Các ngân hàng Việt Nam đang đổ xô vào cuộc chiến bán lẻ đầy rủi ro

Các ngân hàng nhận thức được sự đa dạng hóa, lợi nhuận và ngân hàng số vẫn là những thách thức lớn trong ngành ngân hàng bán lẻ đang phát triển.

Theo nhận định từ một bài báo mới đây của Shenming Wang và Christian Kapfer trên tờ The Asian Banker, thị trường dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương trong năm nay.

Theo dự kiến, ​​tài sản bán lẻ của ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tăng 29% so với năm 2016, còn CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) của doanh thu bán lẻ sẽ đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam là thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, với chỉ 20% dân số có tài khoản ngân hàng, và 6% sở hữu thẻ tín dụng. Nhiều người Việt Nam vẫn lạc quan về tương lai với đà tăng trưởng GDP hơn 6%, và muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư sau một thời gian dài duy trì tỷ lệ tiết kiệm nội địa ở mức cao.

Các ngân hàng Việt Nam đang chuyển từ việc ưu tiên phục vụ doanh nghiệp sang mảng bán lẻ, trước tình hình là các khoản tiền gửi đang khá dồi dào và tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp ở mức thấp.

5 năm trước, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng một kế hoạch tái cấp vốn cho 5 ngân hàng nhà nước, và thực hiện việc áp dụng Basel II và các tiêu chuẩn quốc tế khác, từ đó làm tăng niềm tin của công chúng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đã được cải thiện trở lại sau cuộc khủng hoảng nợ xấu giữa năm 2012 và 2013, vốn đã làm giảm tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Nhưng ngành ngân hàng bán lẻ Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính: 1) Thiếu sự khác biệt và đột phá về sản phẩm, 2) Quy trình và cơ sở hạ tầng tương đối yếu, 3) Khả năng sinh lời thấp và 4) Chưa phát triển được gói dịch vụ toàn diện phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Thu nhập mảng ngân hàng bán lẻ của Việt Nam (tỷ USD) từ năm 2012 tới năm 2020 (chữ f là dự báo). Ảnh: The Asian Banker.

Đi tìm sự khác biệt giữa cuộc chiến giá cả

Mảng ngân hàng bán lẻ Việt Nam chỉ bắt đầu tăng trưởng kể từ năm 2015. Các ngân hàng bán lẻ Việt Nam, sau khi đã hoàn tất việc ra mắt các sản phẩm cơ bản, giờ đây đang chuyển hướng tập trung từ khâu bán hàng sang việc giành thị phần và cạnh tranh bằng giá cả. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại muốn có sự hợp nhất nhiều hơn giữa các ngân hàng, và tới năm 2018 thì các ngân hàng nước ngoài sẽ được tiếp cận đầy đủ thị trường Việt Nam, theo luật của WTO.

Trong giai đoạn đầu phát triển của ngành ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam đang tạo ra sự khác biệt bằng cách tung ra những sản phẩm phức tạp hơn, như các công cụ quản lý tiền mặt và thanh khoản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các dịch vụ quản lý tài sản.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì mức lãi suất ròng từ 2,3% tới 4,6%.

Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội bán chéo cho những khách hàng đang có, và giới thiệu nhiều sản phẩm có thu phí như gói bảo hiểm và thẻ tín dụng. Trong cuộc chơi này, yếu tố tiên quyết là chất lượng dịch vụ và năng lực bán hàng. Các mô hình mới đang được giới thiệu và triển khai để chuyển từ hoạt động kinh doanh dựa trên quy mô vốn lớn sang hướng ưu tiên chất lượng dịch vụ.

Việc khách hàng thiếu lòng trung thành và hay có khuynh hướng chuyển đổi ngân hàng vẫn là một thách thức lớn. Trên thực tế, việc thị trường bị phân mảnh là một điểm khá nổi bật ở Việt Nam so với Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để xác định xem điều này ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng và ngân hàng ra sao.

Áp dụng Basel II

Vào đầu năm 2017, NHNN đã đưa ra một chỉ thị nhằm mục đích tái cấu trúc các định chế tài chính và giải quyết các khoản nợ xấu, đưa ngành ngân hàng vào khuôn khổ Basel II và đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Áp dụng các tiêu chuẩn Basel II ở Việt Nam là cần thiết để hội nhập hệ thống ngân hàng toàn cầu, bảo vệ khách hàng, và giảm rủi ro khi quy mô ngành ngân hàng Việt Nam đang tăng lên và có nhiều sản phẩm tài chính mới.

