Cao trào cuộc chiến bánh pizza

Sự góp mặt của 2 chuỗi Domino’s Pizza và The Pizza Company liệu có phá vỡ được sự thống trị của Pizza Hut tại Việt Nam?

Chuỗi thức ăn nhanh (fastfood) Pizza Hut do IFB Holdings (Việt Nam) và Jardine Restaurant Group (Hồng Kông) đưa vào Việt Nam đầu năm 2007. Sự xuất hiện của doanh nghiệp này đã kéo theo những tên tuổi pizza giá cao và có thương hiệu khác như Pizza Inn (Mỹ, được một doanh nhân Hàn Quốc đưa về Việt Nam) hay hệ thống nhà hàng Pepperonis (thuộc Al Fresco’s Group).

Lợi thế đi đầu của Pizza Hut

Nhờ vào thế mạnh sẵn có về tên tuổi cũng như tiềm lực tài chính của chủ đầu tư, Pizza Hut đã nhanh chóng bứt phá và dẫn đầu ở phân khúc pizza trong ngành fastfood tại Việt Nam.


Cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam

Tính đến đầu tháng 3.2013, hệ thống này đã có 27 nhà hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Ngoài ra, họ còn có 5 chi nhánh Pizza Hut Delivery chuyên giao hàng tận nơi tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong khi đó, phải đến cuối năm 2010, Domino’s mới chính thức có mặt tại Việt Nam thông qua IPP Group (cũng là đơn vị vừa mua nhượng quyền Burger King). Là chuỗi pizza lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Pizza Hut, Domino’s hiện đang dẫn đầu ở phân khúc bánh pizza giao tận nhà ở nước này với doanh thu toàn cầu đạt 1,7 tỉ USD năm 2011. Không giấu giếm tham vọng lật đổ sự thống trị của Pizza Hut, Domino’s gần đây đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động mở rộng hệ thống của mình tại Việt Nam.

Đến tháng 3.2013, Domino’s đã mở được 11 chi nhánh tập trung ở những vị trí đẹp và đông dân tại TP.HCM, trong đó bao gồm 4 cửa hàng vừa khai trương hồi đầu năm nay. Do vẫn trung thành với mục tiêu trở thành chuỗi pizza giao hàng tận nơi số một nên việc thuê mặt bằng đẹp có thể được hiểu như một cách để Domino’s gia tăng sự nhận biết thương hiệu, đồng thời khóa được những vị trí này khỏi tay các đối thủ.

Thêm vào đó, chiến lược giá thấp của Domino’s vẫn được tiếp tục thực hiện thị trường Việt Nam, khi mà pizza của chuỗi này luôn được định giá thấp hơn sản phẩm tương đương ở Pizza Hut từ 20.000-60.000 đồng/bánh tùy kích cỡ.


Các thương hiệu fastfood được người Việt ăn thường xuyên nhất

Chiến lược định vị

Nếu xét về mặt định vị thương hiệu, Pizza Hut đang đi theo trên hình mẫu nhà hàng pizza phong cách Mỹ ấm cúng, thích hợp cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức. Trong khi đó, Domino’s tại Việt Nam được xây dựng dựa trên việc giao hàng làm trọng tâm phát triển. Hiện nay khách đến ăn tại các cửa hàng của Domino’s ở TP.HCM vẫn đang được phục vụ bằng hộp giấy dùng để đựng bánh và ly uống nước bằng nhựa sử dụng một lần. Người Việt đã bắt đầu quen với hình thức giao hàng tận nơi của các chuỗi fastfood và đây cũng là thế mạnh đã được kiểm chứng của Domino’s tại Mỹ cũng như ở các nước khác. Pizza Hut cũng đã sớm đưa mô hình Pizza Hut Delivery vào áp dụng tại Việt Nam. Hiện nay, cả 2 chuỗi pizza này đều cam kết giao hàng tận nơi trong vòng 30 phút và tặng bánh miễn phí trong đơn hàng kế tiếp nếu giao trễ.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với khẩu vị thực khách sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút khách hàng của các chuỗi pizza. Thực khách đến ăn tại hệ thống Pizza Hut bây giờ ngoài pizza ra đã có thể gọi thêm món cơm dùng với gà hoặc sườn nướng. Còn Domino’s cũng đã đưa vào thực đơn của mình món pizza lạp xưởng rất Việt Nam.

Đối thủ mới

Trong bối cảnh đó, một chuỗi pizza đối thủ đáng gờm khác của Pizza Hut cũng đã lên kế hoạch mở rộng tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Marketing chuỗi nhà hàng The Pizza Company tại Việt Nam cho biết họ sẽ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động từ cuối tháng 3.2013. Chi nhánh The Pizza Company đầu tiên tại Hà Nội đã khai trương từ giữa năm 2011, được phát triển dựa trên hình mẫu nhà hàng pizza mang phong cách Ý với thực đơn mang hương vị phù hợp với thực khách Đông Nam Á. Theo ông Nghĩa, đó cũng sẽ là chiến lược xuyên suốt của The Pizza Company tại Việt Nam trong tương lai, mở màn với nhà hàng thứ hai nằm bên trong Trung tâm Thương mại Vincom Eden ở TP.HCM.


Tỉ lệ được giới thiệu truyền miệng

Khởi đầu ở Thái Lan từ đầu những năm 1980, The Pizza Company ngày nay đang chiếm hơn 60% thị trường Thái Lan, dù tham gia vào thị trường chậm hơn Pizza Hut.

Đạt được điều đó, theo chuyên gia phân tích Sattatip Peersub (Kim Eng Securities), là do chuỗi pizza của người Thái đã áp dụng cực tốt những hiểu biết về khẩu vị người châu Á để đưa vào thực đơn. Theo bà, thực khách đang chú ý nhiều hơn đến cảm nhận thực tế từ món ăn hơn là yếu tố thương hiệu.

Đại diện cho The Pizza Company Việt Nam, ông Nghĩa cho biết trong vòng 5 năm tới, họ kỳ vọng sẽ xây dựng thành công thương hiệu này trở thành một biểu tượng của ẩm thực phong cách Ý tại Việt Nam với tốc độ mở rộng từ 8-10 nhà hàng/năm, trong đó quy mô một nhà hàng trung bình khoảng 500 m2.

Sự góp mặt của The Pizza Company cũng như việc đẩy mạnh đầu tư của hệ thống Domino’s chắc chắn sẽ đem đến không ít thử thách cho người dẫn đầu phân khúc là Pizza Hut.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư