Gã khổng lồ DHL và cú hích cho TMĐT tại Việt Nam

Giữa tháng 7/2017, DHL chính thức ra mắt dịch vụ vận chuyển B2C nội địa trên toàn Việt Nam. Điều này sẽ tác động ra sao tới ngành thương mại điện tử?

Ông Thomas Harris – Giám đốc điều hành DHL e-Commerce Việt Nam đã chia sẻ những nhận định đặc biệt về ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thị trường thương mại điện tử Việt Nam?

Tôi cho rằng, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có một tiềm năng to lớn và chưa được khai thác tối đa hiệu quả dành cho các tiểu thương, nhà bán lẻ địa phương cũng như nhà bán lẻ trực tuyến. Cụ thể là năm 2016, tổng chi tiêu thương mại điện tử đạt mốc 1 tỷ đô la Mỹ (theo Euromonitor ). Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ, số người sử dụng internet và smartphone lớn. Theo đánh giá của hãng Nghiên cứu thị trường Euromonitor, từ nay đến năm 2020, thương mại điện tử châu Á dự kiến tăng khoảng 23% mỗi năm và có thể tăng trưởng gấp đôi trong thời gian ngắn. Chúng tôi cũng nhận thấy, TMĐT tại Việt Nam chỉ mới chiếm tỷ lệ 1% trong tổng giao dịch thương mại, nghĩa là tiềm năng tăng trưởng của TMĐT Việt Nam sẽ rất cao. Do đó các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao hơn để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

Thomas Harris

Ông Thomas Harris – Giám đốc điều hành DHL e-Commerce Việt Nam.

* Khi DHL chính thức ra mắt dịch vụ DHL e-Commerce tại Việt Nam, DHL sẽ có giải pháp nào đóng góp vào sự tăng trưởng TMĐT Việt Nam?

Trong lĩnh vực giao nhận toàn cầu lẫn nội địa tôi nghĩ rằng, không có doanh nghiệp Việt Nam nào đủ lớn và có đầy đủ những loại hình dịch vụ như của DHL với các loại dịch vụ: giao nhận vận chuyển, dịch vụ xuyên biên giới, giao và nhận hàng tận nơi... Trong chiến lược thúc đẩy phát triển TMĐT đến năm 2020 tại Việt Nam, DHL xác định là doanh nghiệp hàng đầu của thị trường và có dịch vụ giao hàng nội địa trên khắp Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư 2 trung tâm phân phối chính ở Hà Nội và TP.HCM, cũng như các kho bãi trên toàn quốc. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ có dịch vụ trả tiền khi nhận hàng, thu hộ tiền cho doanh nghiệp và lấy biên nhận chuyển tiền. Hiện tại chúng tôi tập trung huấn luyện các kỹ năng cần thiết cho gần 300 nhân viên để họ sẽ là những người tạo ra chất lượng dịch vụ tốt nhất và kèm cả nụ cười. Chúng tôi cố gắng làm nhiều hơn so với mong đợi của khách hàng.

* Vậy, ông có cho rằng, cạnh tranh trong dịch vụ giao nhận nội địa sẽ quyết liệt?

Thật ra, tôi quan niệm cạnh tranh là yếu tố tốt cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tôi ở Việt Nam cũng đã 3 năm. Tôi đã mua hàng online của các công ty Việt Nam. Từ lúc mua hàng cho đến 1 tuần sau, tôi chẳng nhận được bất kỳ sự liên hệ nào của bên bán rồi sau đó, tôi bất ngờ nhận được gói hàng. Đối với tôi, dịch vụ như vậy vẫn chưa thể thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Tôi tin là thị trường giao nhận nội địa Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Khác biệt về chất lượng dịch vụ của chúng tôi là điểm mấu chốt giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng. Chẳng hạn chúng tôi có dịch vụ giao hàng trong vòng 1 ngày, dịch vụ kiểm hàng, chuyển trả hàng trở lại… Chúng tôi cũng cam kết hoàn tiền cho doanh nghiệp 1 ngày sau khi giao hàng. Tôi nghĩ rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ phải tạo ra chất lượng dịch vụ vượt trội để cạnh tranh tốt hơn.

* Hiện tại đã có một doanh nghiệp kinh doanh điện tử tại Việt Nam cam kết giao hàng trong vòng 30 phút. Liệu DHL có dịch vụ giao hàng nhanh như thế cho khách hàng?

Chúng tôi đã triển khai dịch vụ giao hàng trong 24 giờ. Chúng tôi sẽ quan sát theo dõi thị trường chặt chẽ, đánh giá nhu cầu khách hàng và trong tương lai chúng tôi sẽ tính đến việc giao hàng với thời gian sớm hơn.

DHL đã triển khai dịch vụ giao hàng trong 24 giờ.

* Theo ông thì đâu là những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai loại hình TMĐT?

Các doanh nghiệp nước ngoài bán hàng qua mạng khá phổ biến và việc mua bán, vận chuyển xuyên biên giới cũng hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc triển khai thương mại điện tử, vận chuyển xuyên biên giới vẫn còn rất hạn chế. Nếu các doanh nghiệp Việt muốn triển khai dịch vụ TMĐT xuyên biên giới, các bạn phải mạnh dạn tiến hành và chúng tôi có thể hợp tác với doanh nghiệp để giúp họ phát triển TMĐT ra nước ngoài thuận lợi.

* Vậy DHL sẽ có những hỗ trợ nào để khách hàng làm quen?

Chúng tôi khai trương dịch vụ e-Commerce mới 1 tháng và đã có 100 khách hàng sử dụng dịch vụ này. Điều này cho thấy, giá cả dịch vụ của DHL là rất phù hợp mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ngoài vấn đề giá chúng tôi có những điểm khác biệt để giúp cho các doanh nghiệp triển khai TMĐT cảm thấy hài lòng hơn, đó là chất lượng dịch vụ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật kết nối.

DHL có một cổng điện tử giúp cho khách hàng có thể liên kết và tích hợp với các hệ thống dịch vụ e-Commerce. Khi khách hàng muốn sử dụng dịch vụ của chúng tôi, DHL sẽ cử một đội kỹ thuật viên trực tiếp gặp khách hàng, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ thông tin. Nếu khách hàng chưa ở mức độ phát triển công nghệ thông tin cao, chúng tôi cũng sẽ tư vấn và đưa ra các giải pháp kỹ thuật, công nghệ ở nhiều cấp độ để khách hàng lựa chọn miễn sao hệ thống kết nối giữa khách hàng và DHL đảm bảo tương thích và vận hành tốt.

Tóm lại với dịch vụ e-Commerce của DHL, chúng tôi chịu trách nhiệm hậu cần, khách hàng có thể yên tâm tập trung vào kinh doanh. Ngoài ra DHL còn có hệ thống đánh giá sự hài lòng của khách hàng với bên thứ ba, giúp cho chất lượng các dịch vụ luôn được kiễm soát và cải tiến tốt nhất.

Cát Nguyện
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp