Trà sữa Đài Loan, thứ đồ uống của niềm vui đã quay trở lại

Vào những năm 2007-2008, món thức uống trà sữa Đài Loan bùng lên thành một “cơn sốt” trong giới trẻ. Với hương vị đa dạng, nhiều cách pha chế, lại có giá chỉ dưới 15 nghìn đồng một cốc, trà sữa trở thành món đồ uống ưa thích của đa số các em học sinh thời bấy giờ.

Đón đúng trào lưu, hàng loạt cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm sau mưa. Trong khi số lượng tăng quá nhanh, còn chất lượng lại khó được kiểm soát, rất nhiều các loại bột trà, bột sữa kém chất lượng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Khi an toàn là một tiêu chí tối quan trọng của ngành hàng thực phẩm, những vụ việc như trên đã làm mất lòng tin của những người yêu thích trà sữa. Các bậc phụ huynh dè dặt hơn trong việc cho con cái mình mua loại đồ uống này. Trước thái độ quan ngại của người tiêu dùng, trào lưu trà sữa nhanh chóng “nguội dần” và dường như biến mất.

Lượn quanh phố phường Hà Nội hiện nay không khó để bắt gặp một cửa hàng trà sữa. Thậm chí, có những con phố như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Nguyễn Hữu Huân có đến 4 quán trà sữa. Những cửa hàng thương hiệu chuỗi như Ding Tea có những điểm bán cách nhau chưa đến 1 cây số. Năm 2015, thương hiệu trà sữa nhượng quyền Xing Cha chỉ có 3 cửa hàng tại Hà Nội, nhưng sau 1 năm, thương hiệu này đã có trên 11 cửa hàng.

Theo chị Nguyễn Diễm Chinh, giám đốc điều hành thương hiệu trà sữa nhượng quyền Xing Cha, một ngày 1 cửa hàng Xing Cha có thể cung cấp ra thị trường trung bình 300 cốc trà sữa, chưa tính đến các thương hiệu lớn như Ding Tea, hay đặc biệt là Gongcha trong ngày khai trương cơ sở đầu tiên tại Hà Nội đã bán ra thị trường hơn 1000 cốc.

Sau sự xuất hiện đầu tiên của Ding Tea vào năm 2013, thì cuối năm 2015 hàng loạt tên tuổi nổi tiếng về trà sữa Đài Loan như KOI, Gongcha, Chattime lần lượt gia nhập thị trường. Cùng với đó là sự phát triển mạnh của các chuỗi thương hiệu nội như Tiên Hưởng, Phúc Long, Xing Cha... Có thể thấy thị trường trà sữa hiện nay là sự cạnh tranh của các thương hiệu chuyên nghiệp, với quy mô khác hẳn so với giai đoạn 8 năm trước.

Lý giải cho sự phát triển nở rộ này, Theo ông Phan Văn Học giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần One Food Vietnam, một trong những đơn vị cung cấp nguyên liệu đồ uống lớn tại Việt Nam: “Trà sữa là sản phẩm đem lại những trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ, sự kết hợp giữa một thức uống giải khát tốt với những đồ ăn kèm giòn giòn, nhai nhóp nhép trong miệng thực sự là một trải nghiệm gây nghiện, đây là thứ đồ uống tạo ra niềm vui”.

Một báo cáo dự đoán xu hướng cho năm 2016 của Monin Việt Nam, đơn vị cung cấp nguyên liệu lớn cho thị trường đồ uống, người Việt Nam thích sử dụng những loại đồ uống có thứ nhai được ở bên trong, các thức uống này sẽ có tốc độ lan tỏa nhanh, và đem lại nhiều lợi nhuận cho thương hiệu.

Trà đào là một minh chứng rõ ràng cho dự đoán này, xuất hiện tại các chuỗi cửa hàng cà phê như Coffee House, trà đào đem lại trải nghiệm vừa ăn vừa uống trong một cốc nước. Theo báo cáo từ Monnin Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 12/2015 lượng bán ra siro đào của hãng là gần 55.000 chai.

Không chỉ phát triển về quy mô, mà yếu tố chất lượng cũng được các thương hiệu quan tâm kỹ lưỡng. Quay trở lại thị trường, bài toán lớn nhất mà các thương hiệu trà sữa phải giải quyết là xây dựng lại niềm tin về chất lượng cho người tiêu dùng. Do đó, tất yếu các thương hiệu phải có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của mình.

Phân khúc

Nếu như trước đây, trà sữa là thứ đồ uống được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng, thì nay, đối tượng khách hàng mở rộng, đa dạng hơn. Giới văn phòng và người trung niên mới là đối tượng chính được các thương hiệu quan tâm. Họ là những người có thu nhập khá và những người trẻ muốn tiếp cận với sản phẩm mang tính quốc tế. Bản thân khách hàng cũng hiểu được muốn sử dụng được các sản phẩm chất lượng, thì mức giá phải có sự thay đổi. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhập khẩu các nguyên liệu chất lượng cao từ nước ngoài, chính là lý do có một mức giá mới cho trà sữa hiện nay.

Minh bạch

Các thương hiệu cũng rất minh bạch trong nguồn hàng. Họ rất sẵn sàng đăng giấy tờ nhập khẩu, kiểm định để khách hàng tự kiểm tra, thậm chí nhiều cửa hàng còn trưng bày trực tiếp các giấy chứng nhận vệ sinh của mình tại điểm bán. Theo ông Nguyễn Văn Học giám đốc kinh doanh CTCP One Food Vietnam, một trong những đơn vị cung cấp nguyên liệu đồ uống lớn tại Việt Nam: “Hiện nay hầu hết các nguyên liệu trà sữa tại thị trường Việt Nam được nhập từ Đài Loan, Malaysia. Đặc biệt những đơn vị nhượng quyền thương hiệu như Ding Tea, Goong Cha chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu được cung cấp nội bộ từ thương hiệu mẹ ở Đài Loan”. Khách hàng hiện nay đã có những yêu cầu khắt khe hơn với các doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ ăn uống nói chung và trà sữa nói riêng. Sau một thời gian dài bị người tiêu dùng nghi ngờ, giờ đây các chuỗi trà sữa bắt buộc phải đảm bảo chất lượng nguyên liệu của mình nhằm đem lòng tin khách hàng trở lại.

Quy trình quản lý

Chuyển giao công thức pha chế, đào tạo nhân viên để đảm bảo hương vị và chất lượng đồng đều giữa các cửa hàng trên cùng hệ thống và không có sự khác biệt quá lớn khi so sánh với các cửa hàng chung thương hiệu. Các cửa hàng trong chuỗi thường xuyên được kiểm tra và giám sát chất lượng. Ở các thương hiệu chuỗi, các nhân viên thường được đào tạo trực tiếp về kỹ thuật, quy chuẩn chất lượng chung, và các bài kiểm tra lý thuyết cũng như kỹ thuật pha chế ở công ty quản lý thương hiệu mẹ tại Việt Nam trước khi ra các điểm bán nhượng quyền.

Nhìn vào lịch sử phát triển của trà sữa tại thị trường Việt Nam, có thể coi đây là một bài học đáng nhớ về chiến lược kinh doanh một sản phẩm đã từng bị người tiêu dùng quay lưng. Nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với việc xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, đó chính là lý do cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trà sữa những năm trở lại đây.

Theo ông Phan Văn Học, với những thay đổi mang tính toàn diện, từ thương hiệu đến đảm bảo chất lượng sản phẩm, thị trường trà sữa hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2017 này, khó có đồ uống nào có thể chiếm ưu thế hơn trà sữa trên thị trường đồ uống giải khát cho giới trẻ. Ổn định nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chính là lý do giúp trà sữa phát triển mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Phạm Tuấn Mạnh - Nguyễn Việt Dũng
Nguồn Doanh Nhân Online