Giải mã cơn sốt FaceDance

Nguyễn Xuân Giang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Diffcat Studio, cho biết hiện đã có hơn 3,5 triệu lượt tải về trò chơi FaceDance Challenge.

Giới trẻ Châu Á hơn một tuần qua đang phát cuồng vì trò chơi FaceDance Challenge (tạm dịch Thử Thách Gương Mặt Nhảy Múa), ước tính đã có hơn 3,5 triệu lượt tải về từ hệ điều hành iOS và Android. Khá bất ngờ, chủ sở hữu trò chơi là DiffCat Studio, một đơn vị đến từ Việt Nam.

Cơn sốt FaceDance

Anucha Saengchart (Thái Lan) nổi tiếng trong cộng đồng mạng thế giới bởi loạt video hóa trang thành các nhân vật hoạt hình, truyện tranh, phim ảnh theo phong cách vui nhộn. Trong video chưa đầy 2 phút gần đây, anh không hóa trang chỉ chu môi, trợn mắt cùng dòng hashtag “facedance challenge” đã thu hút hơn 6 triệu người xem từ Facebook. Và không chỉ Anucha Saengchart, hầu như những người nổi tiếng trên cộng đồng mạng, nghệ sĩ ở Thái Lan và Philippines đều có một đoạn video như vậy.

Phương thức hoạt động của ứng dụng khá đơn giản. Sau khi nhận diện khuôn mặt người chơi qua camera trước của điện thoại, FaceDance Challenge thách thức người chơi “nhào nặn” khuôn mặt của mình theo các biểu tượng được phát ngẫu nhiên trong vòng 1 phút 30 giây. Biểu hiện càng giống, điểm người chơi càng cao.

Nguyễn Xuân Giang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Diffcat Studio. Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thú vị nhất ở chỗ trò chơi tích hợp tính năng ghi hình trong suốt quá trình chơi và điều này đã vô tình kích thích người chơi hào hứng chia sẻ với bạn bè vì bản thân họ cũng không thể nhịn cười khi xem lại. Cứ thế FaceDance lan tỏa từ Việt Nam, Thái Lan, Philipines đến Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan… chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí, một chương trình truyền hình của Philippines mới đây đã liên hệ với DiffCat Studio để xin cấp phép phát sóng FaceDance trong các kỳ tiếp theo.

Anh Nguyễn Xuân Giang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Diffcat Studio, cho biết hiện đã có hơn 3,5 triệu lượt tải về trên hai nền tảng Android và iOS.

Được thành lập cách đây 1 năm, DiffCat Studio là cái tên khá mới ở thị trường Việt Nam. FaceDance là game thứ ba đơn vị này sản xuất, thời gian hoàn thành khoảng 5 tháng. Hai game trước là Tap Tap Tank và Gtron dù có đồ họa và lối chơi khá ấn tượng nhưng không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường. Với FaceDance, Giang cho biết anh lấy cảm hứng từ Pokemon Go, ứng dụng di động tạo cơn sốt cách đây không lâu vì bắt người chơi phải vận động trong suốt quá trình chơi. “Chúng tôi định hướng lại, tạo ra game phải đáp ứng 3 yếu tố: siêu vui nhộn, kết nối và vận động”, Giang nói.

Trên thực tế, FaceDance từng được giới thiệu ở Việt Nam vào tháng 6 nhưng phải gỡ xuống để khắc phục vì phần lớn người sử dụng iPhone, nhất là các dòng cũ bị lỗi khi chơi. Theo Giang, khi kích hoạt FaceDance, rất nhiều tính năng được kích hoạt đồng thời như phát nhạc, camera trước, nhận diện khuôn mặt… nên nhiều máy đời cũ, có cấu hình thấp không đáp ứng được.

Khoảng giữa tháng 7 vừa qua, công ty mới giới thiệu lại. Giang cho biết lúc đầu anh dự định sau khi chạy quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam sẽ tập trung vào người sử dụng ở Thái Lan và Philippines, vì đây là các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính nên có hiệu quả lan truyền tốt. Nào ngờ chỉ sau 4-5 ngày chạy quảng cáo ở Việt Nam, trò chơi bắt đầu được lan truyền sang các nước trong khu vực với tốc độ rất nhanh. Chúng tôi chỉ tiêu khoảng 3-4 triệu đồng tiền quảng cáo. Tôi cho rằng đó là sự may mắn vì ngân sách như vậy là rất ít”, Giang nói.

Vẫn còn nhiều thử thách

Sinh năm 1987, Giang theo học ngành vật lý - tin học ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhưng dừng ở năm cuối vì đam mê kinh doanh. Từ năm 2009 đến nay, Giang kinh doanh rất nhiều lĩnh vực từ quần áo thời trang, website mua bán theo mô hình C2C (hay còn gọi là rao vặt) 24hmua, phần mềm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho đến Winkjoy, mạng xã hội Instagram dành cho thị trường Việt Nam. Với DiffCat Studio, anh cho biết chưa từng làm game di động trước đó.

Tuy nhiên, Giang dành khá nhiều thời gian nghiên cứu ngành này nên mô hình kinh doanh lẫn cách thức sản xuất trò chơi mô phỏng theo các công ty thành công trên thế giới. Cheetah Mobile (Trung Quốc) là một ví dụ. Điển hình là cách thức kinh doanh của FaceDance lấy cảm hứng từ Piano Tile 2, trò chơi mô phỏng việc đánh đàn piano có hơn 900 triệu lượt tải về trên toàn cầu.

Theo đó, Facedance có 3 nguồn thu chính. Một là từ quảng cáo trong điện thoại, hai là người sử dụng sẽ trả 0,99 cent để dùng bản không có quảng cáo, ba là mua các “nốt nhạc” trong game để tiếp tục chơi. Mặc định trò chơi có 3 nốt nhạc sẵn và cứ mỗi lần chơi, một “nốt nhạc” sẽ mất đi và cần đến hơn 25 phút để có thêm một nốt mới. Không chia sẻ cụ thể nhưng Giang cho biết hiện Công ty đã có doanh thu, chủ yếu là từ người sử dụng ở nước ngoài và đã có nhà đầu tư tham gia.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, độ lớn thị trường ứng dụng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ 19,2 tỉ USD vào năm 2015 lên mức 42,9 tỉ USD vào năm 2020. Trong đó, nhóm các ứng dụng không phải game chiếm 14%, tương đương 2,6-6 tỉ USD. Trong nhóm này lại phân chia làm 6 mục ứng dụng chính là âm nhạc, sức khỏe, giải trí, truyện tranh, y khoa và phong cách sống. Facedance thuộc nhóm giải trí, chiếm 16,3% thị phần, tương đương hơn 900 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 70% mỗi năm.

Tuy nhiên, phần lớn doanh thu thị trường ứng dụng được dự đoán sẽ nằm trong tay các ông lớn là WeChat (Trung Quốc), Line (Nhật) hay Kakao Talk ( Hàn Quốc). Các ứng dụng này có nền tảng là dịch vụ nhắn tin miễn phí theo thời gian đã mở rộng thành các trung tâm phân phối nội dung như game, tạp chí đến các dịch vụ như thanh toán, đặt taxi… Với lượng người sử dụng đông đảo, cả ba rất có lợi thế trong việc giới thiệu các ứng dụng mới.

Ngoài ra, các ứng dụng có độ lan tỏa tốt sẽ đối mặt với làn sóng nhân bản từ các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. FaceDance cũng không ngoại lệ.

Ý thức được việc này, Giang cho biết DiffCat Studio đang hoạt động hết công suất để cải thiện ứng dụng, cập nhật các tính năng mới nhằm giữ chân người sử dụng. Kết thúc buổi phỏng vấn, Giang nhanh chóng trở về nơi làm việc. Anh cho biết hôm qua Công ty kết thúc công việc lúc 4h sáng. “Chúng tôi xin không bình luận về tương lai. Vì ngành này thay đổi rất nhanh và chúng tôi sẽ cạnh tranh bằng tốc độ”, Giang nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư