Tại sao giới kinh doanh đổ xô đi bán trà sữa?

Tổng chi phí để làm ra một ly trà sữa rẻ hơn rất nhiều so với các loại thức uống khác như cà phê hay sinh tố, nước ép... Kinh doanh trà sữa được cho là loại hình siêu lợi nhuận.

Không chỉ khu trung tâm quận 1, khu vực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đang được gọi là “thiên đường” trà sữa. Các thương hiệu lớn đều góp mặt trên con đường này.

Ông Trần Anh Khoa, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực F&B, và từng là chủ sở hữu một thương hiệu trà sữa với hệ thống gồm 15 cửa hàng, khẳng định không có ngành kinh doanh ăn uống nào siêu lợi nhuận như trà sữa.

Siêu lợi nhuận

Giá bán một ly trà sữa tại các quán thương hiệu ngoại giao động 50.000-70.000 đồng/ly; tùy khẩu vị, người uống có thể tự pha những hương vị mà mình thích. So với giá một ly trà sữa thông thường thì mức giá này cao gấp 2-3 lần. Đắt, nhưng quán nào cũng trong cảnh người mua xếp hàng dài, chờ 20-30 phút để được mua.

Ông Khoa là một trong những người bước vào kinh doanh trà sữa từ năm 2008, cùng thời với các thương hiệu nổi tiếng như Hoa Hướng Dương, -18 độ, Feeling Tea, H2O,… Với thương hiệu trà sữa IQ, chỉ trong vòng từ năm 2008 đến 2009, ông Khoa đã mở 15 cửa hàng.

Những quán trà sữa chi chít trên đường Phan Xích Long.

Sau sự cố hạt trân châu - một nguyên liệu làm trà sữa có pha polymer, xảy ra vào năm 2009, như nhiều thương hiệu khác, hoạt động kinh doanh của IQ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo ông Khoa, việc không thay đổi để thích ứng với xu hướng mới của giới trẻ đã khiến IQ và nhiều thương hiệu trà sữa đời đầu bước vào suy thoái.

Ông Khoa cũng cho rằng trà sữa bây giờ đã không còn là trà sữa nguyên bản nữa, mà là những sản phẩm lai. Sản phẩm trà sữa hiện nay không chỉ đơn thuần gồm nguyên liệu là trà và sữa, mà có sự kết hợp của nhóm cocktail, trái cây, nhiều hương vị khác.

“Cái hay của các thương hiệu trà sữa bây giờ là đã sáng tạo, cải biên ra nhiều vị khác nhau trên nền tảng trà sữa nguyên bản. Do đó, họ đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ”, ông Khoa bình luận.

Ông cũng cho rằng có 3 yếu tố khiến trà sữa trở thành một sản phẩm kinh doanh hút khách. Thứ nhất, sản phẩm này đã có những bước cải tiến liên tục để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ.

Thứ hai, đây là một sản phẩm dinh dưỡng với hai nguyên liệu chính gồm sữa và trà. Với thành phần chính gồm hai nguyên liệu này, trà sữa không chỉ thu hút giới trẻ mà còn phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng khác.

Yếu tố thứ ba, được coi là quan trọng nhất, chính là chi phí để làm ra một ly trà sữa.

“Tổng chi phí để làm ra một ly trà sữa rẻ hơn rất nhiều so với các loại thức uống khác như cà phê hay sinh tố, nước ép, từ đó dẫn đến kinh doanh trà sữa là loại hình siêu lợi nhuận”, ông Khoa nhận định.

Khách xếp hàng dài chờ mua trà sữa tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: HN.

Với những lý do trên, việc đầu tư vào trà sữa thời điểm này được nhiều người đánh giá an toàn hơn, tỷ lệ thất bại cũng thấp hơn đầu tư vào các nhóm ngành ăn uống khác.

Chỉ TP.HCM đã có 1.652 cửa hàng và 900 người bán online

Mới đây, The Coffee House tuyên bố sẽ gia nhập thị trường trà sữa bằng việc bắt tay với thương hiệu Ten Ren đến từ Đài Loan. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 40 cửa hàng trà sữa Ten Ren tại thị trường Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân quyết định tham gia thị trường này, CEO Nguyễn Hải Ninh của The Coffee House cho hay vì thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng và nhiều khoảng trống.