Diễn biến tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Ảnh: The Asian Banker.

Số liệu từ NHNN cho thấy ngành tài chính Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu, từ mức cao là khoảng 4,93% trong năm 2012 xuống còn khoảng 2,46% vào quý IV/2016.

Theo một thông tư do NHNN ban hành gần đây, các ngân hàng thương mại đang hướng tới mức CAR (tỷ lệ an toàn vốn) tối thiểu là 8% kể từ năm 2020. Theo một báo cáo từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mức CAR tối thiểu của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2017 ước đạt 11,3%.

Cải tiến công nghệ

Các ngân hàng Việt Nam cũng đang ưu tiên nhiều hơn cho việc tự động hóa các quy trình. Hầu hết các ngân hàng đã tập trung hóa được các quy trình ra quyết định cho vay, hệ thống hóa hoạt động bán hàng và cắt giảm thủ tục cấp tín dụng. Những ngân hàng tân tiến hơn cũng đã liên kết với các trung tâm thông tin tín dụng để thiết lập quá trình ra quyết định tự động, cho phép duyệt các hồ sơ cho vay gần như ngay lập tức đối với các phân khúc khách hàng nhất định.

Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đang tập trung chú ý vào việc tăng cường quản lý rủi ro tín dụng và củng cố hoạt động, nhưng họ cũng đang ngày càng chú ý tới việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin (MIS) và quan hệ khách hàng (CRM). Việc đầu tư thêm vào công nghệ, quản lý rủi ro và tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng sẽ là điều thiết yếu để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Việc số hóa có tiềm năng là điều làm thay đổi cuộc chơi trong mọi khía cạnh của ngân hàng bán lẻ Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội hơn bằng cách kết hợp các sản phẩm hiện có và các khoản thu nhập mới để mở ra các thị trường mới. Các dịch vụ ngân hàng có thể được cá nhân hoá cho từng hồ sơ khách hàng với việc tích hợp các phân tích dữ liệu lớn, thu thập dữ liệu truyền thống và các nguồn dữ liệu thay thế, chatbots hoặc các nhà tư tài chính bằng trí tuệ nhân tạo.

Số hóa và rủi ro thị trường

Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang bắt tay vào việc số hóa để tạo ra những cơ hội mới để nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Thịnh vượng Việt Nam (VPBank) đang tái thiết kế các quy trình của mình đối với việc tự động hoá và số hóa, số kênh phân phối dịch vụ được truy cập thông qua máy tính và các thiết bị di động.

Việc số hóa có tiềm năng là điều làm thay đổi cuộc chơi trong mọi khía cạnh của ngân hàng bán lẻ Việt Nam.

VP Bank có tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,9% vào cuối năm 2016 trong khi mức trung bình cả nước theo NHNN là 2,46%. VP Bank đang cố gắng giảm tỷ lệ này thông qua việc sử dụng dữ liệu lớn để tạo mô hình tính điểm tín dụng cho khách hàng bán lẻ, từ đó quyết định phê duyệt và xử lý tín dụng. Điều này cho phép ngân hàng kiểm soát hiệu quả những rủi ro liên quan đến việc tăng trưởng doanh số lớn của các sản phẩm bán lẻ.

VPBank cũng đã bắt đầu tính toán thường xuyên CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) của mình theo chuẩn của Basel và NHNN, cải thiện quản trị rủi ro theo các khuyến nghị Basel. Bước sang năm 2018, chất lượng dữ liệu và việc thực hiện các giải pháp tích hợp rủi ro sẽ là những ưu tiên hàng đầu đối với ngân hàng. VPBank cũng tập trung đào tạo nhân viên để xây dựng kỹ năng và chuyên môn thông qua 150 buổi đào tạo trong năm qua bởi các chuyên gia quốc tế.

Tình trạng hiện tại của cuộc đua

Trước năm 2012, các ngân hàng nước ngoài đã thống trị thị trường cho vay mua nhà trả góp tại Việt Nam nhưng ngày nay, các ngân hàng địa phương mới là những tay chơi lớn. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển từ mua bằng tiền mặt sang tín dụng thế chấp. Các khoản cho vay thế chấp tại Việt Nam chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng, còn tại Indonesia và Philippines thì con số này lần lượt là 10,5% và 8,2%. Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án bất động sản mới đã được tung ra tại Hà Nội và TPHCM đã bắt đầu làm mất cân bằng cung cầu nhà ở, khiến tăng trưởng ngành bất động sản trong năm 2016 thấp hơn 2015. Báo The Asian Banker (TAB) cho rằng xem xét liệu việc cho vay thế chấp hoặc sở hữu nhà có bị ảnh hưởng trong tương lai hay không.

Cũng theo TAB ước tính, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 40% trong năm 2017. Các ngân hàng đang chấp nhận rủi ro, với dự kiến ​​sẽ thu được lợi nhuận cao. Việc tung ra các sản phẩm thẻ bạch kim (platinum) và đồng thương hiệu (co-branded card) đã tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2016, nhưng các ngân hàng trong nước phụ thuộc quá nhiều vào việc lấp đầy khoảng trống sản phẩm và bắt chước các sản phẩm thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài.

Mọi ngân hàng đều muốn vượt HSBC trong phân khúc thẻ cao cấp, nhưng hầu hết không mang lại được một gói dịch vụ toàn diện hơn. Với chiến lược tìm kiếm khách hàng dữ dội, nhiều ngân hàng nội đang hạ thấp mức thu nhập hàng tháng tối thiểu để mở thẻ tín dụng xuống còn 90 USD (hơn 2 triệu đồng). Các ngân hàng tầm trung và nhỏ thậm chí còn chấp nhận mức rủi ro cao hơn. Tỷ lệ chậm thanh toán nợ thẻ tín dụng đã tăng lên và nằm trong khoảng từ 3-14% tại các ngân hàng mà TAB đã gặp hoặc trao đổi.

Khả năng sinh lời trong lĩnh vực thẻ tín dụng, vốn được tính bằng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), vẫn ở mức thấp hoặc âm đối với hầu hết các ngân hàng, một phần do đây chỉ là một mảng kinh doanh nhỏ. Mảng kinh doanh thẻ tín dụng của các ngân hàng ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 các ngân hàng ở những thị trường mới nổi khác trong ASEAN. Các ngân hàng Việt Nam đang hướng tới việc tập trung vào các sản phẩm ở mức độ cá nhân, thay vì chú trọng vào giá trị trọn đời (lifetime value) của khách hàng để nâng cao khả năng sinh lợi và quản lý thiệt hại.

Theo TAB ước tính, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 40% trong năm 2017.

Khả năng sinh lợi cũng là một vấn đề trong mảng dịch vụ quản lý tài sản. Các ngân hàng vẫn còn thiếu quy mô, khả năng phân tích theo nhu cầu, và gói dịch vụ thực sự hữu ích. Sự đóng góp của thu nhập từ đầu tư và phí bảo hiểm vào tổng thu nhập của mảng này vẫn còn thấp. Thị trường ôtô Việt Nam hiện đang phát triển và dự kiến ​​đạt đỉnh vào khoảng năm 2025. Nhu cầu cho vay mua xe sẽ tăng mạnh trong những năm tới, nhưng rủi ro có thể sẽ tăng lên với hàng loạt xe mới và rẻ hơn xuất hiện trong năm 2017, bên cạnh sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Ảnh hưởng của công nghệ tài chính (fintech)

Việt Nam đang ở giữa làn sóng công nghệ fintech lần thứ hai, chuyển trọng tâm cải thiện năng suất từ hướng tập trung vào ​​ngân hàng sang tập trung vào khách hàng. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi việc triển khai hiệu quả các hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) và robot, dẫn đến năng suất cao hơn với chi phí thấp hơn.

Những thay đổi về công nghệ đang được áp dụng trong toàn khu vực Đông Nam Á với tốc độ và quy mô lớn, có nguy cơ khiến nhiều ngân hàng Việt Nam bị tụt hậu. Trong khi các ngân hàng đang tích cực bỏ tiền ra mua công nghệ tốt, việc tích hợp chúng vào cấu trúc hiện hành không phải là dễ dàng. Để thành công, các ngân hàng cần phải bắt đầu tính đến trải nghiệm của khách hàng, trước khi suy nghĩ về công nghệ.

Tại một hội nghị của TAB chuyên về tương lai ngành tài chính Việt Nam, ông Steve Monaghan, giám đốc sáng tạo của ​​Gen Life, nhận xét rằng khâu thiết kế ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ công nghệ tài chính. Trong hội thảo này, 3 xu hướng sẽ định hình tương lai của ngành ngân hàng bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam được xác định là: dữ liệu & AI, khả năng kết nối mọi nơi (ubiquitous connectivity) và khả năng duy trì liên lạc với con người (human touch).

Giới lãnh đạo ngân hàng cần hiểu rằng việc chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sẽ phải chịu nhiều chi phí ban đầu mà không đem lại lợi ích ngay tức thì. Việc giao tiếp với các bên liên quan, khách hàng và nhân viên cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng việc áp dụng kỹ thuật số thành công.

Đặt kỹ thuật số lên đầu

Một số ngân hàng mới đã ứng dụng các thay đổi công nghệ nhanh hơn và rộng rãi hơn các ngân hàng khác. Được thành lập năm 2008, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đưa ra những ưu tiên chiến lược rõ ràng để trở thành ngân hàng số tốt nhất tại Việt Nam.

3 xu hướng sẽ định hình tương lai của ngành ngân hàng bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam được xác định là: dữ liệu & AI, khả năng kết nối mọi nơi và khả năng duy trì liên lạc với con người.

TPBank đã có nền tảng vững chắc về fintech và có lợi thế trong việc áp dụng các công nghệ mới cho các giải pháp ngân hàng tự động và kỹ thuật số và phát triển sản phẩm. Dự án "LiveBank" của TPBank đa dạng hóa các kênh giao dịch và cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7, cung cấp nhiều điểm truy cập dịch vụ hơn để mở rộng khả năng tiếp cận của khách hàng và giảm thời gian giao dịch.

TPBank có có duy tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp hơn mức quy định của NHNN vào cuối năm 2016 với chỉ 0,7%, tăng nhẹ 0,03% so với năm trước. TPBank đang tích cực tăng cường quản lý rủi ro và hướng tới tuân thủ Basel II, áp dụng các tiêu chuẩn tương đương với 10 ngân hàng Việt Nam hàng đầu.

Thúc đẩy tài chính toàn diện

Khi nền kinh tế trên đà tăng trưởng, xuất hiện mục tiêu mới là tìm cách tăng độ phủ sóng dịch vụ tài chính tại Việt Nam, khi mà tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng mới ở mức khoảng 20%. Những ngân hàng lớn nào không thể giải quyết vấn đề này sẽ là người thua cuộc, một khi các doanh nghiệp khác đưa ra những mô hình kinh doanh sáng tạo và chiếm lĩnh thị phần. Các quy định và luật mới cũng mở đường cho các mô hình và công nghệ mới trong việc đưa dịch vụ tài chính đến với nhiều người dân hơn.

Theo TAB, tốc độ và quy mô của những công ty đang mở rộng phủ sóng dịch vụ tài chính là yếu tố thách thức các điều kiện cơ bản của ngành ngân hàng Việt Nam, và giảm chi phí giao dịch là một trong những chiến lược chính để duy trì lợi nhuận. Những định chế tài chính nào không thể xử lý chi phí và rủi ro một cách hiệu quả sẽ thua thiệt trong dài hạn. Các ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam phải phát triển một nền văn hoá kinh doanh có khả năng thích ứng, gia tăng sự hiểu biết về khách hàng và khả năng đón nhận phản hồi.

Phía Nhà nước đang khuyến khích các công ty tham gia vào hệ sinh thái dịch vụ tài chính để tạo sự cạnh tranh, các ngân hàng không còn coi fintech là đối thủ cạnh tranh mà là cơ hội, còn người tiêu dùng đang ngày càng thông minh hơn và muốn tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện.

Đạt được sự cân bằng

Trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, các ngân hàng đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn với kỳ vọng thu về lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khâu dịch vụ khách hàng và bán hàng thường không được như mong muốn, vì cầu vượt quá cung. Việc phân phối và bán hàng là rất quan trọng đối với các ngân hàng.

Trong giai đoạn đầu của việc phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ như hiện nay, các ngân hàng đang chịu áp lực để cải thiện sản phẩm trong khi vẫn phải đối mặt với lãi suất cao, giữa lúc chuyển đổi mô hình kinh doanh để tập trung hơn vào dịch vụ và giao dịch.

Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật số đang góp phần thúc đẩy độ phủ sóng dịch vụ tài chính ở Việt Nam, khi các ứng dụng di động giúp hàng triệu người tiếp cận các dịch vụ tín dụng và tài chính. Không bị ràng buộc bởi các hệ thống và tư duy cũ, Việt Nam đang có lợi thế hiếm có để phát huy tối đa xu hướng ngân hàng số. Giới ngân hàng nhận thức được rằng khả năng tạo ra sự khác biệt, thu về lợi nhuận và xây dựng chiến lược kỹ thuật số theo định hướng khách hàng vẫn là những thách thức lớn. Với những ai biết cách cân bằng hợp lý giữa rủi ro và lợi nhuận, một tương lai lâu dài bền vững đang chờ đợi.

Bá Ước / The Asian Banker
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư