Hàng không giá rẻ: Dư địa lớn nhưng khó mở rộng

Thị trường hàng không giá rẻ Việt Nam vốn được cho là mảnh đất màu mỡ, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện tại, việc khai thác tiềm năng thị trường gặp trở ngại ngay từ khâu xin cấp phép cho hãng hàng không mới.

Nóng cuộc đua hàng không giá rẻ

Trước sức hấp dẫn từ thị trường hàng không giá rẻ, không ít doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc. Mới đây nhất, vào tháng 3/2017, Thiên Minh Group, mà cụ thể là công ty con Gumin đã bắt tay với Air Asia lập thêm hãng hàng không mới, dự kiến cất cánh vào đầu năm 2018. Trong đó, Gumin sẽ sở hữu 70% cổ phần, Air Asia nắm 30%.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, đồng thời là CEO Gumin cho biết, Công ty đang gấp rút hoàn thiện giấy tờ, thủ tục để trình xin cấp giấy phép vào đầu tháng 9/2017.

Bước chân vào Việt Nam, Air Asia nuôi tham vọng nối dài hệ thống mắt xích của mình tại khu vực châu Á, đồng thời khai thác “mỏ vàng” thị trường hàng không nội địa Việt còn mới mẻ và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia này đã từng 3 lần thất bại trước thị trường Việt.

Lần thứ nhất, năm 2010, Air Asia muốn kết hợp với Viejet lập hãng hàng không Vietjet AirAsia. Lần thứ hai là thương vụ góp vốn vào Jestar Pacific và lần thứ ba muốn phối hợp với Vinashin lập hãng bay mới. Cả 3 nỗ lực này đều không đem lại kết quả. Như vậy, 7 năm trôi qua, dù liên tiếp thất bại nhưng Air Asia vẫn chưa thôi tham vọng có mặt tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Không chỉ hãng hàng không ngoại mà ngay cả những doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường này. Chẳng hạn, một doanh nghiệp không có mối liên hệ nào với lĩnh vực hàng không như FLC cũng tuyên bố sẽ gia nhập thị trường với tham vọng thành lập hãng Hãng hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) có vốn điều lệ 700 tỷ đồng và đệ đơn xin phê duyệt lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) trong tháng 6.

Trước đó, hãng hàng không Vietstar Airlines mới thành lập vào giữa năm 2016 cũng đang chờ được phê duyệt cấp phép. Trong khi Vietnam Airlines đang xây dựng đề án thành lập Hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO.

Hiện nay, Việt Nam có 4 hãng hàng không đang khai thác thị trường nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Trong đó, Vietnam Airlines đang sở hữu VASCO và gần 70% vốn tại Jetstar.

Vì thế, thực chất cuộc cạnh tranh thực sự chỉ có giữa hai đơn vị là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Năm 2016, Vietjet đang bám sát Vietnam Airlines ở thị phần hàng không nội địa, lần lượt là 41,5% và 42,5%. Hiện tại, Vietjet đang có những bứt phá mạnh mẽ trong cuộc đua giành thị phần.

Còn dư địa tăng trưởng

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vào cuối tháng 7, ông Trần Trọng Kiên bày tỏ nhiều trăn trở về phát triển thị trường hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Trao đổi bên lề với báo chí, ông Kiên cho biết, nhu cầu đi lại bằng phương tiện hàng không của người Việt và du khách đến Việt Nam ngày càng lớn nhưng hiện tại chỉ có 2 hãng không giá rẻ. Theo ông Kiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của du lịch Việt Nam cần phải có khoảng 10 hãng hàng không.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn là việc thẩm định hãng không cần nhiều thời gian và xem xét nhiều yếu tố. Hiện nay, có ít nhất 3 giấy đăng ký thành lập hãng bay mới đang chờ được cấp phép.

Trao đổi với PV, Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển thị trường hàng không giá rẻ là xu thế chung của thế giới.

Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng ngành hàng không giá rẻ, khi cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, các sân bay sẽ được mở rộng như Tân Sơn Nhất (TP. HCM), Nội Bài (Hà Nội), sân bay Long Thành; nhiều sân bay dư thừa công suất nội địa như Đà Nẵng, Cam Ranh (sắp mở rộng), Phú Quốc…

Theo TS. Hồ, việc mở thêm hãng hàng không là cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, nhưng đây là ngành quan trọng, đặc thù nên việc thẩm định, cấp phép không đơn giản như mở doanh nghiệp vận tải đường bộ.

“Không phải chúng ta hạn chế mở thêm hãng hàng không giá rẻ, mà là cẩn trọng trong thẩm định với ngành đòi hỏi tính an toàn cao, quản lý vận hành tốt”, TS. Hồ nói và cho rằng, cần xem xét cân đối giữa nhu cầu và cơ sở hạ tầng, đường bay, hệ thống sân bay. Trong tương lai, việc mở rộng các sân bay quan trọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quản lý, vận hành. Khi đó, việc gia nhập của các hãng hàng không mới sẽ tích cực hơn.

Hải Minh
Nguồn Tin nhanh Chứng khoán