Thương mại nội địa sẽ tăng mạnh dịp cuối năm

Các chuyên gia thương mại dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm sẽ đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016.

Được coi là điểm tựa và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước, thị trường nội địa vẫn tiếp tục xu hướng tăng, nhất là dịp cuối năm.

Do đó, các chuyên gia thương mại dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm sẽ đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016.

Theo nhận định từ giới chuyên gia, ngay từ đầu năm 2017, ngành công thương đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, phát triển thương mại trong nước, coi trọng hội nhập quốc tế về kinh tế và phát triển thương mại biên giới.

Đồng thời, không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thị trường hàng hóa trong nước nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn.

Cùng đó, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng và có sự ổn định. Đặc biệt, giá hàng hóa không có biến động lớn, sức mua trên thị trường đang có sự phục hồi.

Hiện ngành công thương đang tập trung triển khai 71 dự án và thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020.

Việc kích cầu tiêu dùng nội địa cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất như một giải pháp tiếp lực cho tăng trưởng không chỉ cho riêng năm 2017 mà còn cho cả những năm tiếp theo để thương mại trong nước phát triển bền vững.

Theo đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, nhất là trong các dịp lễ, Tết và dịp cuối năm.

Mặt khác, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường, xã hội.

Cũng theo ông Nguyễn Lộc An, thị trường nông thôn sẽ được coi trọng và để thúc đẩy sức mua tại thị trường này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp và nhà phân phối. Bởi đây là một thị trường rất tiềm năng cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lộc An cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên có những chương trình quảng bá các sản phẩm, đổi hàng, hoặc cung cấp những sản phẩm mà người dân cần và đổi lại là mình thu mua những sản phẩm người nông dân có.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đặt trụ sở cũng như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình ở tại địa bàn các thị trấn cũng như các vùng nông thôn có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, bên cạnh các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa, giảm khó khăn, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

Đáng lưu ý, việc kích cầu tiêu dùng nội địa cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất như một giải pháp tiếp lực cho tăng trưởng không chỉ cho riêng năm 2017 mà còn cho cả những năm tiếp theo để thương mại trong nước phát triển bền vững.

Bnews / TTXVN
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới