Tối ưu quyền năng nội bộ trong quảng bá thương hiệu thông qua sự kiện

Đổ tiền tỉ vào các hoạt động truyền thông tiếp thị bên ngoài, các nhãn hàng lại đang bỏ qua những “vũ khí lợi hại” ngay bên trong tổ chức - công cụ truyền thông không tốn phí nhưng có sức ảnh hưởng phi thường trên lộ trình lan tỏa “tôn giáo” của DN đến với khách hàng và đối tác.

Vừa qua, tại Nhà hát VOH - Music One - Opera House , Đài Tiếng nói Nhân Dân Việt Nam, Trường Doanh Nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Vietnam) đã tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm thành lập với chủ đề “Một thập kỉ tiếp nối” nhằm tri ân khách hàng, đối tác thân thiết.

Như bao sự kiện kỷ niệm thành lập khác, chương trình cũng được trình bày “đủ món” với các phần phát biểu, clip trình chiếu, biểu diễn nghệ thuật, tri ân, bốc thăm trúng thưởng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý và gây xúc động lẫn thán phục cho người tham dự chính là toàn bộ các tiết mục và nhân sự của chương trình, từ MC, ca sĩ, vũ đạo đều được biểu diễn bởi các thành viên bao gồm cả ban lãnh đạo và nhân viên của “nhà Dale”, vốn là những con người hết sức bình thường nhưng đã thực sự “biến đổi” và tỏa sáng trong hai giờ “vàng” của sự kiện.

Khi “cây nhà lá vườn” trổ bông

Trên thực tế, Dale Carnegie không phải là DN duy nhất khai thác tài năng của “đội nhà”. Tại các sự kiện nội bộ như lễ tri ân, kỉ niệm thành lập, các DN nổi bật như FPT, Viettel, Techcombank, Vietjet Air đều khuyến khích nhân viên thể hiện tài năng trong vài tiết mục. Tuy nhiên, các tiết mục mới chỉ dừng lại ở hình thức hát, nhảy flashmob đơn giản và sự kiện cũng thường để “tự sướng” nội bộ.

Vì vậy, Dale Carnegie đã cho thấy một tinh thần “yêu nước” hiếm có khi sử dụng hết nhân viên để đầu tư biểu diễn cho cả một chương trình lớn. Các hình thức nghệ thuật cũng được phát triển đa dạng và ở mức cao hơn từ nhảy hip hop, tạp kĩ, đơn ca, tốp ca, đồng ca, đọc rap, diễn kịch và đỉnh cao là màn múa “kể chuyện” được biên soạn thành nhiều chương. Tất cả kết hợp thành một buổi biểu diễn được tổ chức trong nhà hát có tính nghệ thuật cao nhưng vẫn truyền tải được thông điệp nhất quán, mang lại một sinh khí mới cho một sự kiện vốn “lễ nghi” và rập khuôn.

Khán giả, là những khách hàng nhiều năm của Dale Carnegie không khỏi bất ngờ khi nhận ra những “gương mặt thân quen” nay “hoán đổi” và xuất hiện trong nhiều “vai diễn” khác nhau, khi là họa sĩ, ca sĩ, khi là vũ công dance sport, khi là một ảo thuật gia tài tình, khi là một anh chàng múa côn điệu nghệ,…

Những tràng vỗ tay dồn dập, những tiếng huýt sáo, trầm trồ, những cái ôm chặt, những lời tưởng thưởng từ những khán giả vốn là những nhà lãnh đạo, các quản lý cấp cao, chủ doanh nghiệp lớn có “gu thưởng thức” vốn không dễ chiều lòng dành cho các “nghệ sĩ”, có lẽ không hẳn là vì sự đánh giá cao về độ xuất sắc của các tiết mục mà chính là những cảm xúc ngạc nhiên, hứng thú trước những bất ngờ mà nhà Dale đã tạo ra.

Sự can đảm, bản lĩnh của đội ngũ Dale Carnegie VN khi mạnh dạn bước lên sân khấu và thể hiện tài năng trước hàng trăm khách mời chính là lời tuyên ngôn, minh chứng “hùng hồn”cho thông điệp biến đổi đột phá Dale Carnegie mà đã truyền cảm hứng trong suốt hơn 100 năm qua trên toàn thế giới, khi dám “thay đổi bản thân để thay đổi cách nhìn thế giới về mình, từ đó làm thay đổi thế giới.

Ba điểm nhấn ấn tượng

Thông thường, một sự kiện sẽ được xem là thành công khi đạt được những hiệu quả ở ba góc độ kinh doanh, thương hiệu và truyền thông. Thoát ra khỏi phạm vi của một sự kiện nội bộ, sự kiện kỷ niệm 10 năm của Dale Carnegie Việt Nam có lẽ đã hoàn thành được cả ba mục tiêu này khi vừa tiết kiệm chi phí, vừa định vị thương hiệu rõ ràng và lan tỏa độ phủ truyền thông đến đối tượng mục tiêu nhờ vào 3 yếu tố: ý tưởng sáng tạo (creativity), sự xuyên suốt (penetration), sự liên quan (relevance).

Ý tưởng sáng tạo (Creativity)

Sự sáng tạo, khác biệt được nhà Dale chăm chút cho hầu hết những chi tiết của sự kiện dù là nhỏ nhất.

Đầu tiên, trước hai tuần khi sự kiện diễn ra, thay vì gửi email hay thiết kế thiệp mời đơn điệu như thông thường Dale Carnegie Việt Nam gửi thư mời điện tử và Agenda bằng video dài 30 giây kèm nhạc hiệu chủ đề – một hình thức teasing tạo ấn tượng, thể hiện sự tôn trọng đối với người được mời.

Doorgift cho khách mời cũng không phải là một món quà xa xỉ nhưng lại được Dale “thả hồn” bằng những cánh bướm được gấp giấy thủ công bởi chính nhân viên của Dale kèm những câu châm ngôn có ý nghĩa cho từng đối tượng. Cá nhân tôi được nhận một câu như thế này: “Thay đổi tư tưởng của chính mình, rồi bạn sẽ thay đổi cả thế giới - Norman Vincent Peale”.

Doorgift là những cánh bướm được gấp bằng giấy thủ công và chiếc USB nhỏ gọn khắc logo Dale Carnegie.

Thứ hai, đồng phục áo dài Dale Carnegie được thiết kế riêng biệt và “cá nhân hoá” dựa trên tính cách của từng thành viên nhà Dale, thể hiện nét đặc trưng văn hóa của doanh nghiệp, khơi dậy niềm tự hào của các nhân viên với mặt trước hình vẽ các thành viên trong công ty, mặt sau là bài thơ Đời Dale do chính CEO sáng tác.

Áo dài đồng phục Dale Carnegie với “bút tích” độc đáo cũng chính là những câu chuyện sinh động của nhà Dale.

Thứ ba, Dale kết hợp đa dạng các thể loại biểu diễn từ hát, múa tương tác với màn hình Led, nhảy hiện đại, diễn kịch kết hợp dàn đèn follow, âm thanh vòm của rạp hát, hiệu ứng khói sáng nhằm mang lại trải nghiệm đa giác quan cho khán giả, để có thể kể lại câu chuyện của DC Việt Nam một cách trọn vẹn, đa sắc màu. Đặc biệt, tiết mục múa bướm mở màn do đích thân vị CEO của Dale Carnegie biểu diễn đã gây được sự chú ý ngay từ những giây phút đầu tiên của chương trình và duy trì liên tục cho đến khi kết thúc.

Sự xuyên suốt (Penetration)

Một sự kiện dù lớn hay nhỏ đều phải được kiểm soát thời gian chặt chẽ, tận dụng từng khoảnh khắc để tạo nên điểm chạm thương hiệu, kết nối cảm xúc của khán giả tới thông điệp mà DN muốn truyền tải.

Để có thể duy trì được tiết tấu và giữ không khí trong thời gian dài, ngoài kết cấu chặt chẽ của kịch bản sự kiện, nhất quán của chủ đề sự kiện hay thông điệp luôn được DN và các nhà tổ chức đặt lên hàng đầu.

Chủ đề của chương trình là “Một thập kỉ tiếp nối” đã được cụ thể hóa thông qua chuỗi các tiết mục biểu diễn theo 4 phần, kể lại hành trình tiến hóa” của Dale Carnegie Vietnam qua 4 chương: Tiên phong – Độc đáo – Tự hào – Làm gương. Thông điệp xuyên suốt đã liên tục được “nhắc lại” trực quan bằng các tiết mục biểu diễn thông qua các tổ hợp múa khối, di chuyển đội hình liên tục, sử dụng đạo cụ tương tác, kết nối như màn hình LED, dây lụa, v.v.

Ngoài ra, thông qua doorgift đội ngũ Dale muốn gửi gắm nhiều thông điệp: chiếc USB biểu tượng cho chức năng kết nối và lưu giữ, đôi bướm thể hiện thông điệp mỗi một người trong chúng ta có một người bạn đồng hành trong cuộc sống trên hành trình biến đổi đột phá; mẩu giấy đính kèm một câu châm ngôn với ý nghĩa mỗi người hãy tìm và giữ cho bản thân một triết lý sống độc đáo để tạo ra sự khác biệt.

Không thể phủ nhận sức mạnh lan tỏa kì diệu của âm nhạc đã làm nên thành công trong các chiến dịch truyền thông gần đây của các nhãn hàng. Với 2 bài hát chủ đề DC – My life and My love và Nhạc Khúc Dale Carnegie, được nhạc sĩ Đức Thịnh chấp bút, Dale muốn thể hiện tinh thần gắn kết thông qua sự trình diễn đầy cảm xúc bởi chính Ban lãnh đạo và toàn bộ nhân viên.

Sự gắn kết, tiếp nối còn thể hiện qua hình thức dựng clip testimonial nội bộ khi nhân viên lần lượt trở thành “người phát ngôn” cho tổ chức của mình. Các nhân viên lần lượt xuất hiện trên màn hình, không cầu kỳ kỹ xảo với phát biểu ngắn gọn, mộc mạc về Dale Carnegie và những giá trị Dale mang lại, cũng như cách mà họ đã biến đổi đột phá như thế nào, họ tự hào ra sao với tổ chức và đã gắn bó vì những điều gì.

Những câu nói mang dấu ấn của từng cá nhân: truyền cảm hứng, chân thành, độc đáo, khác biệt, nhìn thấy tương lai, sống đúng với giá trị tổ chức,…đã thay cho lời khẳng định đầy tự hào của Dale về thành tựu đến các đối tác khách hàng có mặt trong khán phòng.

Ngoài ra, các thành viên của Dale diễn lại một cuộc họp nội bộ của công ty, qua đó kể những câu chuyện thành công của khách hàng đã tốt nghiệp sau khi đã chuyển hóa tại Dale Carnegie. Dale Carnegie đã rất khôn khéo khi sử dụng công cụ testimonial bằng panel talk để thông qua nhân viên – “khách hàng bên trong” truyền thông gián tiếp cho khách hàng bên ngoài, tạo nên sức thuyết phục cao.

Dale đã khôn khéo tôn vinh khách hàng cũng chính là khẳng định vai trò tạo biến đổi của mình thông qua hoạt cảnh “tám” nội bộ.

Sự liên quan (Relevance)

Truyền thông thông qua sự kiện vốn là “cuộc chơi tốn tiền” và là một bài toán khó cho một thương hiệu về đào tạo hướng tới con người như Dale Carnegie. Chính vì thế, việc kể chuyện “nhà mình” thông qua “hình ảnh hóa” các tiết mục biểu diễn, tối ưu nhận diện và nội dung là một hướng tiếp cận dễ đi vào lòng người nhất mà Dale đã làm được.

Ở chương đầu tiên thông điệp “Tiên phong” đã được thể hiện bằng tiết mục múa bướm đầy tính đặc tả. Bướm là biểu tượng logo mới của Dale Carnegie và hình ảnh bướm chui ra từ kén giúp ta liên tưởng tới sự “biến đổi đột phá”, cũng chính là triết lý “Transformation”, thể hiện sự mới mẻ, uyển chuyển, đa sắc màu, linh hoạt, khả năng thích ứng, tiên phong của Dale Carnegie.

Tiết mục múa bướm đặc sắc mở màn cho chương trình của vị thuyền trưởng “nhà Dale”.

Tinh thần “Độc đáo” ở chương 2 được thể hiện rõ nét với những pha biểu diễn thể hiện tài năng của các nhân viên cốt cán trong công ty: dance sport, ảo thuật, hội họa, trên nền nhạc pop/rock, “trẻ hóa” tinh thần Dale Carnegie.

Đặc biệt, sự xuất hiện của chuyên gia huấn luyện được nhiều người mến mộ - anh Lê Tấn Thảo với màn múa côn trong trang phục cá tính đã khiến cho rất nhiều người ngỡ ngàng, vỗ tay không ngớt vì nó khác hoàn toàn với phong cách chuyên nghiệp, nghiêm túc, chỉn chu thường ngày của anh.

Anh Lê Tấn Thảo - chuyên gia huấn luyện Dale Carnegie Vietnam biểu diễn tiết mục múa côn.

Xét về tính chuyên nghiệp và nghệ thuật, các tiết mục vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót nhưng khán giả nhìn thấy ở đó một sự tự tin, một niềm tự hào sâu sắc về tổ chức của mình. Thông qua đó, thông điệp được thể hiện là mỗi cá nhân tại Dale được sống là chính mình, được chấp nhận với những cá tính riêng, màu sắc riêng, được ủng hộ để mạnh dạn phát huy những tố chất thiên bẩm, trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, cùng nhau chia sẻ giá trị cốt lõi, tạo nên tổ chức gắn kết vững bền.

Trong báo cáo về Gắn kết đội ngũ mà Dale Carnegie đã thực hiện năm 2015, tiêu chí đặt ra cho một nhân viên gắn kết cũng nhấn mạnh rằng một nhân viên gắn kết là người nhiệt tình, tự tin, đầy cảm hứng và làm chủ công việc.

Mỗi cá nhân tại DC Vietnam được khuyến khích và tạo cơ hội phát triển khả năng và phẩm chất thiên bẩm.

Chương kế tiếp Tự hào thể hiện qua màn biểu diễn bê đỡ khá phức tạp, tổ hợp múa kết hợp với đạo cụ kết nối, thể hiện sự vững vàng của tổ chức trong thị trường cạnh tranh đầy biến động, vừa định hình và phát triển, đối mặt với sự thay đổi khốc liệt, nhưng vẫn tự hào vì luôn duy trì vị thế dẫn đầu và sở hữu hệ thống giá trị văn hóa cốt lõi di sản tồn tại vững bền.

Tinh thần Tự hào được thể hiện qua tổ hợp múa tương tác do nhân viên DC biểu diễn.

DC Vietnam tự hào duy trì vị thế dẫn đầu và sở hữu hệ thống giá trị văn hóa cốt lõi di sản tồn tại vững bền.

Chương cuối cùng với chủ đề “Làm gương” lại quay trở về với hình ảnh lớp học thân thuộc, nơi thầy và trò cùng hỗ trợ nhau qua những khó khăn, cùng bước khỏi vùng an toàn, tự tin làm chủ cuộc đời. Lớp học cũng là nơi Dale Carnegie chứng kiến sự đột phá của những học viên trong suốt quá trình biến đổi.

Tinh thần Làm gương của DC Vietnam trên hành trình tạo điều kiện cho sự biến đổi đột phá cho học viên.

Key moment

Hình ảnh vị CEO bên cây dương cầm cất lên tiếng hát thay cho nỗi lòng của người mang sứ mệnh của một tổ chức trăm năm lịch sử, gây sự xúc động cho cả khán phòng. Giai điệu Ballad của bản Nhạc khúc Dale Carnegie vang lên: “Cùng nhau khao khát vươn tới tương lai. Cùng nhau tiên phong tiến lên không ngừng. Độc đáo tự hào mỗi chúng ta. Hãy cùng làm gương cho cuộc sống. Và đắc nhân tâm kề bên nhau.”, đã kết lại toàn bộ câu chuyện của Dale, khẳng định thông điệp hướng tới khách hàng, tận tâm, chân thành với mục tiêu biến đổi đột phá cho từng cá nhân và mỗi tổ chức.

Nhạc khúc Dale Carnegie Việt Nam vang lên đầy cảm xúc.

Trở lại sân khấu để phát biểu, với giọng khản đặc vì tập luyện, chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Chủ tịch, TGĐ Dale Carnegie Vietnam xúc động chia sẻ: “Toàn bộ chương trình là lời cảm ơn chân thành, muốn đối tác cùng nhìn lại chặng đường một thập kỷ tiếp nối của Dale Carnegie, ngôi nhà thứ 2 của những người cộng sự. Sống tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, ít nguồn lực hơn với tinh thần tử tế và vô sự, nghĩ cho mình, nghĩ cho người không mất đi bản chất tự do, an nhiên là câu chuyện mà Dale Carnegie muốn gửi gắm. Tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy tương lai ở đây, khi được là một phần ý nghĩa trong sự phát triển của Dale toàn cầu”.

“Tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy tương lai ở đây, được là một phần ý nghĩa trong sự phát triển của Dale toàn cầu” chị Linh chia sẻ.

Những câu kết trong Nhạc Khúc DC Việt Nam: “Hòa cùng thế giới, chúng ta bước đi chung đường. Hòa vang khúc ca yêu thương. Cuộc sống yêu thương rộng mở. Mừng một ngày mới. Bạn với tôi hát vang nhạc khúc DC Việt Nam” nằm cuối chương trình với sự thể hiện của toàn thể thành viên nhà Dale đã khiến khán phòng vỡ òa, chính thức khép lại trọn vẹn cảm xúc trong lòng khán giả.

Những con người “bình thường” mang nội lực “phi thường”

Là một tổ chức lấy “con người là trung tâm”, Dale Carnegie Vietnam đang từng ngày “làm gương” thông qua không những các chương trình đào tạo mà ngay cả trong các hoạt động công ty. Bằng chứng là nhân viên và ban lãnh đạo đều sẵn sàng tham gia vào các hoạt động duy trì sự gắn kết đội ngũ và sự kiện kỉ niệm lần này là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, làm sao để những tư tưởng, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Dale Carnegie với bề dày lịch sử hơn 100 năm và hệ thống văn phòng trên khắp thế giới được chuyển tải một cách toàn diện, sâu sắc nhưng dễ hiểu đối với người Việt Nam thông qua 120 phút sự kiện là một bài toán không dễ giải.

Chia sẻ về những khó khăn trong suốt 2 tháng chuẩn bị cho chương trình, chị Phan Thụy Phương Thảo – Giám đốc công ty truyền thông STVN cũng là tổng đạo diễn của của chương trình cho biết: “Khó khăn ban đầu là làm sao kể lại câu chuyện của Dale, làm sao chuyển tải được tinh thần “Tiên phong – Độc đáo – Tự hào – Làm gương” một cách dễ hiểu và trực quan thông qua các loại hình biểu diễn khác nhau. Khó khăn thứ hai là thời gian quá ngắn để tập luyện, vì các bạn bên Dale công việc rất nhiều trong khi thời gian tập chỉ gần 3 tuần, đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng vất vả huống chi là các bạn “tay ngang” còn lạ lẫm với sân khấu.”

“Tôi thực sự khâm phục ở tinh thần chiến đấu của các bạn. Bất cứ khi nào rảnh mọi người dành nhiều thời gian để tập luyện. Đặc biệt là chị Linh TGĐ, dù phải điều hành và giải quyết công việc hàng ngày nhưng vẫn hăng say luyện tập và truyền cảm hứng nhân viên để luôn có tinh thần và năng lượng để tập luyện. Những ngày càng gần cuối mọi người phải tập liên tục với cường độ cao trong khi ráo riết chuẩn bị cho khâu tổ chức sự kiện.”

Thời gian tập chỉ gần 3 tuần, đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng vất vả huống chi là các bạn “tay ngang” còn lạ lẫm với sân khấu.” chị Thảo chia sẻ.

Khoảnh khắc tập luyện vất vả của các thành viên nhà Dale trong ngày cuối cùng trước sự kiện.

“Kỉ niệm khó quên là những giọt nước mắt, những cái ôm của mọi người đằng sau cánh gà khi xong chương trình biểu diễn. Đối diện với những áp lực trước buổi diễn quá lớn, trong khi các bạn chỉ là những diễn viên nghiệp dư, nhưng các bạn đã hoàn thành tốt trong nhất trong khả năng của mình.. Sự hưởng ứng của khán giả trong suốt chương trình là nguồn động viên cũng là phần thưởng tinh thần rất lớn cho toàn thể Dale Carnegie Vietnam và toàn bộ ekip.“ chị Thảo cho biết.

Toàn bộ nhân viên Dale Carnegie Vietnam thể hiện tinh thần gắn kết dưới “màu cờ sắc áo”.

Các nhãn hàng làm gì để khai thác sức mạnh nội bộ

Các nhãn hàng hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực sẵn có trong tổ chức để biến thành công cụ đắc lực, hiệu quả, đảm nhận vai trò truyền thông nội bộ và bên ngoài.

Nội lực cộng hưởng từ bên trong

Sử dụng nhân sự sẵn có thể hiện sự gắn kết của các nhân viên với nhau khi cùng chung tay “làm thương hiệu” cho tổ chức mình đang gắn bó. Thứ hai, nhãn hàng sẽ tiết kiệm khoản chi phí khi phải thuê nhân sự ngoài, trong khi các nhân viên công ty sẵn sàng trở thành những ca sĩ, diễn viên cho các tiết mục và chủ động hơn về thời gian tập dượt cũng như mức độ và thái độ hợp tác sẽ tích cực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, mỗi nhân viên sẽ là một đại sứ thương hiệu nội bộ. Điều này cũng từng được Dale Carnegie nhấn mạnh khi thực hiện báo cáo về xu hướng chiến lược toàn cầu mô hình 3+3 năm 2016.

Mặc dù nhân viên nội bộ không phải là khách hàng bên ngoài, nhưng họ cũng cần được quan tâm, chăm sóc và đối xử như những khách hàng bên ngoài để tối ưu hóa năng lực làm việc nhằm đạt hiệu suất cao nhất. Bởi một khi gia tăng thời gian tham gia (engaged time) của một thành viên vào tổ chức, mức độ gắn kết sẽ tăng theo cấp số nhân, và nhân viên sẽ trở thành đại sứ thương hiệu trung thành nhất của tổ chức.

Sức mạnh lan tỏa bên ngoài

Có thể xem đây là một cách xây dựng thương hiệu một cách khéo léo mà các nhãn hàng cần phát huy thông qua các sự kiện nội bộ.

Sự kiện của Dale khẳng định sức mạnh của gắn kết đội ngũ vừa thể hiện sứ mệnh về việc nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng và ngọn lửa khát khao trong mỗi con người, từ đó mang đến cơ hội, phương pháp để mỗi cá nhân phát huy tối đa những tài năng và phẩm chất tốt đẹp của chính mình.

Bên cạnh đó, sự kiện còn giúp Dale lan tỏa thông điệp nhất quán: “Dale Carnegie thay đổi cách mỗi người nhìn nhận về bản thân mình. Nhờ đó họ có thể thay đổi cách thế giới nhìn nhận họ. Và điều đó thay đổi cách mà họ ảnh hưởng đến thế giới.”

Tinh thần “làm gương” của Dale luôn được đề cao thông qua sự thấu hiểu insight khách hàng một cách sâu sắc: DN muốn hợp tác với một đối tác gắn kết nội bộ mạnh mẽ, điều mơ ước của bất kì tổ chức nào nhận thức rõ vai trò của con người trong tổ chức.

Chính vì thế, nhân vật minh họa cho các sản phẩm của Dale Carnegie cũng chính là thành viên trong tổ chức, vốn đã thấm nhuần tinh thần của Dale Carnegie, gần gũi, sống động và đầy thú vị, đủ sức tạo ấn tượng làm nên hình ảnh của Dale một cách chân thực và nhân văn.

Trong bài phát biểu của mình, chị Linh luôn nhấn mạnh đến việc trân trọng, biết ơn các khách hàng thân thiết và sự kiện mà Dale Carnegie dày công chuẩn bị cũng là để dành cho họ. Điều mà các nhãn hàng có thể học được ở đây chính là việc hãy tập trung vào nhóm “khách hàng có ảnh hưởng”. Họ không chỉ là những người khách hàng trung thành mà chính là những người truyền bá “tôn giáo” của DN một cách tự nhiên, xác thực và đáng tin cậy nhất.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế giới di động là người tham gia hầu hết các sự kiện của Dale Carnegie.

Đắc nhân tâm, kề bên nhau – một thập kỉ tiếp nối

Truyền thông bằng “cây nhà lá vườn” không phải là một hình thức mới mẻ nhưng vẫn chưa được nhiều các DN khai thác một cách hiệu quả. Đây là một sự lựa chọn đáng để thử dành cho các doanh nghiệp có ý tưởng, thông điệp, nguồn nhân lực sẵn có, để có thể tổ chức sự kiện hiệu quả vẫn tối ưu được chi phí.

Không chỉ riêng Dale Carnegie, bất kì DN nào muốn khai thác sức mạnh của con người trong tổ chức đều có thể áp dụng bởi nhân viên đã, đang, và sẽ luôn là những người hiểu rõ nhất tinh thần DN, bản sắc của thương hiệu, là bảo chứng tuyệt vời nhất cho thành công của tổ chức.

Bên cạnh đó, sự chân thành và hình ảnh thực từ những nhân viên sẽ làm lu mờ đi những khuyết thiếu, vụng về, sai sót ngoài dự kiến trong quá trình thực hiện. Bởi vì mỗi khoảnh khắc vượt qua sự e dè sợ hãi để đứng trên sân khấu chính là lúc họ đang phá vỡ giới hạn của chính bản thân mình, thể hiện niềm tự hào tổ chức mình đang làm việc và gắn bó.

Điều này làm khán giả sẵn sàng bỏ qua những “hạt sạn” của chương trình và vẫn hiểu được thông điệp, trải nghiệm trọn vẹn chương trình, qua đó thương hiệu được định vị, uy tín tổ chức được củng cố, niềm tin vững chắc nơi khách hàng và đối tác được tạo dựng và duy trì.

Chương trình chính thức khép lại, khởi đầu cho một thập kỉ tiếp nối của DC Vietnam.

Sự kiện kỉ niệm 10 năm Dale Carnegie Việt Nam là sự biến đổi đột phá từ trong chính nội bộ của Dale Carnegie. Tinh thần của Dale, thông qua các tiết mục biểu diễn kỳ công, những lời phát biểu xúc động, hay màu cờ sắc áo đã thật sự truyền cảm hứng, lan tỏa gắn kết, sự tin tưởng và tình cảm chân thành cho toàn bộ khán phòng, đọng lại dư âm trong lòng khán giả.

Đây không còn là sự kiện kỉ niệm, mà chính là lời tri ân không bật lên thành tiếng, mang thông điệp nhân văn từ trái tim đến trái tim, lan tỏa cảm xúc của một tinh thần khát khao sự gắn kết, để từng bước tiếp nối tạo ra giá trị trường tồn, như một di sản của thời đại mà nhà sáng lập Dale Carnegie đã để lại trong suốt 100 năm qua.

Maya Angelou từng nói “Con người có thể quên những gì bạn nói. Họ có thể quên những gì bạn làm. Nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm xúc bạn tạo ra cho họ”. Kết nối thông qua cảm xúc bằng chính những sợi dây liên kết bền lâu là những sức mạnh mà các thương hiệu cần tìm lại trong chính mỗi cá nhân và trong tổ chức.

Những hình ảnh khác theo dòng sự kiện

Hoài Anh - Trường Xuân
Brands Vietnam