Trước đó, vào tháng 7, Golden Gate cũng gia nhập sân chơi này bằng việc khai trương cửa hàng Yu-tang tại Hà Nội. Một tháng sau đó, KFC, ông lớn trong ngành đồ ăn nhanh, đưa món trà sữa vào menu trên toàn hệ thống kinh doanh của mình.

Tealive, thương hiệu Malaysia, cũng gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP.HCM. Thương hiệu này không giấu tham vọng mở đến 100 sau 3 năm, hướng tới mục tiêu 300 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.

Theo số liệu thống kê từ Lozi, chỉ riêng tại TP.HCM hiện đã có 1.652 cửa hàng trà sữa và khoảng 900 người bán online. Tuy nhiên, các thương hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến với hệ thống kinh doanh bài bản thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Phúc Long, Koi The’, Gong Cha, Heekcaa, ShareTea, Ding Tea, Toco Toco, Goky…

Thậm chí, thương hiệu từng nổi đình nổi đám khoảng 1-2 năm về trước là Phúc Long, đến bây giờ cũng lắng đi nhiều trước sự gia nhập của nhiều tên tuổi khác.

Còn theo thống kê của một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, chỉ có chưa đến 10% tiệm trà sữa tại TP.HCM thực sự phát triển tốt, tương đương với khoảng dưới 200 cửa hàng.

Theo báo cáo từ Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016. Điều hấp dẫn nhất là thị trường trà sữa có tốc độ tăng trưởng 20% năm.

Một cuộc khảo sát gần đây cũng được thực hiện bởi Lozi cho thấy 53% người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Cứ mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm.

Liệu có sớm nở chóng tàn?

Tuy nhiên, do nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ, dễ thích ứng với cái mới nhưng lại dễ thay đổi, nhiều chuyên gia ngành hàng F&B cho rằng nếu các thương hiệu không chịu nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới thì sẽ bị đào thải trong tương lai không xa.

Một điều được dự báo sẽ cản tốc độ phát triển của các thương hiệu trà sữa tại các đô thị lớn chính là mặt bằng.

Thời gian gần đây, khi cơn sốt trà sữa bắt đầu quay trở lại, ông Khoa đang có kế hoạch mở lại chuỗi cửa hàng từng "chết". Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đặc biệt là việc không dễ dàng để có một mặt bằng ưng ý, ông cho biết đang cân nhắc việc hợp tác với các đối tác đã sở hữu hệ thống mặt bằng ổn định.

Liệu trà sữa có là loại hình kinh doanh sớm nở chóng tàn như từng xảy ra với bún đậu mắm tôm, lẩu băng chuyền, nướng xiên que?

“Bán cà phê thì có thể bán trong hẻm, nhưng trà sữa thì không. Vì vậy, mặt bằng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của loại hình kinh doanh này”, ông Khoa nhận định.

Bên cạnh đó, quán phải thiết kế đẹp, có phong cách đặc trưng mới giúp cửa hàng trà sữa thu hút được khách hàng trẻ.

Câu chuyện nhượng quyền lại được chính người trong cuộc cảnh báo. Ông Bryan Loo, người sáng lập Tealive, cho rằng thương hiệu này tại Malaysia hiện tại có 185 cửa hàng. 80% trong số đó được quản lý trực tiếp, chỉ có 20% thông qua mô hình nhượng quyền thương hiệu. Nhưng chủ các cửa hàng nhượng quyền này thường là thuộc họ hàng, người trong gia đình quản lý nên có mối quan hệ khăng khít với nhau.

"Mô hình nhượng quyền thương hiệu với sản phẩm này khá rủi ro và nguy hiểm. Nhà đầu tư có thể có nhiều vốn để nhượng quyền thương hiệu, nhưng lại không có đủ tâm huyết khi nhận quản lý thương hiệu, nên chúng tôi muốn thật sự cẩn thận", ông Bryan Loo nói.

Ông Khoa thì cảnh báo rằng khi có nhiều thương hiệu gia nhập thị trường thì việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trong cuộc chiến đó, sẽ có những thương hiệu bị rớt khỏi cuộc chơi.

Hồng Nguyên
Nguồn Zing News