“Cà phê thật”: Chiêu quảng cáo "đánh vào sự sợ hãi" của Masan?

Quảng cáo "Cà phê chỉ làm từ cà phê” nhằm tuyên chiến với cà phê pha tạp, cà phê giả của Vinacafe gần đây thực chất chỉ là một trong vô vàn chiêu "đánh vào sự sợ hãi người tiêu dùng" của Tập đoàn Masan - đơn vị quản lý lên chiến lược marketing cho Vinacafe Biên Hòa.

Việc quảng cáo “cà phê thật” hay “cà phê chỉ làm từ cà phê” của Vinacafe gần đây đang bị dư luận “bóc trần” một số thông tin chưa chính xác từ việc sử dụng khái niệm sản phẩm "ngon nhất" cho tới việc sử dụng phụ gia trong hầu hết các sản phẩm.

Với những người trong nghề thì họ cho rằng: Đây có thể chỉ là một trong rất nhiều những “chiêu trò” PR của Masan Consumer (công ty đang khai thác rất nhiều nhãn hàng của Tập đoàn Masan), đơn vị quản lý lên chiến lược marketing cho Vinacafe Biên Hòa.


Quảng cáo "cà phê thật" đánh vào nỗi sợ hãi của NTD

Khi vụ nước tương chứa chất 3-MCPD vượt mức cho phép bùng phát năm 2005 tại Việt Nam, có rất nhiều người trong ngành chế biến thực phẩm nghi ngờ “do Masan gây ra”, vì cùng lúc đó hàng loạt sản phẩm nước tương của Masan tuyên bố không có 3-MCPD gây ung thư thì gần 80% số cơ sở sản xuất nước tương đều bị dính nghi vấn chứa chất này.

"Bằng chứng" để giới trong ngành càng nghi ngờ là ngay sau đó Masan tung ngay ra chiến dịch quảng cáo tặng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy 3-MPCD trong nước tương của họ (mặc dù chất này luôn có trong nước tương, chỉ khác là dưới ngưỡng hay trên ngưỡng mà thôi). Các quảng cáo này của Masan dường như đã chuẩn bị trước.

Nhưng rồi, những ồn ào đó cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng và Masan nhanh chóng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường nước tương.

Tiếp tục đánh vào nỗi sợ hãi của người dùng, Masan tung ra loạt quảng cáo sản phẩm mì ăn liền như "Mỳ Tiến Vua - Mỳ vì sức khỏe" không phẩm màu độc hại E102 (còn có tên màu tổng hợp Tartranzine 102). Chất này rất độc hại và đã được cấm dùng tại Nhật, Mỹ và một số nước Châu Âu.

Quảng cáo ngay lập tức tạo cảm giác lo sợ về việc ăn phải loại mỳ có chứa chất độc hại và chỉ tin tưởng mỳ Tiến Vua của Masan mới là loại tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, sau khi Vina Acecook lên tiếng phản đối TVC quảng cáo của Masan vì đưa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì đồng thời người dân cũng phát hiện sản phẩm Omachi và Mì Tiến Vua( loại cũ) của Masan đều in trên bao bì thành phần có chất E102.


Masan từng tuyên bố sẽ tặng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy 3-MCPD trong nước tương của họ nhưng một nguồn tin khác lại cho biết: Chinsu bị phạt vì chứa chất 3-MCPD quá ngưỡng cho phép.

Như vậy, vô tình Masan đã tự nhận một sản phẩm khác của mình có chất "gây độc hại E102" trong chính sản phẩm mì cao cấp của Masan. Chưa kể tới việc TVC quảng cáo mì Omachi làm từ khoai tây, nhưng thực tế chỉ có 1 lượng rất nhỏ là làm từ khoai tây.

Không dừng lại việc lùm xùm về nước tương, mì ăn liền, Masan còn quảng cáo “nước mắm ngon vì sức khỏe” nhưng nước mắm Nam Ngư lại sử dụng chất E155 trong sản phẩm. Chất E155 là chất hoàn toàn không có trong danh mục chất phụ gia mà Bộ Y tế thông qua và công bố. Đồng nghĩa với việc chất này bị cấm sử dụng ở nước ta.

Bên cạnh đó, trong quảng cáo của nước mắm Nam Ngư phát sóng rộng rãi trên truyền hình, người con nhìn bát nước mắm ngon muốn chấm, người mẹ ngăn lại vì “trong nước mắm vẫn còn vi khuẩn”. Cậu bé vặn lại: nước mắm đã đun sôi rồi thì người mẹ trả lời tiếp “ngay cả nước mắm đã đun sôi vẫn chưa hết sạch vi khuẩn”.

Phản bác thông điệp gây hoang mang cho người tiêu dùng này, trên tờ Đất Việt online, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) bức xúc: “Đúng là vớ vẩn. Nếu là nước mắm đúng nghĩa nước mắm chắt thì không có vi khuẩn nào hết!”.

Theo giới trong ngành, chiến lược marketing “cà phê chỉ làm từ cà phê” nhằm tuyên chiến với cà phê pha tạp, cà phê giả của Vinacafe Biên Hòa gần đây thực chất chỉ là một trong những cách quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, quảng cáo “hạt nêm Chinsu không bột ngọt” của Masan cũng vướng vào cái bẫy mà chính họ giăng ra.

Tiêu tốn hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động quảng bá “không bột ngọt” (có tên khoa học là chất điều vị 621), tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, hàm lượng monosodium glumate (bột ngọt) trong sản phẩm này là 1,21% (theo thông tin trên báo điện tử VTC News).

Chiến dịch quảng cáo này còn bị một vài chuyên gia marketing bàn luận ở góc độ đạo đức. Còn từ góc độ chiến lược, hạt nêm Chinsu có thể được xem là bài học nữa chứng minh cho việc Masan đã tự “gậy ông đập lưng ông”.

Và đến giờ là “Cà phê chỉ làm từ cà phê” của Vinacafe Biên Hòa không dùng phụ gia tạo hương, nhưng trong tất cả các sản phẩm của mình đều có ghi rõ trên bao bì là có phụ gia tạo hương như Wake up Hương chồn với chất tạo hương chồn, hay Vinacafe sữa vàng với phụ gia tạo hương coffee tự nhiên.

Như vậy, tổng kết tất cả những điều trên để thấy: Trong chiến lược quảng cáo của Masan, các nhãn hàng mà Masan sở hữu đều tuyên bố “vì sức khoẻ người tiêu dùng”, nhưng những gì mà Masan làm đều đi ngược lại những tuyên bố mà Masan đã đưa ra.

Nguồn Báo Giáo Dục