Fujitsu đóng cửa, rao bán mảng kinh doanh điện thoại di động

Fujitsu vừa ra thông báo chuẩn bị đóng cửa bộ phận kinh doanh điện thoại di động của công ty và rao bán cho các đối tác.

Theo trang công nghệ PhoneArena, Fujitsu đang tìm cách để giảm tải hoạt động kinh doanh điện thoại di động. Công ty Nhật này là nạn nhân mới nhất trên thị trường di động cạnh tranh khốc liệt để có lợi nhuận. Fujitsu ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn để theo kịp những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Fujitsu đã bắt đầu rao bán bộ phận kinh doanh điện thoại di động của mình từ nhiều tháng nay. Đã có nhiều đối tác đặt vấn đề mua lại bộ phận này, ví dụ như Polaris Capital Group, CVC Capital Partners (Anh), Lenovo Group (nhà sản xuất máy tính của Trung Quốc), Hon Hai Precision Industry của Đài Loan (thường được biết đến với chuỗi lắp ráp Foxconn).

Đợt đặt giá thầu đầu tiên có thể được mở ra vào tháng Chín. Theo dự kiến, bộ phận này của Fujitsu sẽ được bán với giá hàng chục tỷ USD. Fujitsu - có trụ sở tại Tokyo - muốn tiếp tục phát triển và sản xuất điện thoại di động, vì vậy công ty có thể giữ lại một phần kinh doanh nhỏ và duy trì thương hiệu điện thoại di động của riêng mình. Công ty hiện xếp thứ 5 trên thị trường smartphone Nhật Bản.

Fujitsu tách hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của mình thành một công ty riêng vào tháng 2/2016. Khi đó, họ muốn tìm kiếm một đối tác để phát triển mảng kinh doanh này. Việc kinh doanh smartphone của Fujitsu dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2018 với doanh số khoảng 3,1 triệu thiết bị - ít hơn một nửa so với con số gần 8 triệu của năm tài chính 2011 (năm đạt doanh số smartphone cao nhất của Fujitsu). Trong khi đó, Apple chiếm đến 40% thị phần tại thị trường Nhật Bản. Hiện tại, Fujitsu muốn tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin cốt lõi của mình.

Gần như tất cả các nhà sản xuất Nhật Bản từng phát triển kinh doanh điện thoại di động đã làm ăn bết bát trong những năm gần đây như Sony, Sharp (nay là một đơn vị của Foxconn) và Kyocera. Cái tên tiếp theo trong bảng danh sách này có lẽ là Fujitsu. Mitsubishi Electric rút khỏi hoạt động kinh doanh năm 2008, tiếp theo là Toshiba vào năm 2012. Công ty CNTT NEC và nhà sản xuất thiết bị điện tử Panasonic cũng đã rời lĩnh vực này vào năm 2013.

Diễn biến này phần nào phản ánh vai trò thay đổi của các nhà cung cấp dịch vụ không dây như NTT Docomo (Fujitsu bán điện thoại qua nhà mạng này). Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Nhật Bản trước đây xử lí mọi thứ từ tạo tiêu chuẩn công nghệ để xây dựng chiến lược marketing cho các nhà sản xuất điện thoại đến khuyến khích sự phát triển của các điện thoại phù hợp với thị trường Nhật Bản. Nhưng sự ra đời iPhone của Apple vào năm 2007 mở ra một kỷ nguyên mới của điện thoại thông minh công nghệ cao. Hệ điều hành Android của Google cũng đã trở thành tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất khác.

Các nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản đã cố gắng để tạo ra các tính năng riêng cho sản phẩm của mình như chống nước, khả năng tương thích với các hệ thống thanh toán dựa trên điện thoại thông minh. Nhưng thị trường vẫn thuộc về những tên tuổi lớn trên thế giới. Những công ty Nhật Bản nếu muốn tồn tại, họ phải cạnh tranh theo cách riêng của họ, tạo ra những công nghệ và dịch vụ sáng tạo thay vì chỉ dựa vào sự giúp đỡ của các nhà mạng.

Bạch Đằng
Nguồn VnReview