Alibaba, Tencent đe dọa thế độc tôn của người Mỹ

Alibaba và Tencent đều tăng trưởng hơn 50% trong một năm qua, bước chân vào top 10 công ty lớn nhất thế giới, tính theo giá trị thị trường.

Câu lạc bộ những hãng công nghệ có giá trị thị trường trên 400 tỷ USD, trước đây là cuộc chơi riêng của người Mỹ với những cái tên như Apple, Google, Facebook, Amazon, giờ đây được bổ sung thêm 2 đại diện đến từ Trung Quốc.

Alibaba Group và Tencent Holdings có tốc độ tăng trưởng phi mã trong năm nay và dần trở thành đối trọng lớn của các hãng công nghệ Mỹ. Họ hiện nằm trong top 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới. Mỗi một cái tên này đều có giá trị gấp đôi những công ty như Intel, Cisco hay IBM.

Trụ sở của Alibaba tại Hàng Châu (Trung Quốc). Công ty này tăng trưởng hơn 50% trong năm qua. Ảnh: Getty.

Trong khi các ông lớn công nghệ Mỹ thống trị đời sống online của người phương Tây, Tencent và Alibaba lại là ông vua tại Trung Quốc - thị trường có đến 700 triệu người sử dụng Internet. Quy mô thị trường này lớn gấp đôi dân số của Mỹ. Người dùng Trung Quốc cũng chi tiêu online mạnh mẽ hơn người Mỹ.

Sự thăng tiến phi mã của 2 công ty này một phần nhờ chính sách thắt chặt không gian Internet với các công ty nước ngoài như Facebook, Google. Mặc dù vướng phải nhiều vấn đề như các món nợ khổng lồ hay phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp khác, cả Alibaba và Tencent đều có những kết quả vượt ngoài mong đợi của nhà đầu tư.

“Chúng tôi có một niềm tin Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ trên không gian Internet”, Hans Tung - Quản lý đối tác của quỹ đầu tư CGV Capital - nói.

Ông Tung, người đầu tư vào nhiều start-up ở Trung Quốc, nói lợi thế lớn nhất của Alibaba và Tencent là nước Mỹ vẫn còn nhiều lựa chọn “offline” hiệu quả cho việc mua sắm và giải trí. Tại Trung Quốc, họ có ít các lựa chọn offline hơn. Tencent và Alibaba đóng vai trò trung tâm trong cách người Trung Quốc mua và thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ, liên lạc và giải trí.

10 công ty lớn nhất thế giới, tính theo giá trị thị trường (thời điểm 30/6/2017, tính bằng tỷ USD).

Tencent chính là công ty gần nhất với Facebook có thể đạt 1 tỷ người dùng. Ứng dụng nhắn tin của họ - Wechat - bao gồm cả thanh toán và mạng xã hội, có 960 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.

Alibaba có 500 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng trên ứng dụng thanh toán của họ. Trong 3 tháng qua, cả Tencent và Alibaba đều tăng trưởng hơn 50% so với một năm trước, đồng nghĩa họ phát triển mạnh hơn nhiều so với Facebook hay Alphabet (công ty mẹ của Google).

Tại Hong Kong, giá trị vốn hóa của Tencent tăng lên trên 400 tỷ USD vào tuần trước, trong khi giá trị của Alibaba tại New York cũng đạt 415 tỷ USD. Vị trí của 2 công ty này vẫn thấp hơn Amazon hay Facebook (hơn 450 tỷ USD) và thua xa Apple (vượt 800 tỷ USD).

Tại Trung Quốc, người ta thường nói về 3 công ty thống trị thế giới công nghệ: Alibaba, Tencent và một công ty tìm kiếm là Baidu - hãng được gọi là Google của Trung Quốc.

3 công ty đại diện cho thế lực Internet Trung Quốc gồm Baidu, Alibaba và Tencent. Ảnh: Digiday.

Tuy nhiên, Baidu được đánh giá là thiếu tiềm năng khi người dùng từ bỏ máy tính cá nhân để chuyển sang sử dụng smartphone. Họ cũng không thể chạy theo cuộc chiến kim tiền với Tencent và Alibaba. Cả 2 ông lớn này đang đổ tiền vào các lĩnh vực mới như giao nhận thực phẩm và video online.

Việc chỉ thống trị thị trường Trung Quốc là một điểm yếu của họ và cả 2 đang cố gắng cải thiện. Chẳng hạn, Alibaba chỉ kiếm khoảng 400 triệu USD từ bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Cách họ chọn là đầu tư và thâu tóm. Alibaba đầu tư vào một công ty thanh toán tại Ấn Độ, mua 3 công ty thương mại điện tử tại Đông Nam Á.

Tencent, trong khi đó, chi 8,6 tỷ USD để mua Supercell, chủ sở hữu của game Clash of Clans. Tencent cũng muốn mua lại WhatsApp nhưng bị nẫng tay trên bởi Facebook.

Họ cũng mở những trung tâm nghiên cứu tại thung lũng Silicon và tích cực đầu tư vào các start-up. Họ hiểu rằng thị trường Internet Trung Quốc không thể mãi tăng trưởng. Họ muốn biến sự phổ biến trong nước thành những thành công tại Mỹ và các thị trường khác.

Đức Nam / NyTimes
Nguồn Zing News