Tính cách của một tập thể được định hướng bởi người đứng đầu, và khi đó là một người ân cần, chân thành và đáng tin cậy như Nadella, nhân viên Microsoft dần trở nên đoàn kết trong công việc và thoải mái khi chia sẻ ý kiến hơn. Nhân viên thậm chí có thể thoải mái đem sản phẩm của các đối thủ lên chỗ làm hay phòng họp. Đây là điều không bao giờ được chấp nhận dưới thời Bill Gates hay Ballmer.

Còn trong lĩnh vực kinh doanh, phương châm của Nadella là “Hợp tác trong những gì có thể hợp tác, cạnh tranh trong những gì có thể cạnh tranh”. Hành động đầu tiên của ông là gặp gỡ những khách hàng đã chuyển qua sử dụng sản phẩm của đối thủ. Thoát ra khỏi giới hạn của tập đoàn là cách Nadella vận hành Microsoft.

Ngày nay, sản phẩm của Microsoft hiện diện trên nền tảng các công ty cả đối tác lẫn cạnh tranh: Minecraft trên Xbox và Playstation, Office chạy trên hệ điều hành của các đối thủ, Linux được hỗ trợ trên nền tảng đám mây Azure của Microsoft. Ông nói trong buổi phỏng vấn trên Today’s Vision: “Chúng tôi sẽ tập trung vào những sản phẩm và dịch vụ mà chỉ Microsoft có thể cung cấp”.

Thương vụ mua lại Minecraft của Nadella được giới chuyên môn đánh giá cao. Ảnh: Wired.

Khó khăn lớn nhất Nadella phải đối mặt là chuyển đổi Microsoft từ chỗ Windows là trung tâm và các doanh nghiệp phải sử dụng phần mềm có bản quyền, sang thế giới của điện toán đám mây, di động và trí tuệ nhân tạo, nơi mô hình chuyển từ bản quyền sang thuê bao.

Với kinh nghiệm của mình, ông nhận ra rằng kiến trúc mà Microsoft dùng để xây dựng các sản phẩm như Xbox Live, Bing hoặc MSN không còn phụ thuộc vào những thứ họ bán cho các doanh nghiệp. Họ chủ yếu xây dựng hạ tầng đám mây cho các tài sản trực tuyến của mình. Nadella đã phải thuyết phục nhóm điều hành Bing không tập trung vào mảng máy chủ nữa. Ông không mang theo bất cứ ai từ nhóm mình vào Bing. Theo ông, đây là sự chuyển đổi lớn của tập đoàn và nó phải đến từ bên trong.

Tuy nhiên, các thay đổi Microsoft đi kèm với việc sa thải hàng nghìn người. Một số báo cáo cho biết khoảng 30.000 nhân viên đã bị sa thải, chủ yếu ở mảng sản xuất và bán hàng Nokia. Satya công bố khoản đầu tư 7,2 tỉ USD để mua Nokia của Balmer đang gây thua lỗ. Năm 2016, quyền sở hữu thương hiệu Nokia được bán cho liên minh HMD Global và Foxconn.

Nadella tin rằng để có thể tồn tại lâu dài, Microsoft cần tập trung vào điện toán đám mây, lượng tử, cảm ứng, thực tế ảo hỗn hợp và trí tuệ nhân tạo (AI). Tập đoàn đang đẩy mạnh việc nghiên cứu để trở thành tổ chức đầu tiên đưa công nghệ lượng tử ra thị trường trong vòng 3 đến 5 năm nữa.

Thực tế ảo sẽ đang là mục tiêu hướng đến của Microsoft. Ảnh: Wired.

Về mảng trí tuệ nhân tạo, hai bước đi gần đây của Satya cho thấy Microsoft đang cạnh tranh với DeepMind của Google và một số đối thủ khác như dự án phi lợi nhuận OpenAI. Vào tháng 7/2017, tập đoàn tuyên bố mở trung tâm nghiên cứu tri tuệ nhân tạo ở Redmond, phục vụ việc tìm hiểu về xử lý ngôn ngữ, lý luận và nhận thức – một động thái rõ ràng cho quyết tâm phát triển toàn diện lĩnh vực này. Cũng trong tháng này, Harry Shum, người đứng đầu nhóm Nghiên cứu và Trí tuệ Nhân tạo của Microsoft, vừa công bố bộ vi xử lý chuyên sâu dành cho HoloLen. Công bố này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Google thông báo về một dịch vụ đám mây có khả năng cung cấp truy cập vào một vi xử lý AI được thiết kế để huấn luyện và thực thi mạng lưới nơron sâu.

Về HoloLens, Microsoft chia ra làm hai loại: thực tế ảo (không gian ảo hoàn toàn) và thực tế tăng cường (các lớp ảnh ảo phủ lên không gian thật). Nadella cho biết tập đoàn đang nhìn nhận HoloLens như một giao diện tự nhiên mới, có thể ứng dụng trong y học, dịch vụ hậu cần, bán lẻ và game. Minecraft, được mua bởi Microsoft vào năm 2014, là game bán chạy thứ 2 mọi thời đại.

Vẫn còn rất nhiều thứ Satya Nadella phải làm để có thể thay đổi hẳn văn hóa bảo thủ, chậm tiến của Microsoft, khắc phục các hậu quả do Ballmer để lại cũng như đưa tập đoàn trở lại vị trí dẫn đầu trên đường đua công nghệ. Tuy nhiên với một người như Nadella, không có gì là không thể.

Gia Minh
Nguồn Zing News