Người trẻ mạnh tay chi tiêu

Giới trẻ Việt có thu nhập tốt đang mạnh tay chi tiêu nhiều trong mua sắm, du lịch, công nghệ... và thậm chí chỉ để giải trí.

Xếp hàng từ đêm trước để mua quần áo

Trưa 9.9, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu thời trang H&M đến từ Thụy Điển được khai trương tại tầng trệt tòa nhà Vincom (Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM). Có chứng kiến cũng khó để tin người trẻ Việt đón nhận và chờ đợi một thương hiệu thời trang mới vào đất nước mình một cách cuồng nhiệt đến vậy. Vị Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, ông Fredrik Famm, thốt lên: “Chúng tôi đã chờ đợi ngày này rất lâu và nhìn thấy sự chờ đợi của mình hoàn toàn xứng đáng...”.

11 giờ trưa chính thức khai trương nhưng hàng ngàn bạn trẻ đã đứng xếp hàng chờ trước tòa nhà từ 22 giờ đêm hôm trước. Đến 8 giờ sáng hôm qua, số liệu ước tính của đại diện H&M tại VN cung cấp là có hơn 4.000 người xếp hàng. Lê Minh Thư (25 tuổi), nhân viên ngân hàng có trụ sở ngay đầu đường Đồng Khởi, cho biết: “Em chờ đây từ hơn 5 giờ sáng, em thích kiểu thiết kế thời trang của thương hiệu này, giá cả lại tương đối mềm”.

Nhiều bạn trẻ xếp hàng trong ngày khai trương cửa hàng H&M tại TP.HCM trưa 9.9. Ảnh: Độc Lập.

Thư cho biết đã chuẩn bị “đạn” sẵn để có thể sở hữu dăm ba món đồ của H&M trong sáng nay và chắc chắn sẽ mua được. Thư cũng như bao bạn trẻ khác đang xếp hàng chờ mua hàng được chúng tôi hỏi hôm qua, tất cả đều muốn là một trong những khách đầu tiên chứng kiến, sờ, nắm, sở hữu những chiếc áo, váy, phụ kiện của nhãn hàng thời trang hạng trung này.

Trước đó 1 năm, nhãn hàng thời trang của Tây Ban Nha là Zara cũng mở cửa hàng đầu tiên tại VN và sự cuồng nhiệt của người tiêu dùng Việt cũng tương tự. Cho đến tận lúc này, cửa hàng rộng lớn của Zara vẫn luôn đông khách, nhất là dịp cuối tuần. Zara hiện đang có kế hoạch mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội trong năm nay. Ngoài hai nhãn hàng thời trang hạng trung kể trên, không ít hãng thời trang lớn trên thế giới tới VN trước đó đều được đón nhận nồng nhiệt.

Làm để tiêu xài, không phải để mua nhà ?

Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen mới đây công bố tỷ lệ người dân để dành tiền tiết kiệm chỉ còn 63%, giảm đến 13% so với đầu năm ngoái và xếp sau nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia. Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng kết nối trẻ Việt hiện chiếm hơn 34% (1/3) trong độ tuổi từ 21 - 34 tuổi. Khảo sát tập trung vào là nhóm người có mức thu nhập vừa đủ để chi tiêu tùy ý theo cách riêng của họ. 76% trong số này có mức thu nhập cao và đa phần sống tại khu vực thành thị, là những người lạc quan, luôn có xu hướng mua sắm để nâng cấp cuộc sống của mình. Chi tiêu của họ tập trung vào du lịch, mua sắm quần áo, sản phẩm công nghệ, dịch vụ giải trí...

Hoàng Nguyễn Lan Anh (26 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cho rằng cô sẵn sàng chi tiền đến 25% lương tháng để mua một cái túi xách nếu thích mà không cần suy nghĩ gì hết. “Thu nhập của em hiện tại từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, không cao như các bạn làm các công ty nước ngoài, nhưng nếu có chiếc túi hàng hiệu 5 triệu đồng, thích là em mua ngay không đắn đo. Còn bình thường, đồ giá tầm 500.000 - 600.000 đồng cũng chấp nhận được”. Lan Anh cho biết tiền kiếm ra cô dành cho du lịch, mua sắm là nhiều nhất.

Hóa đơn do một bạn trẻ khoe trên mạng xã hội về chi phí vui chơi của nhóm bạn tại một bar hạng sang ở TP.HCM.

Ảnh: Chụp lại từ Facebook.

Du lịch là mục tiêu đứng thứ 2 sau mua sắm được nhiều bạn trẻ nhắc đến khi được hỏi. Minh Thư cho biết cô quan tâm đến du lịch, những nơi ăn ngon, bảo đảm chất lượng cuộc sống. Cô cũng như bạn bè sẵn sàng chi hơn chục triệu để mua thẻ tập gym tại các trung tâm thể dục thể thao. “Em sẵn sàng chi tiền để đi du lịch khám phá, quan tâm đến thức ăn sạch, ít tinh bột và nhiều rau quả hơn là vào các nhà hàng nhiều đạm mà tưởng tượng chỉ ngửi thôi đã tăng cân rồi”, Minh Thư cười chia sẻ. “Thế hệ chúng em không phải là những người đi làm, để dành tiền mua nhà, vàng, gửi tiết kiệm mà chỉ có nhu cầu tiêu xài”, Lan Anh nói.

Trong thực tế, nhiều bạn trẻ còn sẵn sàng chi đậm cho việc giải trí. Không ít bar hay tụ điểm giải trí cao cấp đã mọc lên ở các thành phố lớn trong những năm gần đây, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội. Giá cả thức uống tại các địa chỉ như thế có thể đắt gấp 4 - 5 lần so với các quán ăn thông thường. Vì thế, có những nhóm bạn trẻ có thể tiêu tốn hàng chục triệu đồng cho một lần “xả stress” ở bar.

Chịu chi kèm theo chịu học mới “chất”

Trong khi giới trẻ Việt tuy mạnh tay chi cho những cuộc hội họp, gặp gỡ, thậm chí du lịch ra nước ngoài, nhưng những cuộc gặp gỡ đó không “chất” như kỳ vọng. “Nhiều lần đi trên tàu điện ngầm, tôi vô tình “nghe trộm” rất nhiều cuộc trao đổi chuyện trò của các bạn trẻ nước ngoài về công nghệ, đồng tiền ảo Bitcoin, về trí tuệ nhân tạo hoặc đọc sách. Họ ít bông đùa những câu chuyện phiếm như chúng tôi. Thói quen đọc sách trên các phương tiện công cộng tại VN hầu như rất hiếm, nhưng với người trẻ ở Singapore, Hồng Kông, Nhật là điều bình thường. Điều này cũng khiến tôi suy nghĩ”, một bạn trẻ tâm sự.

TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, trong lần trao đổi với chúng tôi về “chất lượng” của giới trẻ (sinh viên) nhận xét, ngoại ngữ là một trong những rào cản lớn nhất khiến người trẻ Việt ít có cơ hội mở rộng tầm nhìn cũng như sự hiểu biết của mình về thế giới bên ngoài. Việc suy nghĩ khác, dẫn đến làm khác, tránh đóng khung hay đơn điệu trong tư duy mới làm nên một người trẻ hiện đại được. Người Việt trẻ chịu chi được rất nhiều người lớn ủng hộ, song không ít người khuyên nên chịu chi kèm theo chịu học thì mới “chất”.

Không nên chỉ xem là hình thức mua sắm đơn thuần

Theo TS Ngô Trí Long, về nguyên tắc, người dân chỉ tăng chi tiêu khi thu nhập tăng lên và tâm lý lạc quan về kinh tế. Trước đây VN thuộc nhóm thu nhập thấp, bây giờ thu nhập của người dân có tăng lên chút đỉnh thì người dân tăng chi tiêu cũng là điều bình thường. Nếu đặt trong bối cảnh hiện tại, số doanh nghiệp tăng, thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng và chi tiêu của người dân cũng tăng là tín hiệu tốt của nền kinh tế. Song nếu người dân giảm tiết kiệm cũng đồng nghĩa với việc không có tích lũy để đầu tư phát triển. Điều này về lâu dài cũng là rủi ro. Tuy nhiên việc mua sắm hay tiết kiệm ngoài yếu tố kinh tế nó còn mang tính tự nhiên theo quy luật tuổi tác của con người. Cụ thể, những người trẻ tuổi thích mua sắm hơn tiết kiệm, khi người ta trưởng thành hơn thì người ta tiết kiệm nhiều hơn mua sắm, ít chạy theo những thứ phù phiếm hơn.

Ông nhận xét: “Hiện nay ở VN, số đối tượng trẻ trong độ tuổi mua sắm 8X, 9X chiếm đến hơn 1/3 dân số nên tỷ lệ người tiết kiệm giảm thấp cũng là bình thường. Đối tượng này chi tiêu vào việc đi đây đi đó hay mua sắm công nghệ cũng có thể xem là một cách thức đầu tư để mở mang đầu óc, tiếp cận với thế giới, không nên chỉ xem đó là hình thức mua sắm đơn thuần”.

Nguyên Nga - Chí Nhân
Nguồn Thanh Niên