Alibaba đại chiến Amazon ở các thị trường mới nổi

Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đang ngày càng lấn sâu hơn vào cuộc chiến toàn cầu với đối thủ Amazon đến từ Hoa Kỳ.

Để giành lợi thế cạnh tranh, Alibaba đang củng cố vị thế dẫn đầu của mình ở Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh sự phát triển ở Đông Nam Á, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác.

Hôm 03/10, Alibaba đã tạm qua mặt Amazon về mặt giá trị vốn hóa thị trường, và sau đó chốt phiên giao dịch ở mức 469 tỷ USD, chỉ còn thua 5 tỷ USD so với Amazon.

Sang ngày hôm sau, CEO của Alibaba là Jack Ma Yun (Mã Vân) đã công bố kế hoạch trị giá 15 tỷ USD để xây dựng một viện nghiên cứu mới gọi là Học viện DAMO, nhằm nghiên cứu những lĩnh vực mũi nhọn như trí thông minh nhân tạo (AI) và truyền thông tin lượng tử (quantum communications). Jack Ma cho biết từ trước đến nay Trung Quốc vẫn hay phải theo sau những nước như Hoa Kỳ và Nga, nhưng cho rằng đã đến lúc quốc gia đông dân nhất thế giới tự mở lối riêng cho mình.

Cuộc chiến giá trị vốn hóa

Giá cổ phiếu của Alibaba tại Mỹ (còn gọi là cổ phiếu dạng ADR) đang tăng vọt, và chốt phiên hôm thứ Ba ở mức cao kỷ lục 183 USD, so với mức 88 USD hồi đầu năm nay. Như vậy, giá trị vốn hóa của Alibaba đã cao hơn gấp đôi so với nhà sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản.

So sánh giá trị vốn hóa của Amazon và Alibaba. Ảnh: Nikkei.

Alibaba đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York từ tháng 9/2014. Khi đó, đợt IPO này đã đem về cho công ty khoản tiền kỷ lục 25 tỷ USD. Nhưng một năm sau đó, giá cổ phiếu Alibaba đã rớt xuống chỉ còn một nửa so với lúc đỉnh điểm. Tại thời điểm đó, Jack Ma than thở trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei rằng thật khó để cho các nhà đầu tư Mỹ, những người chưa bao giờ sử dụng các dịch vụ của Alibaba, hiểu được tiềm năng thực sự của công ty.

Nhưng 2 năm sau, giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng gấp 3 lần, chủ yếu nhờ vào việc thực hiện hai chiến lược: thống trị thị trường sân nhà Trung Quốc và tìm kiếm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi.

Giữ chặt sân nhà, bành trướng ra nước ngoài

Tại Trung Quốc, Alibaba đang tận dụng hầu bao dồi dào của mình để rót vốn vào các startup đang trỗi dậy, nhằm củng cố vị thế thống trị trên thị trường công nghệ. Vào tháng 7, Alibaba đã liên kết với các nhà đầu tư khác để đổ 700 triệu USD vào dịch vụ chia sẻ xe đạp Ofo. Alibaba cũng đã đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực khác, bao gồm các dịch vụ video, trang hỏi đáp thông tin và các ứng dụng gọi xe.

Amazon đã đạt doanh thu 136 tỷ USD trong năm 2016, trong khi doanh thu của Alibaba trong năm tài chính gần nhất (kết thúc ngày 31/3) là vào khoảng 31 tỷ USD.

Vào năm 2015, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rúng động mạnh, cổ phiếu của Alibaba đã bị bán tháo khá nhiều trong bối cảnh nhiều người bi quan về sức khoẻ của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khi những lo ngại này giảm xuống, các nhà đầu tư đã quan tâm trở lại đến Alibaba. Công ty này đang giữ vị thế thống trị thị trường Trung Quốc, vốn có nhóm dân số thuộc tầng lớp trung lưu đông đảo hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này đã tạo đà tăng giá cho cho cổ phiếu của Alibaba tại Mỹ.

Thị trường Trung Quốc hiện vẫn đóng góp hơn 90% doanh thu của Alibaba, làm các nhà đầu tư lo ngại rằng công ty này bị phụ thuộc quá nhiều vào sân nhà. Nhưng năm ngoái, Alibaba đã thâu tóm trang thương mại điện tử Lazada ở Đông Nam Á. Tập đoàn này cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hệ thống thanh toán di động Alipay ở các quốc gia như Ấn Độ và Nga.

Amazon đã đạt doanh thu 136 tỷ USD trong năm 2016, trong khi doanh thu của Alibaba trong năm tài chính gần nhất (kết thúc ngày 31/3) là vào khoảng 31 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu của Alibaba là dựa vào việc tính phí những người bán hàng sử dụng các sàn thương mại điện tử của công ty, chứ không phải là doanh thu từ việc bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng như Amazon, do đó 2 con số này không thể được so sánh trực tiếp. Một điều ấn tượng là dù có doanh thu thấp hơn nhiều, nhưng Alibaba lại có lợi nhuận hoạt động 7 tỷ USD, bỏ xa mức 4,2 tỷ USD của Amazon.

Tìm kiếm tăng trưởng

Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc đối đầu giữa 2 gã khổng lồ thương mại điện tử. Hiện tại, 2 bên đang có sự phân định lãnh thổ khá rạch ròi: Amazon chủ yếu tập trung vào các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, trong khi Alibaba tập trung vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc nữa 2 bên sẽ so kè nhau quyết liệt tại các thị trường mới nổi, vốn vẫn còn rất nhiều dư địa chờ người khai phá.

Đông Nam Á và Ấn Độ là những chiến trường mới của các đại gia thương mại điện tử. Ảnh: Nikkei.

Cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên đã được khởi động tại Singapore. Mùa hè này, Amazon mở trung tâm phân phối đầu tiên tại Đông Nam Á tại đảo quốc này, vốn cũng là nơi đặt trụ sở công ty con Lazada của Alibaba.

Tại Ấn Độ, Alibaba đang cung cấp dịch vụ bán sỉ trực tuyến cho những người bán hàng, và đã đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương. Amazon thì đã đột nhập vào thị trường Ấn Độ từ năm 2013, và hiện giữ ngôi vị số 2 trong mảng bán lẻ thương mại điện tử. Hãng này cũng đã đầu tư vào các chuỗi cửa hàng bán lẻ địa phương.

Ngoài các thế mạnh về chất lượng sản phẩm và sức mạnh thương hiệu, Amazon còn có lợi thế là có nguồn thu từ những mảng kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng như dịch vụ điện toán đám mây. Trong khi đó, Alibaba đang phải đối mặt với những trở ngại về việc cải thiện chất lượng, ví dụ như tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn của hãng. Nhưng đồng thời, Alibaba cũng có những hệ thống dễ sử dụng như dịch vụ thanh toán Alipay.

Trận chiến Amazon-Alibaba chắc chắc sẽ còn kéo dài, nhưng có một điều chắc chắn là cuộc đối đầu giữa 2 đối thủ ở 2 đầu Thái Bình Dương này sớm muộn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.

D.T / Nikkei
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư